TIỀN GIANG (NV) – Do tố cáo của người dân, cơ quan chức năng lập đoàn thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm có tính hệ thống, diễn ra nhiều năm, gây thiệt hại hàng tỉ đồng tại Chi cục Kiểm lâm Tiền Giang.
Báo Thanh Niên dẫn kết luận của Thanh tra Tiền Giang ngày 6 Tháng Ba, qua kiểm tra về quản lý rừng từ năm 2013-2016, Chi cục Kiểm lâm (CCKL) Tiền Giang đã ban hành 63 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 1,534 tỉ đồng, tịch thu 130 khối gỗ các loại.
Song qua kiểm tra 27/55 quyết định xử phạt hành chính về lâm sản, đoàn thanh tra phát hiện có 7 hồ sơ xử phạt với tổng số gỗ sai phạm là 229 khối, nhưng CCKL Tiền Giang chỉ ghi biên bản xử phạt có 37.6 khối, gây thiệt hại ngân sách 1,687 tỉ đồng.
Nổi cộm là vào năm 2013, Cảnh sát kinh tế Công an Tiền Giang phối hợp với kiểm lâm kiểm tra xe 2 tải chở, một chiếc chở 12.5 khối gỗ bằng lăng và một xe khác chở 30.2 khối. Tài xế 2 xe này xuất trình hóa đơn do ông Nguyễn Văn Năm, ở xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy xuất bán cho bà Nguyễn Thị Lệ, ở xã Tân Trung, thị xã Gò Công.
Nghi gỗ lậu, cảnh sát kinh tế tiếp tục kiểm tra cơ sở cưa xẻ gỗ của ông Năm, phát hiện thêm 23.5 khối gỗ bằng lăng không chứng minh được nguồn gốc. Sau khi bị lập biên bản, ông Hoàng Xuân Trung ra mặt cung cấp hồ sơ số gỗ trên mua của công ty Quang Thái, tỉnh Bình Định. Tuy nhiên qua xem xét, CCKL Tiền Giang xác định có hơn 12 khối gỗ không hợp pháp, ra quyết định xử phạt hành chính ông Trung 75 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số gỗ.
Tin cho biết, phía công ty Quang Thái đã thừa nhận “việc xuất hóa đơn để hợp thức hóa lô gỗ đi đường chứ công ty không có loại gỗ này”. Còn ông Năm thì nói “không biết gì về hợp đồng mua bán”.
Trong “phi vụ” này, kết luận thanh tra xác định ông Cao Văn Thật, chi cục trưởng CCKL Tiền Giang và ông Nguyễn Thanh Trúc “đã không xử lý 54.2 khối gỗ bằng lăng vi phạm với giá trị 542 triệu đồng”.
Tương tự, vụ ngày 10 Tháng Chín, 2016, hai cán bộ của CCKL Tiền Giang là ông Nguyễn Thượng Vũ và bà Nguyễn Thị Ngọc Hân lập biên bản xác nhận cơ sở Đặng Linh Thảo, huyện Tân Phước, nhập vào 29.4 khối gỗ căm xe “có nguồn gốc trong nước”. Nhưng qua kiểm tra thì 14.8 khối không có dấu kiểm lâm và ghi số hiệu tại mặt cắt ngang 2 đầu thanh gỗ… Vậy mà cán bộ kiểm tra vẫn xác nhận “gỗ có nguồn gốc hợp pháp”.
Theo thanh tra, trong hàng loạt sai phạm nói trên có 5 vụ vượt quá thẩm quyền xử phạt hành chính nhưng CCKL Tiền Giang đã không khởi tố, điều tra theo thẩm quyền, không chuyển sang cơ quan điều tra theo quy định; có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái pháp luật. Do vậy, chánh thanh tra tỉnh Tiền Giang quyết định chuyển sang Công an Tiền Giang để tiến hành điều tra 6 vụ việc, gây thất thoát cho nhà nước tổng cộng 3,072 tỉ đồng. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment