Friday, August 12, 2016

Bảo hiểm là ‘tai họa trên bờ’ của ngư dân Việt

Ngư dân Việt Nam không chỉ gặp hiểm họa trên biển mà ngay cả ở trên bờ. (Hình: Getty Images)
Ngư dân Việt Nam không chỉ gặp hiểm họa trên biển mà ngay cả ở trên bờ. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Ngoài biển, ngư dân Việt đơn độc chống trả với ngoại nhân và thiên tai. Trong bờ, họ là nạn nhân của bốn công ty bảo hiểm do Bộ Tài Chính của chính phủ Việt Nam lựa chọn giùm!
Chính quyền Việt Nam đã dùng công quỹ, thay ngư dân trả 50% phí bảo hiểm tàu đánh cá và quảng bá rằng, đây là một trong những chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, duy trì hoạt động ngư nghiệp và giúp khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Ðông.
Khoản 50% phí bảo hiểm các tàu đánh cá đó được chuyển cho bốn công ty bảo hiểm do Bộ Tài Chính Việt Nam lựa chọn là: Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO và PVI.
Bốn công ty này tự phân chia địa bàn để độc quyền kinh doanh bảo hiểm tàu đánh cá tại 28 tỉnh, thành phố nằm dọc bờ biển Việt Nam: Bảo Việt khống chế 10 tỉnh, Bảo Minh khống chế 7 tỉnh, PJICO khống chế 7 tỉnh và PVI khống chế 4 tỉnh.
Ngư dân Việt Nam tuy phải móc túi trả 50% còn lại nhưng gần như chẳng nhận được đồng nào từ các công ty bảo hiểm khi gặp tai họa.
Theo tờ Tiền Phong, các công ty bảo hiểm nhận bảo hiểm tàu đánh cá có rất nhiều chiêu để lừa ngư dân.
Chiêu đầu tiên là không giao hồ sơ bảo hiểm cho ngư dân (kể cả hồ sơ bảo hiểm cho thuyền viên mà chủ tàu đánh cá phải trả 100% phí) nên khi tàu đánh cá gặp tai nạn, chủ tàu không biết đường nào mà lần.
Chiêu thứ hai là chia phí bảo hiểm thành vài kỳ, gộp những kỳ đầu lại thành một cục và thu một lần, kỳ cuối để đó, nếu tàu đánh cá không gặp tai nạn thì thu kỳ cuối vào phút chót, ngược lại sẽ dùng yếu tố chưa nộp đủ phí bảo hiểm làm lý do từ chối trả tiền bảo hiểm.
Chiêu thứ ba là tìm mọi cách khuyến dụ ngư dân nộp phí bảo hiểm, khi xảy ra tai nạn mới yêu cầu bổ túc các thứ giấy tờ mà lẽ ra công ty bảo hiểm phải xác định ngay từ đầu là có hay không (chứng chỉ thuyền trưởng, chứng chỉ máy trưởng, xác nhận đăng kiểm,…), nếu không có hoặc không hợp lệ (hết hạn) thì vin vào đó để từ chối trả tiền bảo hiểm. Trên thực tế, đa số thợ máy trên các tàu đánh cá không có chứng chỉ máy trưởng nên khi tàu đánh cá gặp tai nạn, các công ty bảo hiểm không phải trả đồng nào.
Một trong những vụ từ chối trả tiền bảo hiểm tàu đánh cá khiến công chúng phẫn nộ là vụ tàu đánh cá QB 92617, của ông Nguyễn Ngọc Hải, ngụ tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, bị chìm ở vịnh Bắc bộ vào ngày 15 tháng 2 vừa qua. Ngoài chuyện mất tàu, ông Hải còn mất một đứa con và hai thủy thủ.
Giữa lúc thập phần bối rối, nhân viên chi nhánh Quảng Bình của Bảo Việt tìm tới thắp nhang chia buồn và bảo ông Hải rằng, bởi ông chưa trả phí bảo hiểm kỳ cuối nên tàu không được bồi thường. Tuy nhiên do Bảo Việt có chính sách “hỗ trợ nhân đạo” nên nhân viên này khuyên ông Hải viết đơn xin cứu xét, ghi rõ là ông “khó khăn, chưa trả phí bảo hiểm kỳ cuối.” Cuối cùng, đơn xin cứu xét là bằng chứng mà Bảo Việt sử dụng để Bảo Việt bác mọi khiếu nại của ông Hải. Khoản “hỗ trợ nhân đạo” mà ông Hải “xin” cũng bị bác!
Trước sự chỉ trích càng lúc càng dữ dội từ ngư dân và báo giới, hồi giữa tuần này, Bộ Tài Chính Việt Nam tổ chức một “hội nghị chuyên đề” về “bảo hiểm tàu đánh cá.” Ông Nguyễn Quang Huyền, cục phó Cục Quản Lý và Giám Sát Bảo Hiểm, phân bua rằng, sở dĩ bộ này chỉ chọn bốn công ty bảo hiểm đứng ra bán bảo hiểm cho các tàu đánh cá tại Việt Nam là vì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bốn công ty này trong việc đồng chi trả khi nhiều tàu đánh cá cùng gặp tai nạn!
Các chuyên gia và báo giới không hài lòng với lối giải thích vừa kể. Những giới này tin rằng, nếu không có cạnh tranh, bảo hiểm cho các tàu đánh cá tại Việt Nam không đạt mục tiêu của chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển.
Theo thống kê, trong sáu tháng đầu năm nay, bốn công ty bảo hiểm độc quyền kinh doanh bảo hiểm tàu đánh cá tại Việt Nam thu được 387 tỉ đồng nhưng chỉ trả tiền bồi thường bảo hiểm chưa tới 60 tỉ đồng (chưa tới 15% trên tổng thu).

Thay mặt bốn công ty đang độc quyền kinh doanh bảo hiểm tàu đánh cá tại Việt Nam, ông Huyền biện bạch là 85% tổng thu còn dư không phải là lời vì các công ty đó còn phải chi hoa hồng, chưa kể chi phí quản lý-điều hành,… (G.Ð)

No comments:

Post a Comment