Friday, May 5, 2017

Tỉnh Phú Yên ‘bật đèn xanh’ để doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm

Miệng cống xả từ khu công nghiệp An Phú ra khu vực dân cư. (Hình: Báo Thanh Niên)
PHÚ YÊN (NV) -Hơn 100 hộ dân ở xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, một năm qua phải sống chung với mùi hôi thối, với nước giếng bị ô nhiễm do nước thải của khu công nghiệp An Phú, do Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên quản lý.
Nước thải của khu công nghiệp (KCN) An Phú được xả thẳng vào bàu Sen, ở thôn Liên Trì 2, thẩm thấu xuống đất khiến nước giếng ở khu vực này có mùi rất tanh. Vì vậy, người dân chỉ sử dụng để giặt đồ, rửa chén, còn ăn uống thì phải mua nước tinh khiết về dùng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, ở thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến, cho biết: “Cứ khoảng 21 giờ hằng đêm, cả khu dân cư ở đây phải chịu mùi hôi thối đủ mùi từ hóa chất công nghiệp cho đến mùi cá chết do nước thải của KCN An Phú xả ra, mặc dù nhà đã đóng kín cửa”.
Ông Kiều Văn Sung, cũng ở thôn Liên Trì 2, thì phản ánh: “Nước thải lúc có màu đen, có lúc màu đỏ. Cứ xả ra hôm trước thì hôm sau cá chết. Bà con hoang mang lắm, vì khi dùng nước giếng tưới cây thì cây lá đang rất xanh chuyển hết sang màu vàng”, ông Sung nói.
Quá bất bình, người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. Bởi qua điều tra của Báo Thanh Niên, tỉnh Phú Yên đã “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp xả thải.
Theo thiết kế, trạm xử lý nước thải KCN An Phú có công suất 200 khối/ngày đêm. Tiêu chuẩn nước khi xả ra môi trường phải đạt loại A. Nước thải từ các nhà máy sản xuất trong KCN trước khi đấu nối về trạm phải được xử lý đạt tiêu chuẩn loại B.
Tuy nhiên, hiện tại có 2 doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản là công ty Hải Tinh và công ty Tôm Vàng chưa xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B vẫn được đấu nối về trạm xử lý nước thải chung của KCN.
Việc 2 DN này xả thải chưa qua xử lý là do ủy ban tỉnh Phú Yên “bật đèn xanh”. Theo đó, ông Nguyễn Chí Hiến, phó chủ tịch tỉnh Phú Yên, đã ký giấy cho phép đấu nối nước thải chưa qua xử lý vào trạm xử lý nước thải tập trung KCN An Phú.
Xác nhận với phóng viên Báo Thanh Niên, ngày 5 Tháng Năm, đại diện công ty Tôm Vàng cho biết, sở dĩ họ xả thải trực tiếp chưa qua xử lý vào trạm xử lý nước thải tập trung KCN An Phú là do có sự đồng thuận của Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên.
Ông Phạm Văn Cẩm, Đội trưởng Đội dịch vụ thuộc Trung tâm dịch vụ công ích, Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Phú Yên, giải thích, việc 2 DN trên được đấu nối nước thải thô về trạm xử lý tập trung dẫn đến nồng độ ô nhiễm nước thải tăng cao. Do dung lượng trạm xử lý nhỏ, việc tiếp nhận nước thải hạn chế nên đã xảy ra tình trạng DN xả thải trộm qua đường dẫn nước mưa.
Trong khi đó, ông Chế Bá Thịnh, phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Phú Yên, nói thẳng: “Do Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên xuê xoa với nhau, chứ nói thật chưa đủ điều kiện, chưa hoàn tất các thủ tục quy định thì làm sao hoạt động được. Đúng ra phải xử lý việc này.Đây là vấn đề căn cơ để giải quyết vấn đề gây ô nhiễm”.
Ông Lê Văn Thành, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên, thừa nhận, có tình trạng hôi thối từ chất thải của KCN An Phú. “Nguyên nhân là do trạm xử lý nước thải tập trung của KCN An Phú quá tải.Về lâu dài, chúng tôi gia hạn trong vòng 3 tháng 2 DN trên phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B trước khi đấu nối với trạm xử lý nước thải tập trung của KCN An Phú”, ông Thành biện minh. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment