- Để giải quyết bài toán ùn tắc tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, mới đây doanh nghiệp đề xuất sử dụng hơn 2.600 tỷ đồng xây dựng hệ thống đường trên cao theo hình thức PPP.
Tuyến đường trên cao sẽ xuất phát từ nhà ga quốc tế T2, đi trước mặt nhà ga quốc nội T1, ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất đi thẳng qua đường Thăng Long. Sau đó tiếp tục đi trên cao theo đường Phan Thúc Duyện, vượt qua công viên Hoàng Văn Thụ, tiếp đất theo hai nhánh Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Văn Thụ để vào trung tâm thành phố. Đường trên cao này sẽ xây dựng bằng kết cấu dầm hộp thép, quy mô mặt cắt ngang tuyến chính 3 làn xe và các đường nhánh là 2 làn xe.
Sơ đồ hướng tuyến của tuyến đường trên cao được một doanh nghiệp đề xuất nhằm "giải cứu" kẹt xe Tân Sơn Nhất |
Để giảm tải cho nút giao Lăng Cha Cả, nhà đầu tư sẽ bố trí một nhánh từ đường Trường Sơn để cho các phương tiện đi lên đường trên cao rẽ về trung tâm. Từ đường Trần Quốc Hoàn cũng bố trí nhánh lên để các phương tiện từ nhà ga T3 sau này lên đường trên cao về trung tâm.
Thời gian thi công tuyến đường trên cao này dự kiến thực hiện trong khoảng 18 tháng. Trong quá trình thi công, để đảm bảo hoạt động liên tục của sân bay Tân Sơn Nhất, công tác thi công sẽ tổ chức theo giai đoạn hợp lý, không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của sân bay cũng như hệ thống giao thông tiếp cận.
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam trong năm 2016 sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 32 triệu khách, vượt 30% so với thiết kế. Trong khi, sân bay này đang đối diện với tình trạng quá tải trầm trọng thì hạ tầng kết nối giao thông chưa đầu tư hoàn chỉnh. Do vậy, tình trạng ùn tắc, kẹt xe thường xảy ra ở khu vực sân bay gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại cũng như hoạt động của sân bay.
Nói về đề xuất này, đại diện doanh nghiệp cho biết: các tuyến đường tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra tình trạng kẹt xe do nhiều nguyên nhân.
Cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc do có quá nhiều nút giao cắt |
Trong đó, nguyên nhân chính là do tuyến đường Trường Sơn là con đường “độc đạo” vào sân bay giao cắt với quá nhiều tuyến đường. Do vậy, tắc nghẽn thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm và đặc biệt vào mùa mưa gây ảnh hưởng đến hệ thống các tuyến đường liên kết ở cửa ngõ sân bay.
Ngoài ra vòng xoay công viên Hoàng Văn Thụ đang tồn tại rất nhiều giao cắt. Cụ thể là các nút giao Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn, Trần Quốc Hoàn – Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa sát vòng xoay Lăng Cha Cả, Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Giót - Nguyễn Văn Trỗi và nút giao Phan Đình Giót – Phan Thúc Duyện.
Do vây, xe cộ lưu thông hướng từ sân bay đi ra Trường Sơn, khi đến đường Trần Quốc Hoàn thì xung đột với các phương tiện khác đầu tiên tại nút giao Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện khiến cho phương tiện bị ùn ứ lại.
Đặc biệt, tại nút giao Trần Quốc Hoàn – Hoàng Văn Thụ những phương tiện rẽ trái đi về phía trung tâm thành phố bị dồn lại khi đường rẽ trái bị thu hẹp. Cùng với đó lượng phương tiện từ đường Phạm Văn Đồng qua Trường Sơn đến Trần Quốc Hoàn rẽ phải về đường Cộng Hòa và nút giao Lăng Cha Cả rất đông càng làm cho nút giao này thêm phức tạp.
Vì vậy khi có bất kỳ sự cố giao thông nào, đặc biệt là ùn tắc ở nút giao Lăng Cha Cả sẽ khiến phương tiện ùn ứ kéo dài trên đường Trần Quốc Hoàn, Trường Sơn, thậm chí là đến tận ga quốc nội khiến phương tiện chở khách vào sân bay không thể ra ngoài được.
Trước đó, một doanh nghiệp đưa ra ý tưởng xây tuyến cáp treo dài hơn 1 km từ Công viên Gia Định tới Tân Sơn Nhất, công suất 3.000-4.500 hành khách mỗi giờ, để giảm ùn tắc các tuyến đường quanh sân bay.
T. Kiệt
No comments:
Post a Comment