HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhiều doanh nghiệp xây dựng đang đối diện với nguy cơ phá sản vì bị hệ thống công quyền quỵt nợ. Nếu điều này xảy ra, các ngân hàng cũng tắc tử vì mất cả chì lẫn chài.
Hiệp Hội Nhà Thầu Xây Dựng Việt Nam (VACC) vừa tổ chức một hội thảo về “nợ đọng trong xây dựng cơ bản,” hôm 28 Tháng Sáu, tại Hà Nội.
Tại Việt Nam, “nợ đọng trong xây dựng cơ bản” là cách gọi những khoản nợ mà hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương còn thiếu các nhà thầu sau khi những nhà thầu này hoàn tất các công trình hạ tầng.
Theo báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch VACC, dẫn số liệu của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội cho biết tính đến cuối năm 2016, khoản “nợ đọng trong xây dựng cơ bản” mà chính phủ có nghĩa vụ phải thanh toán cho các nhà thầu là 9,500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo VACC thì khoản “nợ đọng” của toàn bộ hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chưa thanh toán cho các nhà thầu là từ 30,000 tỷ đồng đến 40,000 tỷ đồng.
Ông Hiệp cho biết, vốn của nhiều doanh nghiệp là thành viên của VACC chỉ chừng 200 tỷ đồng hoặc 300 tỷ đồng nhưng đang bị hệ thống công quyền nợ tới 2,000 tỷ đồng. Có những doanh nghiệp bị hệ thống công quyền thiếu nợ từ… 10 đến 12 năm. Do oằn lưng gánh lãi, nhiều doanh nghiệp đã kiệt sức và chỉ còn chờ phá sản.
Ông nói thêm, ngoài hệ thống công quyền, các thành viên của VACC còn bị doanh nghiệp nhà nước quỵt nợ. Tất cả những khoản nợ đó đều rất khó đòi.
Ông Dương Văn Cận, phó chủ tịch VACC, cho hay nguyên nhân khiến vấn nạn “nợ đọng trong xây dựng cơ bản” càng ngày càng trầm kha, là do các viên chức hữu trách phóng tay phê duyệt các quyết định đầu tư bất chấp yếu tố có vốn để thực hiện hay không. Do công quỹ có hạn mà các dự án đầu tư quá nhiều nên cuối cùng hệ thống công quyền Việt Nam không cân đối được nợ.
Ông lưu ý thêm là đến nay, dù “nợ đọng” đã hết sức nan giải nhưng tình trạng phóng tay phê duyệt các quyết định đầu tư, giao nhà thuê thi công trước rồi sau đó mới đi tìm vốn vẫn rất phổ biến.
Ông Bùi Tấn Lực, phó chủ tịch Hiệp Hội Nhà Thầu Xây Dựng tỉnh Bình Định, dẫn thực tế ở tỉnh này để nêu thêm một nguyên nhân khác là “tư duy nhiệm kỳ” – viên chức cấp nào cũng muốn lưu lại danh tánh của mình thông qua các công trình, kể cả viên chức cấp xã.
Ở Bình Định, “nợ đọng” của hệ thống chính quyền các xã cũng đã lên tới mức chừng 50 tỷ đồng/năm. Gần như tất cả nhà thầu đều bị hệ thống công quyền chiếm dụng khoảng 70% vốn thực hiện công trình. Cũng theo ông, bởi vì thiếu việc hoặc cần công trình mới để “đảo nợ” (vay nợ mới trả nợ cũ) với ngân hàng, nhiều nhà thầu biết thiệt vẫn phải nhắm mắt, đưa chân.
Ông Trần Nhật Thành, chủ tịch công ty Xây Dựng Delta, góp thêm một yếu tố khác, đó là các chủ đầu tư cố tình kéo dài chuyện nợ không thanh toán cho nhà thầu. Ông đề nghị cần có quy định buộc chủ đầu tư chỉ được phép mời thầu khi có ngân hàng bảo lãnh về vốn giống như chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải có ngân hàng bảo lãnh về khả năng tài chính để thực hiện hợp đồng. Ông còn đòi thống kê, công khai danh sách những chủ đầu tư cố tình chây ì, không trả nợ để các nhà thầu tránh.
Theo tường thuật của báo Thanh Niên, cũng tại hội thảo vừa kể, một số chuyên gia cho rằng, nên hành xử theo kiểu, nếu địa phương nào còn “nợ đọng xây dựng cơ bản” thì không cho phép tổ chức mời thầu thực hiện các công trình hạ tầng mới để buộc các địa phương đó phải sắp xếp để thanh toán cho hết nợ. Những chuyên gia đó cũng đề nghị giới hữu trách chỉ nên phê duyệt dự án khi đã sắp xếp được vốn. Mặt khác phải rà soát, thống kê, phân loại “nợ đọng” để hoạch định lộ trình giải quyết dứt điểm.
Dường như những nhận định, đề nghị của các doanh nhân là thành viên của VACC và các chuyên gia đều hữu lý nhưng còn lâu mới khả thi.
Tất cả đều quên mới đây, vào ngày 19 Tháng Sáu, dù biết chắc, riêng “thu hồi đất, bồi thường, tái định cư” để có mặt bàng thực hiện dự án xây dựng phi trường Long Thành cần tới 23,000 tỷ đồng và chính quyền Việt Nam chỉ mới “thu xếp” được 5,000 tỷ đồng, còn 18,000 tỷ đồng vẫn chưa biết sẽ lấy từ đâu song Quốc Hội vẫn “nhất trí” với đề nghị của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội là khai triển ngay công đoạn này.
Với chính phủ như thế, quốc hội như thế, còn lâu Việt Nam mới giải quyết dứt điểm vấn nạn “nợ đọng xây dựng cơ bản.” (G.Đ)
No comments:
Post a Comment