THỪA THIÊN-HUẾ (NV) – Báo chí Việt Nam vừa giúp giải thích tại sao một số gia đình, gia tộc lại tha thiết với việc cùng nhau “quên mình cống hiến, phục vụ nhân dân” như vậy.
Các thành viên trong một gia đình hay một gia tộc chia nhau “cống hiến, phục vụ nhân dân” tại một xã, một huyện, một tỉnh hay tại các cơ quan trung ương, các doanh nghiệp nhà nước vốn đã trở thành điều bình thường tại Việt Nam.
Cũng vì vậy, việc các thành viên trong gia đình bà Lê Thị Thêm, trưởng Phòng Văn Hóa-Thông Tin huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế chia nhau các vị trí lãnh đạo huyện này lẽ ra là chẳng cần phải bận tâm nhiều lắm, nếu như không có bằng chứng cho thấy họ còn “quên mình” hỗ trợ nhau chia chác tài sản quốc gia.
Chồng bà Thêm, ông Hồ Xuân Trăng, hiện là bí thư huyện A Lưới. Các ông em rể của bà Thêm – anh em cột chèo với Trăng đã chia nhau những vị trí còn lại trong hệ thống lãnh đạo của cả đảng lẫn chính quyền lẫn công an, quân đội ở huyện này. Một người em cột chèo của ông Trăng hiện là phó bí thư kiêm chủ tịch huyện A Lưới, người khác giữ ghế phó Phòng Tài Chính, người khác nữa làm phó công an huyện, thêm một người khác làm đồn trưởng Biên Phòng.
Ngoài việc giúp chồng, chị em bà Thêm còn biết tự lo cho mình. Bà Thêm có một cô em gái (vợ ông phó bí thư kiêm chủ tịch huyện A Lưới) đang trấn ở Việt Kiểm Sát huyện. Một cô em nữa thì trấn ở ngành giáo dục.
Báo chí Việt Nam không cho biết cha của bà Thêm là ai?
Giống như hàng loạt gia đình đang “quên mình cống hiến, cống hiến, phục vụ nhân dân” ở khắp nơi trên toàn Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, em cột chèo của ông Trăng, người đang là phó bí thư kiêm chủ tịch huyện A Lưới, mới khẳng định với báo giới rằng: Việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ tại A Lưới tuân thủ theo quy hoạch đã được phê duyệt và đúng với quy trình!
Theo lời ông Hùng thì chuyện các thành viên trong gia đình vợ của ông cùng trở thành lãnh đạo tại huyện A Lưới chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên sau một thời gian dài tất cả cùng “cống hiến,” cùng “phấn đấu.”
Ðáng lưu ý là theo tờ Người Ðưa Tin thì dường như các thành viên trong gia đình bà Thêm tự thấy họ đã “hy sinh” quá nhiều nên nay, họ đang “quên mình” chia chác tài sản quốc gia.
A Lưới nằm sát biên giới Việt-Lào, dân cư chủ yếu là người thuộc hàng chục sắc tộc thiểu số. Huyện này nổi tiếng vì nghèo và bắt đầu nổi tiếng nhờ gia đình bà Lê Thị Thêm. Sau khi phát giác gia đình bà Lê Thị Thêm từ con gái đến con rể đã chia chác xong các vị trí lãnh đạo từ đảng, chính quyền đến công an, quân đội ở huyện A Lưới, báo chí Việt Nam phát giác thêm là ông Nguyễn Nam Sinh, phó công an huyện A Lưới, một trong những người em cột chèo của ông Hồ Xuân Trăng, bí thư huyện A Lưới, đã chiếm xong một khoảnh rừng lớn trong khu rừng nguyên sinh thuộc dạng phải bảo tồn nghiệm ngặt và đã hoàn tất việc xây dựng khu du lịch Cân Te tại đó.
Từ phát giác của báo chí, một người anh cột chèo khác của ông Sinh là ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó bí thư kiêm chủ tịch huyện A Lưới đã ra lệnh đình chỉ hoạt động của khu du lịch Cân Te, kiểm tra-xử lý “nếu có” sai phạm theo đúng qui định của pháp luật. Các cơ quan hữu trách ở huyện A Lưới còn được anh cột chèo của ông Sinh yêu cầu “hướng dẫn cơ sở làm thủ tục đăng ký điểm du lịch, đăng ký bảo vệ môi trường và các thủ tục khác theo qui định của pháp luật.”
Vài ngày sau khi ông Hùng, anh cột chèo của ông Sinh đưa ra chỉ đạo vừa kể, tờ Người Ðưa Tin phát giác ông Hùng cũng đang xây dựng một trang trại giữa rừng nguyên sinh. Phó bí thư kiêm chủ tịch huyện A Lưới khẳng định là ông ta đã được cấp dưới cho phép chuyển đất rừng thành đất thổ cư.
Bởi ông Hùng là chủ tịch huyện nên có lý anh cột chèo của ông Hùng là ông Hồ Xuân Trăng, bí thư huyện A Lưới sẽ phải chỉ đạo “kiểm tra-xử lý.” Tin mới nhất cho biết, ông Trăng cũng có “dự án kinh tế” đang triển khai trong rừng nguyên sinh! (G.Ð)
No comments:
Post a Comment