Wednesday, February 1, 2017

'Quá muộn' để cản Trung Quốc chiếm đất biển Đông?

Máy bay chiến đấu J-15 từ tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận trong khu vực Biển Đông, ngày 2/1/2017.
Máy bay chiến đấu J-15 từ tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận trong khu vực Biển Đông, ngày 2/1/2017.
Theo VOA-01.02.2017
 Lam Thủy
Cựu Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF) Angus Houston cho biết, đã “quá muộn” để ngăn Trung Quốc lấy đất ở Biển Đông.
Theo The Australian, ông Angus – người từng đứng đầu ADF từ năm 2005 – 2011, phát biểu trong một buổi hội thảo an ninh quốc gia ở Canberra rằng những hình ảnh mà ông nhìn thấy về việc quân sự hóa các đảo cho thấy sự hiện diện của Trung Quốc là “vĩnh viễn”.
Ông nói: “Theo quan điểm của tôi, quá muộn để ngăn chương trình của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều quan trọng bây giờ là đảm bảo tự do hàng hải và quyền đi qua lại không gây hại. Chúng ta cũng cần tìm cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế và không khuyến khích các quốc gia hành động đơn phương theo cách có thể gây đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực. Từ đây, một cách tiếp cận thận trọng là cần thiết.”
Ông Angus cho biết, theo sau cuộc bầu cử của Tổng thống Donald Trump, đã có sự bất ổn định trong chiến lược của Mỹ ở khu vực, nhưng kêu gọi một “sự hiện diện mạnh mẽ và vĩnh viễn” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một học giả nghiên cứu về quan hệ châu Á – Mỹ tại Hoa Kỳ, lại cho rằng không muộn trong việc ngăn cản Trung Quốc chiếm đất ở Biển Đông bởi phán quyết của Tòa án Quốc tế The Hague là cơ hội để các nước trong khu vực chống lại Trung Quốc.
Giáo sư Long nói: “Việt Nam là nước có lãnh hải dài nhất trong khu vực, là nước sát Trung Quốc, là cửa ngõ cho Trung Quốc vào Đông Nam Á, nếu Việt Nam thấy địa thế của mình là quan trọng thì Việt Nam nên đẩy mạnh các nước trong khu vực theo phán quyết của Tòa án Quốc tế.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Mỹ - Trung sẽ “đi đêm”?
Cũng phát biểu tại hội thảo, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto nói, ông lo sợ Tổng thống Donald Trump có thể ký một thỏa thuận thương mại bí mật với Trung Quốc mà cho phép quốc gia này gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông.
Giáo sư Morimoto cho biết, vẫn còn tồn tại nhiều bất ổn về tính hiệu quả của chính quyền mới đối với an ninh khu vực. Tuy nhiên, khi được hỏi về sự chia rẽ tiềm tàng không thể đoán trước của chính quyền Trump, ông Morimoto cho biết, điều ông lo sợ là tổng thống Mỹ có thể đàm phán trực tiếp với Trung Quốc một thỏa thuận phù hợp với những lợi ích ngắn hạn.
Về khả năng xảy ra một cuộc “đi đêm” giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh, Giáo sư Long nhận định: “Đến nay ông Trump chỉ nghĩ đến lợi ích của ổng và những người xung quanh ổng thôi. Vấn đề lớn là lợi ích của Mỹ. Bây giờ nếu không có sự thông thương ở Biển Đông thì Mỹ sẽ bị thiệt hại rất lớn. Đến lúc nào đó, tôi nghĩ những người trong hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như những người trong bộ máy chính quyền sẽ phản đối. Lúc đó, một là ông Trump theo chính sách ông hô hào hiện nay mà bất lợi cho Mỹ hay là ổng phải thay đổi chính sách. Nếu thay đổi chính sách thì những gì các chính quyền từ trước đến nay làm rất bài bản, thì chính quyền ông Trump phải trở lại những chiến lược, chính sách lúc trước, nếu không sẽ rất nguy cho nước Mỹ và các nước khác trên thế giới.”
Tàu sân bay của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu sân bay của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bàn cờ khu vực
Trong bối cảnh tranh chấp ở khu vực Biển Đông vẫn tiếp tục gia tăng và những quan ngại về một “liên minh” Mỹ-Trung, luật sư Vũ Đức Khanh, một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Biển Đông tại Canada cho biết, Việt Nam đang rất “cô đơn” trong vấn đề này nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẽ ngả về phía Trung Quốc.
Ông nói: “Từ khi Trung Quốc đẩy mạnh việc cải tạo các đảo ở khu vực Trường Sa thì Việt Nam đã cô đơn. Chính sách đối ngoại của Việt Nam là muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, việc này không có gì sai. Cái sai là chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục viện cớ ở sát bên Trung Quốc, nếu có những chính sách quá đột phá thì sẽ bị Trung Quốc thôn tính. Nhưng ngược lại, Việt Nam càng ngày càng bị lệ thuộc rất nặng nề vào Trung Quốc.”
Trước hai tình huống Mỹ - Trung sẽ bắt tay hoặc đối đầu nhau có ảnh hưởng ra sao đối với Việt Nam, luật sư Khanh nói: “Tôi nghĩ tình huống thứ nhất, ông Donald Trump và Trung Quốc sẽ bắt tay nhau để chia lại bàn cờ khu vực thì tôi nghĩ khả năng đó xảy ra nhiều hơn là khả năng ông Trump sẽ đối đầu bằng một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc, sau đó có thể dẫn tới cuộc chiến tranh nóng bằng quân sự. Với tình huống thứ nhất thì một lần nữa Việt Nam bị bán đứng bởi hai cường quốc, Trung Quốc và Hoa Kỳ.”
Luật sư Khanh cho biết thêm, quay trở lại thời điểm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, nhân dân hai miền Nam-Bắc, đã phải đổ máu để giải quyết bài toán cán cân quyền lực trong khu vực. Nếu Việt Nam không có sự thay đổi chiến lược với phương cách mở rộng tự do chính trị ở trong nước để kêu gọi các lực lượng yêu nước cùng bảo vệ đất nước thì Việt Nam có thể sẽ mất luôn cả Trường Sa trong điều kiện này.

No comments:

Post a Comment