Nền kinh tế Việt Nam khó có cơ hội “thoát Trung” trong tình thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP gần như sẽ sụp đổ. Đó là nhận định đưa ra hôm Thứ Sáu trong một bài phân tích của Stratfor, công ty nghiên cứu kinh tế, thương mại và tình báo địa chính trị có trụ sở tại Austin, tiểu bang Texas của Hoa Kỳ.
Theo Stratfor, Hà Nội muốn tìm những đối tác thương mại ngoài Trung Cộng, để qua đó giới hạn ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Việt Nam. Ngoài TPP, Hà Nội đang theo đuổi những hiệp định thương mại tự do đầy tham vọng với nhiều đối tác khác, bao gồm Liên Âu và Liên Hiệp Kinh Tế Âu Á do Nga đứng đầu.
Tuy nhiên các khối thương mại đang đặt ra những tiêu chuẩn khá cao, buộc Hà Nội phải thực thi nhiều cuộc cải tổ sâu rộng kể cả về nghiệp đoàn, một chủ đề nhạy cảm về chính trị. Stratfor cho rằng không dễ để Hà Nội thực thi kế hoạch này.
Sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu của Việt Nam, khiến cho những bất ổn trên thị trường toàn cầu ảnh hưởng tới Việt Nam. Các khoản đầu tư nước ngoài bắt đầu hạn hẹp dần sau nhiều năm rộng rãi, giữa lúc chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện tại Hoa Kỳ và Liên Âu. Giai đoạn tái cơ cấu đầy khó khăn hiện nay có thể tạo áp lực lên một số kỹ nghệ quan trọng nhất của Việt Nam, bao gồm nông nghiệp, thép và hàng điện tử.
Các chuỗi cung ứng sản xuất của Việt Nam vẫn còn lâu mới kiện toàn, khi Việt Nam phải nhập cảng nhiều chất liệu thô để tạo ra hàng hóa xuất cảng. Tất cả các vấn đề này trở nên trầm trọng hơn, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đối diện với một số nhược điểm kéo dài, bao gồm hệ thống ngân hàng dễ vỡ, quá nhiều khoản vay không hiệu quả, những quy định lạc hậu, cuộc cải cách khu vực quốc doanh trì trệ.
Theo Stratfor, để ứng phó với những khó khăn này, Hà Nội sẽ phải tiếp tục để ngỏ việc chọn lựa những đối tác trong khu vực.
Huy Lam / SBTN
No comments:
Post a Comment