Tuesday, January 24, 2017

Giá xăng tăng, người lao động thêm chật vật

Một nhân viên tại cây xăng ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/12/2016.
Một nhân viên tại cây xăng ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/12/2016.
VOA Tiếng Việt-24.01.2017 
Có thể nói rằng hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có mức độ tàn phá môi trường hàng đầu khu vực, thậm chí hàng đầu thế giới. Liệu việc tăng giá xăng lên cao gấp gần sáu lần giá xăng của Mỹ và số tiền tăng này được gọi là thuế bảo vệ môi trường có làm cho môi trường Việt Nam thay đổi tốt hơn không?
Câu hỏi này dường như khó trả lời bởi hầu hết các mặt hàng mua bán trên thị trường Việt Nam đều chứa từ 5% đến 20% thuế bảo vệ môi trường từ nhiều năm nay nhưng thuế càng nặng thì môi trường càng thêm xấu đi. Và vấn đề thuế môi trường chứa trong mỗi lít xăng tương đương với 0,4 Mỹ kim trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với người tiêu dùng, đặc biệt là những người có công việc liên quan đến nguồn nhiên liệu này như ngư dân, thợ cày trong nông nghiệp và giới tài xế lái taxi.
Ông Bảy, ngư dân Xuân Thiều – Đà Nẵng – Việt Nam, chia sẻ: “Nghề biển thì cả năm nay khổ rồi, giờ thêm giá xăng tăng nữa, khó sống lắm. Ăn Tết cũng không vui vẻ gì đâu, không thể bằng mọi năm được. Khó khăn rồi!”.
Ngư dân miền Trung Việt Nam vừa trải qua thảm họa môi trường, giờ phải gánh thêm nạn xăng, dầu tăng giá, hầu như những ngày cận Tết là những ngày không vui đối với hầu hết ngư dân miền Trung.
Ông Thiên, ngư dân chuyên đánh bắt ngư trường Hoàng Sa, chia sẻ: “Phải làm sao chứ cứ tăng giá xăng dầu như thế này thì đánh bắt khó khăn lắm. Vì nghề đánh bắt thì dùng dầu là chủ yếu. mà hải sản lúc này bán không có được như trước, giờ thêm giá xăng dần tăng thì khổ lắm!”.
Giá xăng tăng kéo theo vật giá của các mặt hàng khác tăng tỉ lệ, bởi hầu hết các hàng hóa khi ra chợ đều phải qua vận chuyển, các khâu tưới tiêu cũng cần dùng đến nguồn năng lượng xăng, dầu. Chính vì vậy, sự tăng giá cộng hưởng của ngày cận Tết khiến cho hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, người mua sắm không còn đủ cảm hứng để mua, người bán hàng xót ruột vì bán hàng không chạy.
Bà Tư, bán rau củ quả ở chợ Hội An – Việt Nam, chia sẻ: “Mấy bữa nay chợ ế ẩm quá, gần Tết mà chẳng có mấy người mua, ngồi cả ngày, giá các thứ đồ cũng tăng nên buôn bán khó khăn quá!”.
Giá xăng tăng đột ngột tại Việt Nam khiến cho nhiều tài xế taxi phải dở khóc dở cười bởi mới tải qua lũ lụt, trải qua thời gian khủng hoảng kinh tế, khách đi taxi ngày càng ít đi mà các hãng taxi lại mọc ra quá nhiều dẫn đến tình trạng cạnh tranh giá cước gay gắt. Hầu hết các tài xế taxi hoạt động theo nguyên tắc ăn chia tỉ lệ 50/50 với các hãng và tài xế tự chịu nhiên liệu để chở khách. Gặp phải tình trạng hiếm khách, cộng với giá xăng tăng trong dịp Tết cận kề, điều ảnh ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của giới xế lái taxi.
Vương – tài xế taxi, chia sẻ: “Tụi em lái taxi như thế này là ăn chia với công ty, mình tự đổ xăng để chạy. Xăng tăng giá làm tụi em khốn đốn lắm. Nhiều bữa phải xin tiền gia đình để mua xăng bù lỗ, sinh hoạt cũng phải xin tiền gia đình…”.
Mặc dù giá xăng tăng quá khả năng chịu đựng nhưng hầu hết giới lao động tại Việt Nam đều phải dùng đến xăng. Bởi do đặc thù khoảng cách giữa nơi làm việc và nhà ở, do đường sá bụi bặm nên người ta trốn càng nhanh khỏi con đường càng tốt. Hầu hết các cây xăng vẫn hoạt động bình thường, sức bán vẫn không có sự giảm sút đáng kể.
Một nhân viên cửa hàng bán xăng dầu trực thuộc Petrolimex Việt Nam tỏ ra lạc quan: “Giá dầu có tăng chút đỉnh chứ giá xăng chưa tăng, nhìn chung thì việc tiêu thụ xăng dầu cũng chưa có gì thay đổi, người ta vẫn mua bình thường. Không có vấn đề gì”.
Thông tin giá xăng tăng ngay trong thời điểm Tết Nguyên Đán cận kề, sau hàng loạt vấn đề như đồng bằng Sông Cửu Long bị hạn mặn, biển miền Trung bị nhiễm độc, cả miền Trung bị ngập lụt, nhà cửa hư hại do xả đập thủy điện… cộng với kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn, đời sống của người lao động Việt Nam thêm một lần nữa phải thắt lưng buộc bụng.

No comments:

Post a Comment