Sunday, December 25, 2016

Trại viên trại cưỡng bức cai nghiện lại vượt trại

Hiện trường vụ nổi loạn hồi đầu tháng trước ở Trung Tâm Cai Nghiện tỉnh Đồng Nai. (Hình: VnExpress)
VIỆT NAM – Giám đốc Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội tỉnh Tây Ninh vừa xác nhận, mới có thêm 17 trại viên của Trung Tâm Giáo Dục-Lao Động-Xã Hội tỉnh này vượt trại.
Tất cả những người vượt trại đều bị cưỡng bức cai nghiện ma túy. Chuyện xảy ra vào ngày 20 Tháng Mười Hai. Tối hôm đó, 17 người vượt trại đã phá trần nhà vệ sinh, trổ mái rồi leo hàng rào ra ngoài. Đến 22 Tháng Mười Hai, công an chỉ mới bắt lại được 3/17 người vượt trại.
Đáng chú ý là cả 17 người vừa kể nằm trong số 68 trại viên từng vượt trại hôm 25 Tháng Mười Một. Họ nằm trong số 58 người bị bắt trở lại. Lần đó, 68 trại viên đã dùng các giường sắt thay thang vượt tường ra ngoài. Khi bị phát giác, những người vượt trại đã tấn công cả bảo vệ lẫn giám thị.
Từ tháng tư đến nay, riêng tại miền Nam Việt Nam đã có hàng chục vụ nổi loạn trong các trại cưỡng bức cai nghiện rồi vượt trại.
Trong Tháng Tư và Tháng Năm năm nay, trại viên của Trung Tâm Cai Nghiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từng nổi loạn hai lần. Đến nay, công an vẫn còn đang săn lùng hàng trăm trại viên vượt trại trong hai đợt nổi loạn đó. Tới ngày 9 Tháng Mười Một, khoảng 200 trại viên của Trung Tâm Cai Nghiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục khống chế bảo vệ, cắt kẽm gai leo qua hai lớp tường để vượt trại.
Hồi hạ tuần Tháng Mười và thượng tuần Tháng Mười Một, trại viên của Trung Tâm Cai Nghiện tỉnh Đồng Nai cũng đã nổi loạn, vượt trại hai lần. Chuyện tương tự cũng đã xảy ra tại Trại Cai nghiện Thanh Đa ở Sài Gòn vào trung tuần Tháng Mười Một.
Năm 2008, Việt Nam bắt đầu tống người nghiện ma túy vào các trung tâm cai nghiện. Năm 2011, tổ chức giám sát nhân quyền tố cáo chính quyền Việt Nam xâm hại nhân quyền khi cưỡng bức cai nghiện. Các trung tâm cai nghiện không hỗ trợ cai nghiện vì mục đích nhân đạo mà trở thành nơi giam giữ hàng chục ngàn người một cách tùy tiện, hành hạ và khai thác sức lao động của người nghiện một cách bất lương.
Do bị cả dư luận trong nước lẫn quốc tế chỉ trích một cách kịch liệt, năm 2014, chính quyền Việt Nam sửa luật chống ma túy thêm một lần nữa. Theo đó, người nghiện chỉ bị cưỡng bức cai nghiện khi có quyết định của tòa án chứ không tự nhiên bị tống vào các trại cưỡng bức cai nghiện, bị cầm giữ suốt hai năm ở đó như trước.
Thay đổi này tiến bộ nhưng tiến bộ ấy chỉ thể hiện trên giấy. Các trung tâm cai nghiện vẫn là “địa ngục trần gian.” Đó cũng là lý do trại viên của các trại cai nghiện liên tục nổi loạn.
Thực tế này khiến chính quyền Việt Nam lúng túng trước việc tiếp tục duy trì hay đóng cửa các trại cưỡng bức cai nghiện. Nếu tiếp tục duy trì trong bối cảnh công khố thiếu trước hụt sau, do điều kiện ăn ở hết sức tồi tệ, những vụ nổi loạn ở các trung tâm cai nghiện sẽ bùng phát. Còn nếu đóng cửa thì vấn nạn ma túy và an ninh trật tự sẽ trầm trọng hơn.
Tháng trước, Ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của Việt Nam vừa tuyên bố: “Phải tính lại mô hình cai nghiện.” Sau khi một số viên chức cho rằng nên dẹp bỏ các trại cưỡng bức cai nghiện, ông Dung đề cập đến chuyện phải phân loại người nghiện, xác định rạch ròi giữa cai nghiện tự nguyện và cưỡng bực cai nghiện. Chỉ cưỡng bức những người đã tự nguyện cai nghiện nhiều lần mà không thành công hoặc không có nơi cư trú ổn định. Ông Dung nói thêm là các trung tâm cai nghiện cũng phải được tổ chức lại, không cầm giữ những người nghiện bình thường chung với những người nghiện có tiền án, tiền sự, từng dùng ma túy tổng hợp, bị loạn thần.
Bộ trưởng Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của Việt Nam thú nhận, nguyên nhân chính dẫn tới các vụ nổi loạn tại một số trung tâm cai nghiện trong thời gian vừa qua là quá tải. Việt Nam hiện có 123 trung tâm cưỡng bức cai nghiện và tất cả đều quá tải. Muốn hạn chế các vụ nổi loạn, phải đầu tư đến nơi đến chốn cho những nơi này. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment