VIỆT NAM – Cuối tuần vừa qua, 20 gia đình nghèo ở xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cùng xin trả lại “bò chính phủ.” Nếu nguyện vọng này không được chấp nhận, mỗi gia đình sẽ ôm thêm nợ.
20 gia đình vừa kể cùng thuộc các sắc tộc thiểu số, cùng “nghèo mạt rệp” nên được ưu tiên vay vốn “xóa đói, giảm nghèo.” Cách nay hai tháng, chính quyền xã Phước Vinh đã gọi họ lên trụ sở, yêu cầu ký văn tự nhận vay 24 triệu/gia đình trong vòng ba năm, không phải trả lãi, rồi dẫn họ đến trại bò Trọng Giảng ở trong vùng để dẫn bò về nuôi.
Hệ thống công quyền gọi những con bò được mua bằng tiền trích từ dự án “xóa đói, giảm nghèo” là “bò dự án.” Người nghèo thì gọi loại bò này là “bò chính phủ.”
Trong hai tháng vừa qua, 20 con “bò chính phủ” chỉ chịu ăn cỏ vài ngày đầu rồi… tuyệt thực. Nếu “bò chính phủ” mà lăn ra chết thì vỡ nợ nên nhiều gia đình đưa bò vào nhà chăm sóc, nấu cháo bón cho bò ăn nhưng sức khỏe của những con “bò chính phủ” càng ngày càng suy kiệt.
Do 20 gia đình nghèo này kêu cứu, chính quyền xã Phước Vinh đã cử nhân viên thú y đến hỗ trợ. Những nhân viên thú y tiết lộ, “bò chính phủ” mà 20 gia đình nghèo vay vốn để mua bị “lở mồm, long móng,” chứng bệnh khiến các loại gia súc có móng guốc (như heo, bò,…) bị lở miệng, loét móng, kiệt sức rồi chết. “Lở mồm, long móng” được tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) xếp vào loại bệnh nguy hiểm hàng đầu đối với động vật vì lây lan rất nhanh và có thể nhiễm sang người. Bởi những đặc điểm vừa kể, khi phát giác gia súc bị “lở mồm, long móng,” các nhân viên thú y sẽ khuyên tiêu hủy gia súc bị nhiễm virus.
Dẫu hợp đồng vay tiền mua bán bò ghi rõ, chủ trại bò Trọng Giảng chịu trách nhiệm về con bò ông ta bán trong vòng 12 tháng, nếu bò không sinh sản hoặc mắc bệnh thì ông ta sẽ nhận lại bò, hoàn lại tiền, song theo bà Mang Thị Min – một trong 20 nạn nhân của “bò chính phủ” thì nay, chủ trại bò từ chối thực hiện cam kết, vì bò không mắc bệnh mà bị “lở mồm, long móng!”
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền xã Phước Vinh, huyện Ninh Thuận dùng “bò chính phủ” đẩy những gia đình thiểu số nghèo đến mạt lộ.
Cách nay đúng một năm, hồi Tháng Mười Một năm ngoái, 60 gia đình thiểu số nghèo ở xã này đã từng kêu cứu vì phải ký giấy vay 20 triệu đồng/gia đình từ dự án “xóa đói, giảm nghèo” nhưng chỉ được cầm 15 triều đồng và bị buộc phải dùng 15 triệu đồng đó mua “bò chính phủ” cũng tại trại bò Trọng Giảng. Đáng nói là toàn bộ hoạt động này diễn ra dưới… sự giám sát của chính quyền huyện Ninh Phước!
Sau khi nhận “bò chính phủ,” 60 gia đình thiểu số nghèo được nhận “ơn mưa móc của chính phủ” phát giác, họ đã phải vay tiền mua những con bò vừa già, vừa yếu, đã đẻ nhiều lứa với giá quá đắt. Cả 60 gia đình cùng yêu cầu trả lại “bò chính phủ,” hủy hợp đồng vay từ dự án “xóa đói, giảm nghèo.” Chính quyền xã Phước Vinh dứt khoát không chấp nhận. Dưới sức ép của công luận, chủ tịch huyện Ninh Phước chỉ hứa sẽ “kiểm tra lại” và sẽ yêu cầu chính quyền xã Phước Vinh không được ép dân mua bò theo chỉ đạo của họ nữa. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment