Friday, October 7, 2016

Các bộ của CSVN bôi mặt đá nhau về một dự luật

Từ 2010 đến nay, doanh nghiệp Việt Nam thi nhau phá sản, xin tạm ngưng hoạt động hoặc xin giải thể. (Hình: TBKTSG)
HÀ NỘI (NV) – Lần đầu tiên Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam không tán thành một dự luật và đòi chính phủ Việt Nam phải sửa nếu muốn trình dự luật đó trước Quốc Hội để đại biểu góp ý.
Dự luật vừa kể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đang thi nhau phá sản vì kiệt sức. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm tới 97% doanh nghiệp tại Việt Nam.
Giống như nhiều dự luật khác, dự luật vừa kể có hàng loạt điểm bất ổn. Trước đây, bất kể các dự luật bất ổn thế nào thì sau một hồi eo xèo gọi là “góp ý,” Quốc Hội Việt Nam cũng gật. Ðó cũng là lý do sau khi cùng chính phủ Việt Nam “sản xuất” hàng loạt bộ luật, đa số các bộ luật trở thành bị chỉ trích vì không hợp lý, bất khả thi. Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới mà chính phủ liên tục soạn dự luật, Quốc Hội liên tục biểu quyết rồi sau đó hai bên tiếp tục soạn – biểu quyết những dự luật sửa các bộ luật đã ban hành.
Scandal mới nhất liên quan tới lập pháp tại Việt Nam là chuyện hoãn thi hành cùng lúc, Luật Hình Sự mới, Luật Tố Tụng Hình Sự mới, Luật Tổ Chức Cơ Quan Ðiều Tra Hình Sự và Luật Thi Hành Tạm Giữ -Tạm Giam, hồi đầu tháng 7. Lý do là sau khi Quốc Hội Việt Nam biểu quyết thông qua các bộ luật vừa kể hồi cuối năm 2015, người ta phát giác trong Bộ Luật Hình Sự mới có khoảng… 100 sai sót trầm trọng cần “sửa đổi, bổ sung.” Phần lớn những sai sót trong Bộ Luật Hình Sự mới đều thuộc dạng ngớ ngẩn tới mức người ta không hiểu tại sao lại có thể đi thẳng từ bộ phận soạn thảo vốn được ca ngợi là những chuyên gia tư pháp hàng đầu xuyên qua bộ máy lập pháp ra thẳng cuộc đời.
Ngân khố đã chi bao nhiêu cho việc soạn thảo Bộ Luật Hình Sự mới và bộ phận soạn thảo đã nhận bao nhiêu từ các khoản viện trợ nhằm giúp Việt Nam cải cách tư pháp hiện là “bí mật quốc gia,” không được công bố. Cũng không có viên chức nào bị truy cứu trách nhiệm.
Trở lại với dự hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam đòi chính phủ Việt Nam phải sửa, người ta không rõ tại sao chính phủ Việt Nam nằng nặc đòi trình Quốc Hội góp ý và biểu quyết cho nó thành luật khi Bộ Tư Pháp Việt Nam – cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định dự luật nhận định, những vướng mắc khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ lụn bại, kiệt sức nằm ở chỗ thực thi chính sách chứ không phải do chưa có luật. Nói cách khác, dự luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ là thừa.
Tương tự, Bộ Tài Chính đề nghị bác toàn bộ điều kiện hỗ trợ về thuế trong dự luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì sẽ khiến ngân sách thất thu 9,400 tỉ. Bộ Công Thương thì cảnh báo là nếu dự luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành luật thì Việt Nam có thể bị Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) kiện do một số quy định vi phạm cam kết của Việt Nam với WTO. Còn Ngân Hàng Nhà Nước đề nghị gạt các quy định dùng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Kế Hoạch-Ðầu Tư, cơ quan soạn thảo dự luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hết sức giận dữ khi bị các bộ khác… đâm sau lưng. Ông Dũng bảo rằng, trước đây, Bộ Kế Hoạch -Ðầu Tư từng mời các bộ, ngành có liên quan cử người tham gia ban soạn thảo dự luật nhưng các bộ, ngành chỉ cử những người không đủ khả năng. Ông Dũng tố cáo, khi dự luật được soạn thảo xong, các bộ, ngành chỉ săm soi xem nội dung dự luật có gây thiệt thòi quyền lợi cho ngành của mình hay không, chứ không bận tâm đến chuyện làm sao phải có chính sách hợp lý để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
Bộ trưởng Kế Hoạch-Ðầu Tư nhấn mạnh, dự luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được chính phủ Việt Nam đưa ra lấy ý kiến của các bộ có liên quan. Chuyện này đã xong và những góp ý để đến bây giờ mới nói là… vô giá trị!
Chưa rõ bên nào đúng, bên nào sai nhưng chắc chắn dự luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ không ổn. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội yêu cầu sửa lại dự luật này thì Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam mới chấp nhận cho trình nó ra Quốc Hội để các đại biểu góp ý. Theo bà Ngân thì yêu cầu sửa lại dự luật không phải nhằm làm khó chính phủ Việt Nam.
Dẫu Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam tỏ ra rất cương quyết nhưng sự cương quyết đó lại giống như trên sân khấu. Thời hạn sửa chữa một dự luật được xác định là rất quan trọng vì liên quan tới 97% doanh nghiệp tại Việt Nam, trước khi trình cho Quốc Hội để các đại biểu góp ý được xác định là ba… ngày!(G.Ð)

No comments:

Post a Comment