Friday, February 3, 2017

Những chuyện bi hài đầu năm

Hòa Ái, RFA 2017-02-02    
Những mâm cúng được bày bán tại chùa Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh hôm 2/2/2017.

Những mâm cúng được bày bán tại chùa Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh hôm 2/2/2017.  AFP photo

Thế là những ngày tết vui xuân đã vụt qua và mỗi người trong chúng ta trở lại với nhịp sống thường nhật cùng hy vọng một năm Đinh Dậu mang lại nhiều niềm vui, ước nguyện đạt thành, vạn sự như ý.
Hòa Ái lần lượt gửi đến những thông tin quý khán thính giả cùng độc giả quan tâm trong tuần lễ đầu tiên đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt.

Những câu chuyện đầu năm

Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công An công bố thống kê có 203 người chết và 417 bị thương qua 7 ngày nghỉ lễ tết tại Việt Nam; trong đó 4500 người nhập viện vì đánh nhau và gần 20 người thiệt mạng cũng vì đánh nhau. Một trong những vụ đánh nhau do báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh đưa tin là một bà cụ già nhiều tuổi bị một cô gái và nhóm bạn hành hung đến ngất xỉu vì dẫm phải chân của cô gái này trong lúc đi trẩy hội Chùa Hương vào chiều mùng 5 Tết.
Hòa Ái ghi nhận rất nhiều thính giả lý giải Việt Nam đang trong thời buổi gạo châu củi quế, cuộc sống đứng ngồi không yên, xã hội hỗn loạn nên ai cũng nóng tánh, đụng đến là đánh nhau đổ máu. Trong khi đó cũng không ít thính giả cho rằng tình trạng đánh nhau xảy ra là vì bắt chước công an do họ đánh dân một cách vô tội vạ mà vẫn bình chân như vại. Tuy nhiên, thính giả Thông Huỳnh lại nói là có lẽ số liệu thống kê có thể bị nhầm lẫn vì ở Việt Nam nhà nào cũng là gia đình văn hóa, xã văn hóa, huyện văn hóa nên không thể nào có chuyện đánh nhau nhiều như vậy. Vị thính giả Thông Huỳnh còn e ngại các phóng viên trong nước có thể bị kỷ luật và bị phạt vì đưa tin không đúng với tôn chỉ, mục đích của Ban Tuyên gíao Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông đề ra.
Trời ơi, người dân không có tội thì đánh đập và đòi tiền của đủ thứ đến nỗi người dân phải chết lên chết xuống; trong khi cán bộ cao cấp không biết tham nhũng bao nhiêu ngàn tỉ mà chỉ gọi là khiển trách. Nghe thật là buồn cười
-Thính giả Hùng Nguyễn
Liên quan đến việc cán bộ nhà nước bị kỷ luật, trong tuần qua, Hòa Ái cũng nhận được những ý kiến xoay quanh vụ việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết và giao cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, với hình thức xoá bỏ tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 mà ông từng đảm nhiệm. Thính giả Hùng Nguyễn từ Hoa Kỳ lên tiếng:
“Ai đời sao lại kỳ cục vậy? Một vị mang chức gọi là bộ trưởng, làm việc bậy bạ hay là các cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang nắm quyền hành trong nước thay vì làm chuyện lỗi lầm thì phải mang họ ra tòa và phải xử phạt đàng hoàng cho phân minh; đằng này chỉ cách chức thôi mà chẳng mang ra tòa để xử.
Nếu ra tòa xử thì hỏi họ để tiền bạc ở đâu. Họ tham nhũng như vậy thì phải lấy lại những tài sản đó và phạt tù họ mới đúng.
Trời ơi, người dân không có tội thì đánh đập và đòi tiền của đủ thứ đến nỗi người dân phải chết lên chết xuống; trong khi cán bộ cao cấp không biết tham nhũng bao nhiêu ngàn tỉ mà chỉ gọi là khiển trách. Nghe thật là buồn cười.”
Không rõ ý kiến của thính giả Hùng Nguyễn được bao nhiêu người đồng tình, nhưng một số thình giả bày tỏ những ngày xuân đầu năm Đinh Dậu thật lòng cười không nỗi khi nghĩ về tương lai của đất nước Việt Nam nếu tình trạng như vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng cứ tiếp diễn.

Kỷ niệm với chiếc loa phường

108bf47f-21fe-448e-8a2e-b5d4cc9e414f-400.jpg
Hai chiếc loa phường treo trên cột điện ở Hà Nội hôm 19/5/2011. AFP photo
Người dân trong nước nghĩ gì về đề nghị xóa bỏ loa phường của Chủ tịch thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung vì theo ông loa phường đã hòan thành sứ mệnh và nếu không còn hiệu quả thì nên bỏ đi.
Trước hết, Hòa Ái bắt đầu với kỷ niệm của riêng mình về chiếc loa phường. Trong một dịp trò chuyện với một người bạn là doanh nhân nước ngoài về ấn tượng đặc biệt khi ông đến Việt Nam lần đầu tiên, thật là ngạc nhiên khi ông kể đã giật bắn người vào lúc tờ mờ sáng đang trong giấc ngủ ngon lành sau một chuyến bay dài và đã chạy xuống hỏi tiếp tân khách sạn chuyện gì đang xảy ra với âm thanh inh ỏi vang tận vào phòng ngủ của khách sạn ở Hà Nội. Và vị doanh nhân nước ngoài còn cho biết luôn dặn dò bạn bè phải nhớ điều này khi đến Việt Nam để không phải giật mình như ông.
Và câu chuyện về chiếc loa phường của quý thính giả:
Tôi kể cho mọi người nghe chuyện loa phường ở phố hàng Mành của tôi. Về nội dung chương trình thì không có gì. Khi phát những bản nhạc thì chất lượng kém, nghe như xe tăng bò, âm thanh lại quá to. Chỉ khổ cho nhà có bà cụ hơn 90 tuổi, nằm tầng 2 ngay cạnh cái loa. Ông con trai thỉnh thoảng phải thò gậy ra làm cho loa tắt tiếng. Phố tôi lại có nhiều khách sạn, loa kêu sớm nên làm ảnh hưởng lúc còn đang nghỉ ngơi của du khách. Ngân sách thì nghe đâu đầu tư cho một phường hệ thống loa vài trăm triệu. Thật là lãng phí và vô bổ.”
Rất ư là phiền nhiễu!  Nếu muốn dẹp bỏ nó cũng chẳng có gì khó, chỉ mang chúng treo xung quanh nhà của các quan chức, tôi cam đoan chỉ một tuần thôi thì nó lập tức được xếp xó ngay.
-Thính giả RFA
“Sáng 5 giờ khua lảm nhảm. Chiều thì 17 giờ linh tinh inh cả đầu. Nhà nào gần cũng phát điên.”
“Tôi làm ca đêm mà gặp phải cái loa chĩa ngay vào nhà. Đất nước trì trệ cũng vì nó.”
“Bây giờ không còn ai nghe loa phường nữa. Nhà nào cũng có tivi rồi và điện thoại di động để cập nhật thông tin. Hình ảnh của những cái loa phóng thanh thể hiện sự lạc hậu bảo thủ. Cái gì cũng có giai đoạn lịch sử của nó thôi.”
“Loa phường lạc hậu nhưng vẫn có những tư tưởng muốn duy trì nó.Ông Nguyễn Đức Chung nói bỏ là tư tưởng rất tiến bộ. Nó xoá bỏ không riêng sự nhếch nhác mà nó cắt giảm đi nhiều tiền thuế của dân chi cho bộ máy trông nom loa phường. Ở phường tôi cư trú, cách đây vài năm họ đầu tư hệ thống loa phường không dây, không biết hết bao nhiêu tiền, rồi sau đó lại đầu tư loại loa có dây. Nhưng đều không hiệu quả. Người dân xót xa cho tiền thuế của mình. Còn bộ máy quản lý họ cứ vô tư ‘rửa tiền’ đúng quy trình. Tôi nghĩ là vậy.”
“Loa phường đã trở thành chiếc đồng hồ báo thức, nhắc giờ cơm chiều mỗi ngày của người dân. Có thể nói nó như bà hàng xóm đanh đá đúng thời khắc là ong óng dội vào tai mọi người mà không cần biết có ai nghe đến nó. Rất ư là phiền nhiễu! Những người già hay nằm dưỡng bệnh thì nó trở thành dụng cụ tra tấn không khoan nhượng. Nếu muốn dẹp bỏ nó cũng chẳng có gì khó, chỉ mang chúng treo xung quanh nhà của các quan chức, tôi cam đoan chỉ một tuần thôi thì nó lập tức được xếp xó ngay.”
“Nói một cách khác loa phường gây ô nhiểm tiếng ồn trầm trọng. Điều này cũng là vi phạm nhân quỳên mà từ lâu nay không ai dám lên tiếng. Cầu xin cho mấy ông truyền thông, truyền thanh được khai trí, thôi u mê để dân chúng được nhờ. Cầu xin cho nhân viên làm việc ăn theo kinh phí loa phường từ Trung ương đến địa phương kiếm được việc làm ổn định sau khi cái loa phường bị xóa bỏ.”
Qua cuộc thăm dò với quý thính giả RFA, chúng tôi nhận được gần như tất cả ý kiến đều ủng hộ đề nghị xóa bỏ loa phường của Chủ tịch thành phố Hà Nội và họ hy vọng việc xóa bỏ này được thực hiện trong cả nước Việt Nam. Tuy nhiên, những thính giả ở trong nước vẫn hồi hộp chờ đợi kết quả lấy ý kiến của người dân sẽ được công bố vào trung tuần tháng 3 tới đây.
Thay mặt Ban Việt ngữ, Hòa Ái kính lời cảm ơn về những lời chúc tụng đầu năm Định Dậu của quý vị gửi về nhân dịp Tết với lời khẳng định sẽ tiếp tục cùng đồng hành với chúng tôi trong năm mới này.
Hòa Ái xin lưu ý một số quý thính giả tại Hoa Kỳ nghe các chương trình phát thanh của đài qua số điện 605-477-9616 bị công ty cung cấp dịch vụ viễn liên T-Mobile tính phí, quý vị vui lòng tải RFA Mobile Streamer App để tiếp tục theo dõi các chương trình phát thanh và phát hình của Đài Á Châu Tự Do. Chúng tôi đã liên lạc với công ty T-Mobile về phản ảnh của quý vị và hy vọng sẽ nhận được thông tin hồi đáp trong thời gian sớm nhất.
Quý thính giả Đài Á Châu Tự Do trên toàn thế giới cũng có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.

No comments:

Post a Comment