Wednesday, February 1, 2017

Hồng ký ức, mai tâm tưởng, đào thực tại

Thục Trâm - Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu
Mang hoa vào chợ Tết. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Nhớ những năm một chín tám mươi, Vườn Hồng Sa Ðéc nức tiếng một vùng. Miền Tây Nam Bộ địa hình đơn điệu, không có nhiều địa điểm thăm thú vui chơi. Vì vậy mà một nơi du xuân như Vườn Hồng càng có sức hút.
Hồi đó tôi sống ở Vĩnh Long. Vĩnh Long cách Sa Ðéc có hai chục cây số. Bây giờ thì thấy chẳng xa xôi gì. Nhưng với điều kiện sống hồi đó, đường sá thô sơ xe cộ thiếu thốn, với tuổi nhỏ học trò muốn đi đâu còn cần có người giám hộ, thì hai chục cây số cũng xa vời mộng tưởng. Hễ trong đám bạn trung học có đứa nào được ba má đưa đi chơi Tết Vườn Hồng về kể chuyện thì cả bọn cũng thích thú lây. Mà chỉ là nghe kể khơi khơi thôi, chứ làm gì có hình ảnh kỷ niệm nào minh họa.
Mãi đến khi tốt nghiệp đại học, đưa người yêu về thăm Vĩnh Long, tôi mới có một cơ duyên để lần đầu tiên, và cũng là duy nhất, tới Vườn Hồng. Tôi đã choáng ngợp trước bao nhiêu giống hồng quen lạ, đã ngạc nhiên trước thiết kế vườn hoa mang đặc trưng của miền nước lụt. Hoa được trồng vào chậu đặt trên giàn cao để phòng mùa nước nổi. Những tán hoa cao qua đầu người vây thành không gian riêng cho từng đôi nam thanh nữ tú.
Người yêu tôi là một giảng viên trẻ, còn say nghề. Chàng làm một bài tứ tuyệt viết bằng chữ Hán hẳn hoi vào cuốn sổ lưu niệm Vườn Hồng. Hơn hai chục năm rồi, tôi chỉ còn nhớ hai câu đầu:
“Kim niên ngã đáo hồng hoa viênHòa sắc hòa thanh tuế thiếu niên”
Lúc đó tôi đã mơ mộng là vài mươi năm sau quay lại, tìm được trang lưu niệm xưa, hồi tưởng lại nụ hôn dưới hoa, thật thi vị biết bao!
Nhưng sự đời dâu bể. Ông Tư Tôn, người sáng lập Vườn Hồng, người đã từng xuất hiện trong những trang văn Sơn Nam, qua đời đã hơn mười năm. Nghe nói các con cháu của ông vì có tranh chấp trong việc sử dụng đất mà không duy trì Vườn Hồng nữa. Có lần tình cờ đọc báo, nghe con trai ông nói vẫn còn giữ những cuốn sổ lưu niệm xưa và mơ ước một ngày khôi phục thương hiệu hoa mà người cha từng dày công gầy dựng. Thốt nhiên tôi tự hỏi liệu đã có ai biết chữ Hán đến Vườn Hồng, chia sẻ thông điệp ngày xanh của chúng tôi? Hay nó vẫn là mật ngữ bị bỏ quên mấy chục năm dài?
Hùm chết để da. Vườn Hồng không còn nhưng cái tên đường Vườn Hồng thì vẫn còn đó. Ở một đất nước mà lịch sử luôn đổ bóng lên hiện tại, mỗi con đường mang tên một danh nhân, thì Vườn Hồng được đặt tên đường quả là một sự hiếm hoi, vô tình mang âm hưởng cách đặt tên đường của… Hoa Kỳ vậy.
Hậu duệ nhà ông Tư Tôn không gìn giữ được vườn hoa gia đình, nhưng ý tưởng trồng hoa của ông thì lại được nhân rộng trong cả vùng, để bây giờ Sa Ðéc có một làng hoa Tân Qui Ðông. Trong thời kỳ mới, giao thông phát triển, truyền thông bùng nổ, tiếng lành Tân Qui Ðông đồn xa ra khỏi miền lục tỉnh. Nhiều bạn trẻ Sài Gòn vượt hơn trăm cây số về thưởng hoa mỗi mùa chớm Tết, mà đi bằng xe bốn bánh hẳn hoi chứ không phải lóc cóc xe đạp gập ghềnh gắn máy như dân miền Tây lân cận chúng tôi ngày xửa ngày xưa.
Khách thập phương tìm tới Tân Qui Ðông, và hoa Tân Qui Ðông cũng được vận chuyển đến mọi miền. Mỗi năm lại có những giống hoa mới được du nhập, lai tạo và tung ra thị trường. Hoa Tân Qui Ðông bây giờ đa dạng phong phú lắm, chứ không chỉ có mỗi nàng hồng kiêu sa. Thế nhưng loài hoa biểu tượng của xuân phương Nam là hoa mai lại không thể tìm thấy ở nơi này.
Hồng ký ức, mai tâm tưởng, đào thực tại
Mai vàng miền Nam. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Người yêu đi Vườn Hồng từ lâu đã là chồng, vẫn miệt mài với cổ văn, cổ ngữ. Có lần chàng khảo cứu bài thơ Phiếu Hữu Mai (Mai Rụng) trong Kinh Thi, chỉ ra rằng cây mai trong thi họa Trung Hoa, nổi tiếng nhất là hình tượng nhành mai trên tuyết, không phải là cây mai vàng Việt Nam. Mai vàng là thực vật nhiệt đới, không chịu được cái lạnh phương Bắc, lại nở hoa đúng vào dịp Tết. Trong khi mai Trung Quốc nở hoa mùa Ðông, nên mới trở thành biểu tượng cho đức kiên cường của người quân tử. Tên gọi đồng âm của hai giống mai đã gây nhầm lẫn không ít.
Tôi dân miền Tây, tính tình hời hợt, không tìm hiểu sâu xa như chồng. Nhắc tới hoa mai, chỉ nghĩ ngay tới… tuồng cải lương nổi tiếng Tiếng hạc trong trăng. “Giống như là một cành mai. Tới độ trổ bông, đừng ai quá bận lòng. Hỏi sao trên cành không còn lá điểm. Vì đó là tâm sự của bông mai khi mở mắt chào đời.” Ðó là lớp cao trào, đã lấy nhiều nước mắt của bao nhiêu thế hệ khán thính giả miền Nam bởi sự hy sinh to lớn mà âm thầm trong tình phụ tử thể hiện qua chu trình sinh học bình thường của cây mai. Nhưng nếu chồng tôi mà coi tuồng này thế nào cũng phê bình mấy ông soạn giả lộng giả thành chân, đem triết lý về cây mai vàng Việt Nam đặt vào miệng một nhân vật kiếm sĩ xứ Phù Tang.
Cái thời coi Tiếng Hạc Trong Trăng đó, tôi thích nhất là đi chợ mua mai với ba tôi những ngày giáp Tết. Thời đó chưa có phong trào chơi mai nguyên chậu, hay nói đúng hơn là do mức sống chưa cho phép. Từng cô từng chị, thậm chí có cả em nữa, rõ nét quê mùa, hai tay cầm mấy cành mai đầy nụ giơ cao quá đầu đi len lỏi vào dòng khách du xuân rao bán. Sự tuềnh toàng của họ đối lập hoàn toàn với sự tươm tất của khách du xuân, như hai mảng màu sáng tối cho bức tranh xuân được vẹn toàn.
Cành mai đẹp nhất mà tôi từng mua được không phải là đi với ba mà là đi với chồng vào cái Tết đầu tiên sau đám cưới. Cành mai năm đó đặc biệt không phải vì thế cây độc đáo hay vì trổ nhiều hoa mà là vì trổ hoa đúng lúc. Vợ chồng tôi đã thức trắng đêm ba mươi xem mai nở, không biết đã sánh được với cái thú xem hoa thủy tiên của các cụ ngày xưa chưa. Mai mua về còn nụ, đến giao thừa bắt đầu le lưỡi, khoảng hai ba giờ sáng hàm tiếu, và đến sáng mồng một thì mãn khai. Xem hoa mà như cảm nhận được thời gian trôi, được năm mới tới, mà suy ngẫm về ý nghĩa của chữ thời. Cành mai nào lại không một lần nở, nhưng nếu nở được đúng thời thì giá trị được nhân lên gấp nhiều lần. Làm sao chọn được đúng thời để những thành tựu cuộc đời thêm phần rực rỡ?
Bây giờ thì chơi mai nguyên gốc đã phổ biến, nhưng người ta không mua đứt như ngày xưa nữa. Với những gốc mai thường thường bậc trung, người mua chưng xong một mùa Tết, ra Giêng đem gửi lại cho chủ vườn và trả tiền chăm sóc, sang năm lại chở về chưng tiếp. Còn những cội mai quí giá đắt tiền thì người ta chỉ thuê mấy ngày xuân. Chẳng khác nào các vườn mai đã kết nối vào thế giới ảo đúng gu của thời đại nối mạng toàn cầu.
Cái ảo của những chậu mai đi thuê dù sao cũng là cái thật tạm thời. Người ta vẫn có cây mai hiện hữu dù trong mấy ngày ngắn ngủi. Còn hoa mai đối với tôi bây giờ đã hoàn toàn là ảo. Hơn mười năm ở Mỹ là chừng đó thời gian tôi không nhìn thấy hoa mai. Không phải ở Mỹ không có hoa mai, nhưng cũng không phải chỗ nào cũng có. Tôi không sống ở những tiểu bang nắng ấm. Tết âm lịch luôn rơi vào những ngày Ðông lạnh nhất. Mai không có mặc dầu, cộng đồng người Việt khắp nơi vẫn có hội hoa xuân.
Hồng ký ức, mai tâm tưởng, đào thực tại
Hoa anh đào Hoa Thịnh Ðốn. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Trời lạnh, hội xuân tổ chức trong nhà, ở một trung tâm hội nghị hay một trường học nào đó, vào một ngày Chủ Nhật cận Tết. Những tiết mục phổ biến thường là mua bán hoa và bánh mứt, ẩm thực dân tộc, văn nghệ mừng xuân, bầu cua cá cọp, thi người đẹp áo dài. Ở chỗ tôi người ta nhỏ to rằng ra siêu thị bán sỉ Costco mua một chậu hoa cúc có dăm bảy đồng, về bọc giấy điều dán thêm chữ phúc chữ thọ gì đó, rồi đem tới bán ở hội xuân của người Việt, một vốn bốn lời. Ai cũng biết tỏng, mà gian hàng hoa cúc ở hội xuân vẫn có người mua. Người ta đâu chỉ mua hoa, mà mua cái cảm giác được đắm chìm trong một không gian Việt, nghe tiếng Việt, ngắm áo dài, nao nức chờ xuân. Thoáng chốc thôi, rồi ngày hết, rời hội xuân, tiếp tục cuộc mưu sinh thường nhật.
Tết của người Việt rơi vào mùa Ðông, nên chỉ là một mùa xuân ảo, chỉ có trên lịch và trong lòng người Việt mà thôi. Còn tiết xuân thật sự nơi ta đang sống thì đến muộn hơn ngoài một tháng. Nếu hoa là nét đặc trưng nhất của thiên nhiên mùa xuân thì ở Mỹ không đâu xuân bằng Hoa Thịnh Ðốn, nơi có hoa anh đào và lễ hội hoa anh đào nổi tiếng thu hút du khách khắp nơi mỗi đầu Tháng Tư. Hoa anh đào là quốc hoa Nhật Bản, vượt trùng dương tới Hoa Thịnh Ðốn như là quà tặng của Nhật Bản cho nước Mỹ, để bây giờ hàng năm hậu thế có dịp kỷ niệm lễ hội hoa anh đào biểu dương tình hữu nghị Mỹ-Nhật.
Lễ hội hoa anh đào kéo dài khoảng ba tuần, với nhiều hoạt động biểu diễn, vui chơi, ẩm thực phong phú, bàng bạc màu sắc văn hóa Phù Tang. Lễ hội mấy tuần, nhưng hoa nở có mấy ngày. Du khách thập phương đổ về thưởng hoa, không phải lúc nào cũng may mắn toại nguyên. Sớm một chút thì hoa chưa rộ, mà trễ một chút thì hoa đã tàn. Những đóa hoa trắng hồng phơn phớt mong manh lắm, chỉ một ngày trở gió là đã trải thảm hoa đầy gốc.
Mùa hoa anh đào là đặc trưng của cả vùng. Anh đào có nhiều giống, dạng hoa đơn kép màu sắc trắng hồng có khác biệt, thời gian nở hoa cũng xê xích đôi ngày. Hoa tập trung ở quảng trường tháp Bút Chì, đồng thời rải rác ở khắp noi, hiện diện trong sân nhiều nhà dân. Ngược dòng du khách đổ về tháp Bút Chì, dân địa phương đến làng đào Kenwood. Ðào Kenwood toàn là gốc cổ thụ mấy người ôm không xuể. Thân xấu xí xù xì mà hoa mong manh tha thướt. Tôi chợt nhớ tuồng cải lương năm xưa, lẽ ra các soạn giả nên tìm một triết lý về hoa anh đào cho nhân vật kiếm sĩ mới đúng.
Sống ở thủ đô đã lâu nhưng lòng tôi vẫn nao nức mỗi mùa anh đào nở. Các con trai tôi càm ràm: mẹ à, xem anh đào một lần là đủ rồi, năm nào lại không nở hoa y chang như vậy. Chúng nó còn trẻ, chưa trải sự đời, không hiểu được những tâm tình nhìn hoa vẫn nở y chang mà người năm trước năm sau không gặp lại.
Chồng tôi nửa đùa nửa thật: chà, sống ở nước Mỹ thiên đường rồi, còn muốn tìm tới tiên cảnh nào nữa, coi chừng quên đường về như Từ Thức. Từ Thức lạc thiên thai, một ngày bằng trăm năm trần thế. Tôi lạc giữa thiên đường Mỹ quốc, giữa đào viên Hoa Thịnh Ðốn, tuy vẫn xài chung một thứ lịch với Việt Nam, nhưng thời gian lại không trôi cùng tốc độ. So sánh đồng lương làm ra, so sánh những biến cố xảy đến thì một năm ở Mỹ có khi bằng dăm bảy, thậm chí là mười năm ở Việt Nam. Ðể đến một ngày về lại, dù thân bằng quyến thuộc còn đầy đủ, nhưng lại hoàn toàn cách biệt trong tư tưởng, nếp nghĩ, cách làm, chắc cũng ngơ ngác kém chi Từ Thức.
Thôi thì cứ để Vườn Hồng thắm mãi trong ký ức, mai vàng khoe sắc trong tâm tưởng, mà chấp nhận thực tại hôm nay phơn phớt sắc anh đào.

No comments:

Post a Comment