Friday, October 7, 2016

Hơn 50 tổ chức xã hội dân sự quốc tế & quốc nội gửi thư tới quốc hội CSVN về luật tôn giáo

Hơn 50 tổ chức Xã Hội Dân Sự (XHDS) quốc tế và Việt Nam đã gửi thư ngỏ tới chủ tịch quốc hội CSVN, để bày tỏ quan tâm về dự thảo luật tôn giáo và tín ngưỡng mới, sắp được thông qua vào tháng 10 và tháng 11 năm 2016.


Các tổ chức trong và ngoài nước gởi thư đến quốc hội về luật tôn giáo.

Thư ngỏ lưu ý rằng dự thảo luật mới “…hàm chứa một số cải tiến, nhưng vẫn tiếp tục lưu giữ những hạn chế không thể chấp nhận đối với quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như các nhân quyền khác." 
Thư ngỏ cho rằng những bảo đảm cơ bản cho quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng tiếp tục bị xói mòn với cơ chế đăng ký hà khắc, bó buộc, cho phép nhà nước xâm phạm quá đáng vào công việc nội bộ các tổ chức tôn giáo. 
Bức thư ngỏ này có sự đóng góp của các tổ chức XHDS lớn như Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), Tin Lành Đoàn Kết Thế Giới (Christian Solidarity Worldwide), Những Người Bảo Vệ Dân Quyền (Civil Rights Defenders), và nhiều tổ chức XHDS trong nước và quốc tế khác. 
Bức thư ngỏ đã lưu ý: “…Dự thảo luật tôn giáo đã được luân lưu cho một số cộng đồng tôn giáo lấy ý kiến. Tuy nhiên, Công Giáo đã nhanh chóng chống đối, với thời gian qua ngắn từ ngày 18 tới 30 tháng 8 để chuẩn bị góp ý bản Dự Thảo Luật. Hơn nữa, các tổ chức tôn giáo độc lập không đăng ký với nhà cầm quyền không được tham khảo, như trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.”
Trong thư ngỏ, các tổ chức XHDS quốc tế và quốc nội đã trình bày những hạn chế của Dự Thảo Luật. Chẳng hạn như định nghĩa tôn giáo cần phải tương đương với điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ (ICCPR). Hay coi việc đăng ký với nhà cầm quyền không thể xem như một tiền lệ thủ tục cho việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Cộng đồng quốc tế cũng cho rằng nhà nước CSVN đang can dự quá sâu và “xâm phạm thái quá” vào công việc nội bộ tôn giáo.Dự Thảo Luật mới còn hàm chứa “ngôn ngữ mơ hồ và tiềm ẩn sự kỳ thị cần phải bãi bỏ”. Ngoài ra, cần thiết lập những nguồn pháp lý và cơ cấu để nhân dân có quyền khiếu nại và những ai khiếu nại sẽ được điều tra xử lý độc lập.”
Bức thư gửi tới bà Nguyễn Thị Kim Ngân, trong bối cảnh nhà nước Việt Nam đang chuẩn bị thay đổi luật tôn giáo, cũng là thời gian mà chính trường Việt Nam có nhiều biến động.
Thư ngỏ đã nêu lên mối bận tâm của nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo, về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo cách có hệ thống trong giai đoạn gần đây.
Quốc Hiếu / SBTN

No comments:

Post a Comment