Toàn gương mặt mới trong cuộc biểu tình ngày 5/3 ở Sài Gòn. Ảnh Danlambao
Phong trào đấu tranh đòi nhân quyền và dân chủ ở Sài Gòn đã “mở hàng” đầu năm 2017 bằng một hiện tượng đặc biệt: toàn người mới !
Ngày 5/3/2017, Sài Gòn đã hưởng ứng và cổ vũ tinh thần đấu tranh giành công lý của ngư dân – giáo dân các tỉnh miền Trung bằng một cuộc xuống đường của hàng trăm người dân. Như thường lệ, công an và “côn đồ công vụ” canh chặn và khống chế hầu như toàn bộ thành viên cốt cán của các tổ chức xã hội dân sự dộc lập. Do vậy, điều dễ hiểu là hầu như không một thành viên nào có thể ra đường để biều tình vào ngày 5/3.
Vào cuối năm 2016, khi nhóm nòng cốt của xã hội dân sự độc lập bị công an khống chế, biểu tình đã không thể diễn ra. Công an TP.HCM rõ ràng hiểu rất rõ điều này và đã dùng đối sách từ chặn những người nòng cốt đến cả những thành viên bình thường của các nhóm xã hội dân sự độc lập.
Chính do lo ngại đối sách này, mà không ít thành viên hình dung ngày 5/3 sẽ không thể có cuộc biểu tình đúng nghĩa nào ở Sài Gòn.
Tuy nhiên vào năm 2017, đối sách của công an đã bắt đầu thất bại. Nhiều thành viên của xã hội dân sự độc lập bị buộc phải ngồi ở nhà đã xác nhận trong số hàng hàng trăm người tham gia biểu tình trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vào ngày 5/3, không có một gương mặt quen thuộc nào của các tổ chức hội doàn dân sự độc lập.
Một nữ blogger là Nguyễn Hoàng Vi – người từng dẫn đầu về hoạt động phát tờ rơi vào ngày Nhân quyền quốc tế 10/12/2013 ở trung tâm Sài Gòn, đã ghi lại cảm xúc của chị:
“Bỏ mặt những bóng ma lảng vảng trước nhà và đầu hẻm tôi yên giấc ngủ ngon với đứa con nhỏ. Vậy nhưng sáng Chủ nhật, tôi đón chào ngày mới với hình ảnh người biểu tình ở miền Trung và Sài Gòn tràn ngập trên mạng…
Những gương mặt mới giương cao biểu ngữ, hô khẩu hiệu dù không đồng đều, không chuyên nghiệp nhưng toát lên tinh thần cương quyết và dũng cảm. Từ họ, những lời ca quen thuộc “Trả lại đây cho nhân dân tôi quyền tự do, quyền con người...”.
Hãy nhớ lại, hai cuộc biểu tình bảo vệ môi trường của người dân sài Gòn đã bùng nổ vào tháng 5/2016, có lúc lên đến 4,000 người với rất nhiều người chưa từng biểu tình bao giờ. Nhưng tại cuộc biểu tình lần thứ hai vào ngày 8/5, công an và “côn đồ công vụ” đã đàn áp dã man người biểu tình. Có đến vài trăm người bị lực lượng “của dân, do dân và vì dân” tống bắt lên xe bus, đưa về sân vận động Hoa Lư. Ở đó đã chờ sẵn một đám người bị coi là “đầu trâu mặt ngựa”. Chúng hạch sách và thẳng tay đánh đập những người biểu tình và còn tuyên bố thẳng là “đánh cho chừa biểu tình”.
Nhưng toàn bộ những gương mặt mới của người dân trong cuộc biểu tình ngày 5/3/2017 đã cho thấy chính quyền không thể khiến nhân dân run sợ. Phi nghĩa đã quá rõ khi chính quyền chỉ tìm cách bảo vệ tội phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường là nhà máy Formosa, đàn áp khốc liệt những người dân chỉ muốn tìm lẽ phải và công bằng. Chính hành vi đàn áp ấy đã khiến ngày càng nhiều người dân – từ dân oan đất đai đến tiểu thương, sinh viên, trí thức và cả người về hưu – công phẫn và tự nguyện xuống đường biểu tình.
Giờ đây. Danh sách “theo dõi và khống chế các đối tượng biểu tình” của công an chắc chắn đã dài ra rất nhiều. Phẫn nộ và phẫn uất của nhân dân đang dần lấn át nỗi vô cảm xã hội. Sẽ đến một lúc nào đó, chẳng cần đến những nhóm chủ chốt của xã hội dân sự độc lập, rất nhiều người dân sẽ tự động xuống đường một cách quy củ, có tổ chức và dũng mãnh để phản kháng vô số bất công của chính quyền.
Khi đó, sẽ cần bao nhiêu công an để khống chế “bọn xã hội dân sự”?
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment