Thursday, June 29, 2017

Hàng ngàn học sinh Hải Dương mỗi ngày lo đá núi lở

Người dân bỏ hoang nhà cửa, chuyển đi nơi khác sống vì sợ đá lở. (Hình: Báo Thanh Niên)
HẢI DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Nhiều năm qua, người dân thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, luôn sống trong tâm trạng lo sợ đá từ trên núi Thần rơi xuống nhà bất cứ lúc nào do việc nổ mìn khai thác đá.
Từ năm 2008, khi công ty Hoàng An được cấp phép khai thác đá tại núi Thần, thì 28 gia đình cùng cả ngàn học sinh dưới chân núi luôn nơm nớp lo sợ.

“Cứ 11 giờ trưa hằng ngày là họ nổ mìn. Những lúc như thế, bà con phải đi ra khỏi nhà. Đã có người phải bỏ nhà đi nơi khác sống,” ông ông Tạ Văn Học (68 tuổi), người dân khu 2 thị trấn Phú Thứ, nói.
Dẫn phóng viên báo Thanh Niên lên sườn dốc, đứng cạnh ngôi nhà bỏ hoang cách chân núi Thần khoảng 70 mét, ông Học chỉ tay về một tảng đá lớn trên đỉnh núi nói: “Nó có thể sập xuống đầu chúng tôi bất cứ lúc nào. Hôm 7 Tháng Tư vừa qua, khi bên mỏ đá cho nổ mìn thì hòn đá này rung lên và lắc lư như con lật đật. Hoảng quá, tôi hô hào bà con bỏ chạy. Khoảng 4 phút sau thì nó thôi không lắc nữa và rất may là cũng chưa rơi xuống. Nhưng dưới chân tảng đá thì đã chằng chịt rãnh nứt rồi.”
Ngoài khu dân cư số 2, trường trung học Nhị Chiểu nằm ngay dưới chân núi với hơn 1,000 học sinh đang theo học cũng chịu nhiều ảnh hưởng của việc nổ mìn phá đá. Do vậy, người dân đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương phải đóng cửa công ty khai thác đá, hoặc chuyển dân cư, trường học tới nơi an toàn.
Nói với báo Thanh Niên ngày 28 Tháng Sáu, ông Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch thị trấn Phú Thứ, cho biết tác động của vụ nổ mìn khai thác đá sai kỹ thuật xảy ra vào năm 2015 đã khiến sức liên kết với núi mẹ của nhiều hòn đá “mồ côi” trên núi Thần bị suy yếu, có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.
“Chúng tôi đã yêu cầu công ty Hoàng An cắt bỏ những hòn đá này. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải xin cấp phép của tỉnh vì khu vực này chưa được cấp phép khai thác. Do vậy, việc giải quyết dứt điểm thì phải chờ chỉ đạo của huyện và tỉnh. Trước mắt, chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp làm dãy đê chắn bằng đất dưới chân núi để tăng độ an toàn cho khu dân cư,” ông nói.
Ông Lê Văn Bí, phó chủ tịch huyện Kinh Môn, cho biết: “Hiện công ty Hoàng An chưa trình kế hoạch cắt gọt các hòn đá ‘mồ côi’ để cơ quan hữu trách thẩm định nên chưa được cấp phép. Chúng tôi đã yêu cầu công ty khai triển để giải tỏa nỗi lo cho người dân.” (Tr.N)

No comments:

Post a Comment