HÀ NỘI (NV) – Tính đến đầu tháng này, Việt Nam chỉ mới thu được 72% mức ngân sách dự trù phải thu cho cả năm. Trong khi đó, bội chi của mười tháng đầu năm đã là 188,000 tỷ đồng.
Một trong những nguồn thu chính của Việt Nam là xuất cảng dầu thô nhưng giá dầu thô trên thị trường thế giới không những không lên mà còn xuống. Theo Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam, nguồn thu từ xuất cảng dầu thô giảm thêm 43% so với cùng kỳ năm ngoái nên dù chỉ còn hai tháng nữa là hết năm song chỉ mới đạt được 56% mức dự trù sẽ thu được từ nguồn này.
Tương tự, do tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, một nguồn thu quan trọng khác cho ngân sách của Việt Nam là thuế xuất – nhập cảng cũng sụt giảm trầm trọng. Đến cuối tháng 10, nguồn thu từ thuế xuất – nhập cảng chỉ mới đạt được 65% mức dự trù.
Để bù đắp thiếu sự thiếu hụt do nguồn thu sụt giảm trầm trọng, chính quyền Việt Nam đẩy mạnh việc vay nợ. Năm nay, tính đến thời điểm này, chính quyền Việt Nam đã phát 281,000 tỷ đồng trái phiếu, tăng 53% so lượng trái phiếu đã phát hành năm ngoái. Bên cạnh đó, chính quyền Việt Nam cố gắng tăng thêm nguồn thu bằng cách gia tăng thu tiền sử dụng đất và bán các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên theo một số chuyên gia kinh tế, những giải pháp này chỉ có thể giúp bù đắp thiếu hụt trong khoảng hai năm là… hết!
Giữa lúc chính quyền Việt Nam đang tìm nhiều cách để thu hút quỹ đầu tư ngoại quốc tham gia mua cổ phần các doanh nghiệp nhà nước để có thể thu về vài tỷ đô la, giải quyết sự nguy ngập về tài chính thì chưa có quỹ đầu tư ngoại quốc nào nhảy vào với số vốn từ $100 triệu trở lên.
Cổ phần ế thì phải bán rẻ. Thu ít tiền thì khó giảm được bội chi và hạn chế vay nợ. Điều đó đồng nghĩa sẽ chìm sâu hơn trong nợ.
Quốc Hội Việt Nam từng xác định, chính phủ Việt Nam không được để nợ nần vượt quá 50% GDP nhưng trong bối cảnh như vừa kể, Quốc Hội Việt Nam đã cho phép chính phủ Việt Nam nâng mức nợ nần lên 54% GDP.
Ông Phạm Thế Anh, một giảng viên của đại học Kinh Tế Quốc Dân, bảo với tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn rằng, đây là một “động tác mang tính kỹ thuật” nhằm “hợp thức hóa mức nợ thực tế của chính phủ, chứ không phải đặt ra nhằm chặn trước.” Ông Anh nhận định: “Đây là một tín hiệu xấu, nó cho thấy kỷ luật ngân sách rất lỏng lẻo.” Khi kỷ luật bị phá vỡ thì không ai chịu trách nhiệm cả và trong tương lai rất có thể điều này sẽ tái diễn.
Theo ông Anh, quy mô nợ càng ngày càng lớn, rủi ro càng ngày càng tích tụ nhưng Việt Nam lại không biết ngưỡng an toàn là bao nhiêu, 60% hay 70% GDP? Ông Anh lưu ý, ngưỡng an toàn do thị trường tài chính quyết định. Khi các định chế tài chính trong nước và quốc tế thấy quy mô nợ của chính quyền Việt Nam đã đủ lớn, họ sẽ ngừng cho vay, hoặc cho vay với lãi suất rất cao. Lúc đó sẽ chật vật hơn.
Khi được đề nghị nhận định về kế hoạch tài chính công 2017-2018, ông Anh cảnh báo, hai năm tới là thời điểm phải liên tục trả các khoản nợ cả gốc lẫn lãi. Với tình trạng ngâm sách thâm hụt như vừa qua và hiện nay, ông Anh bảo ông “chưa thấy có nguồn để trả nợ.” Thành ra có lẽ chính quyền Việt Nam sẽ “đảo nợ” (vay nợ mới trả nợ cũ). Vấn đề phải chú ý là khi quy mô nợ càng ngày càng tăng, mức độ tín nhiệm sẽ giảm thì lãi suất có thể sẽ cao hơn, gánh nặng nợ nần trầm trọng hơn. Chưa kể phát hành quá nhiều trái phiếu sẽ khiến rủi ro lạm phát lớn. Nếu có tác động từ thị trường quốc tế, thì rủi ro lạm phát của Việt Nam bị kích hoạt. Việc chính quyền Việt Nam phát hành quá nhiều trái phiếu còn khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn vì bị chính quyền cạnh tranh rất gay gắt trong việc tiếp cận vốn.
Ông Anh cho rằng, nguyên nhân chính khiến Việt Nam gặp khó khăn về tài chính là do chi tiêu quá tay, chứ không phải do thu ít, hay kinh tế khó khăn. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment