Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - Có nhiều dấu hiệu cho thấy là Bắc Kinh đang chuẩn bị để lấp khoảng trống do Hoa Kỳ để lại khi tổng thống D. Trump muốn quay về với chính sách biệt lập.
Gần đây, ba ngày trước lễ nhậm chức của tổng thống tân cử Mỹ, tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới DAVOS, Tập Cận Bình đã khẳng định “Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm” và đồng thời nhấn mạnh rằng “thế giới mở rộng và toàn cầu hóa là tiến trình không thể đảo ngược”.
Lần này, họ Tập tranh thủ đến DAVOS tham dự diễn đàn vì biết rằng cả hai ông Obama (tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm) và D. Trump (tổng thống tân cử Mỹ) không đến được và do đó tiếng nói của ông sẽ được nhiều người chú ý hơn.
Từ khi lên cầm quyền năm 2013 họ Tập đã có chủ trương thay thế Mỹ trên ghế bá chủ thế giới và luôn luôn lôi kéo thêm các nước đồng minh vào qũy đạo của Bắc Kinh. Điều này đã thể hiện qua hàng loạt các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, qua các hợp đồng hàng tỷ đô la giữa Trung Quốc và tất cả các đối tác trên thế giới từ Nam Mỹ đến Châu Phi, từ Nam–Trung Á đến Âu Châu, và đương nhiên là với những nền kinh tế trong vùng Đông Nam Á.
Đáng chú ý nhất là lãnh đạo Bắc Kinh, qua dự án “một vành đai, một con đường” đã liên kết rất nhiều quốc gia từ Âu sang Á. Như vậy, sau khi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị Hoa Kỳ gỡ bỏ, thì chỉ còn lại cỗ máy RCEP (Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực) của Trung Quốc, là còn hoạt động.
Trong lúc nước Mỹ lao vào con đường bảo hộ mậu dịch, Trung Quốc đã biến mình thành điểm tựa của thế giới, nhất là với các đối tác trong vòng cung Thái Bình Dương và đương nhiên là Bắc Kinh không dừng lại ở đây.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Aston Carter đã từng tuyên bố là về mặt chiến lược hiệp định TPP còn quan trọng hơn cả việc điều một đại đội hàng không mẫu hạm đến Thái Bình Dương. Thượng nghị sĩ John Mc.Cain thì nói rằng: rút khỏi TPP là một tín hiệu cho thấy Mỹ quay lưng lại với khu vực Thái Bình Dương vào thời điểm mà Hoa Kỳ không thể cho phép mình làm việc đó. Giờ đây, các đồng minh của Mỹ trong vùng Châu Á đã nhận thấy rằng Mỹ không còn là một đối tác đáng tin cậy.
Trong những đoạn viết tiếp theo, bài tham luận này sẽ tìm hiểu nhiều hơn về dự án “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc để thấu triệt ý đồ của Bắc Kinh trong tham vọng thay Mỹ trên vị thế bá chủ toàn cầu. Xin mời qúy độc giả đọc tiếp.
Thế nào là “một vành đai, một con đường”
Ngày 7/9/2013, nhân chuyến thăm chính thức Kazakhstan Tập Cận Bình đã cất lời dụ dỗ như sau: “Để kết nối chặt chẽ kinh tế… chúng ta nên có một cách tiếp cận sáng tạo và cùng nhau xây dựng một vành đai kinh tế theo con đường tơ lụa”. Một tháng sau, phát biểu trước quốc hội Indonesia ho Tập lại đưa ra sáng kiến thứ hai là xây dựng “con đường tơ lụa trên biển” nhằm nối kết hàng hải đi vào chiều sâu.
Tháng 11/2014, trong khuôn khổ Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình chính thức nêu sáng kiến hợp tác xây dựng “một vành đai, một con đường”. Sáng kiến này gồm hai bộ phận :
1/ Vành đai kinh tế Con Đường Tơ Lụa (Silk Road Economic Belt, SREB) được xây dựng dựa theo hành lang Âu-Á trên nền của Con Đường Tơ Lụa vốn có trong lịch sử. Đây là một không gian kinh tế bắt đầu từ Quảng Châu (Quảng Đông) đi qua mười thành phố khác của Trung Quốc, kết nối với hàng loạt trung tâm kinh tế-thương mại Âu-Á và đến các thành phố khác nữa của Châu Âu, Châu Phi.
2/ Con Đường Tơ Lựa Biển (Maritime Silk Road, MSR) được gọi vắn tắt là Con Đường Tơ Lụa Biển Thế Kỷ 21 (21th Century Maritime Road Economic Belt). Con đường này là một mạng lưới kinh tế hàng hải bất đầu từ Phúc Châu (Phúc Kiến) đi qua một số thương cảng phía Nam Trung Quốc, kết nối với một số thành phố thuộc các quốc gia Đông Nam Á, rồi qua eo biển Malacca để vươn tới các thành phố phía Tây Ấn Độ Dương, rồi qua Biển Đỏ, Địa Trung Hải… để sau cùng đến Venise (Ý) và từ đó đi Nairobi (Kenya) và một số thành phố khác ở Châu Phi.
Như vậy, với một Vành Đai Kinh Tế trên con đường Tơ Lụa Cũ vả một Con Đường Tơ Lụa Mới trên biển, xây dựng tại một không gian kinh tế-thương mại khổng lồ với dân số 4,4 tỷ người, với tổng sản phẩm hơn 21000 tỷ USD, Trung Quốc sẽ được kết nối với toàn thể thế giới, Đông cũng như Tây, Nam cũng như Bắc, như được mô tả ở trên. Việc thành lập công tác vĩ đại này đã được ra mắt ngày 1/2/2015. Theo quan điểm của Trung Quốc thì “một vành đai, một con đường” là một dự án mang nội dung thuần túy kinh tế, thương mại, không có thời hạn kết thúc.
Tập Cận Bình cũng không quên thành lập một ngân hàng có mục đích tài trợ cho các dự án thực hiện kết cấu hạ tầng cơ sở ở Châu Á. Ngân hàng này mang tên Ngân Hàng Đầu Tư Kết Cấu Hạ Tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank, AIIB), được khai trương ngày 24-10-2014. Ngân hàng nay hiện có trụ sở tại Bắc Kinh, được 57 quốc gia tham dự trong đó có Việt Nam, và hoạt động với quy mô vốn ban đầu là 100 tỷ USD.
Ý muốn và tham vọng của Tập Cận Bình
Người Tàu tiên đoán họ sẽ thay thế Mỹ trong tương lai. Để thực hiện tham vọng bá chủ thiên hạ, dân tàu hô hào học tập theo gương của hai nhân vật lịch sử là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Mao Trạch Đông sau khi thực hiện bước “Đại Nhảy Vọt” để đuổi kịp Anh và qua mặt Mỹ đã nhấn mạnh: “Vượt qua mặt Mỹ không chỉ là có thể mà còn hoàn toàn cần thiết. Nếu không như vậy thì dân tộc Trung Hoa chúng ta có lỗi với các dân tộc khác trên thế giới, cống hiến của chúng ta cho nhân loại quá nhỏ bé”.
Đại Nhảy Vọt không những không thực hiện được mà còn làm cho kinh tế Tàu sụp đổ, làm cho mấy chục triệu dân Tàu lăn ra chết đói. Giấc mơ Đại Nhảy Vọt đến nay vẫn chỉ là một giấc mơ.
Đặng Tiểu Bình thiết kế để đưa nước Tàu vào vị trí đứng đầu thế giới. Đặng tin vào Minh Trị Duy Tân của Nhật Bản là một tấm gương để noi theo. Đặng cho rằng nếu một nước tư bản có thể thành công như thế thì một nước cộng sản như nước Tàu chắc chắn sẽ phải làm được tốt hơn.
Nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc hiện nay là Tập Cận Bình cũng muốn được dân Hoa Lục trọng vọng và tôn thờ như hai vị tiền nhiệm, nên ngay từ khi mới đăng quang, Đặng đã rắp tâm tìm kiếm một phương sách để đưa Trung Quốc vào vị trí số 1 của thế giới.
Phương sách mà họ Tập tìm ra là chiến lược kinh tế “một vành đai, một con đường” (one belt one road: OBOR). Chiến lược này có thể là đòn bẩy để Trung Quốc bay cao và xa hơn nếu Trung Quốc biết cách hóa giải những thách thức đến từ các cường quốc như Mỹ, Nga, Nhật Ấn Độ, EU. Từ đó tạo nên niềm tin và chung tay với các cường quốc này tạo lập và xây dựng một thế giới phồn vinh và thịnh vượng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cần thể hiện một thái độ chân thành trong việc giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng với các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Chỉ có như vậy thì “một vành đại, một con đường” mới trở thành hiện thực.
Sau nhiều năm phát triển, nền kinh tế của nước Tàu vào giai đoạn đương thời bắt đầu khựng lại và tụt xuống. Sở dĩ như vậy là vì số nợ của nước Tầu tăng gia phi mã. Tổng số nợ đã lên tới 25.000 tỷ USD và Tàu khó tránh được một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Nhiều người đề nghị phải cải cách khẩn cấp theo đường hướng dân chủ.
Có ý kiến còn cho rằng nếu không cải cách thì còn nguy hiểm hơn, và dọa rằng nếu không cải cách thì e rằng sẽ không có Đại hội Đảng thứ 19. Để tránh cách mạng xảy ra, Tập Cận Bình kêu gọi trở về chủ thuyết của Lenin, nhưng ông quên rằng Liên Sô sụp đổ cũng chính là vì đã áp dụng chủ thuyết này.
*
Cũng như văn hóa, khi kinh tế phát triển đến một mức độ nhất định nào đó, nó sẽ hấp dẫn các quốc gia trên thế giới và họ sẽ tự tìm đến hợp tác và giao thương. Khi đó một vành đai, một con đường sẽ tư động mở ra. Liệu Trung Quốc có đủ tiền và đù kiên nhẫn để xây dựng thành công các chương trình vĩ đại đó không thì còn phải chờ đợi. Vì chỉ có thời gian mới cho ta câu trả lời chính xác. /.
Tháng 2 năm 2017
No comments:
Post a Comment