Wednesday, July 20, 2016

Thủ đoạn nhà cầm quyền trấn áp phong trào dân chủ Việt Nam

Nguyễn Vũ Bình 2016-07-20  

000_Hkg8090526.jpg

 Cảnh sát giải tán người biểu tình trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 9 tháng 12 năm 2012.  AFP photo

2/ Những thủ đoạn đánh phá bên trong phong trào dân chủ

Việc đối phó, đương đầu với phong trào dân chủ của an ninh Việt Nam bao gồm cả việc đánh phá nội bộ phong trào dân chủ nhằm làm suy yếu phong trào dân chủ để dễ bề thực hiện các phương án và thủ đoạn khác. Chiến thuật đánh phá các tổ chức, đảng phái đối lập thời điểm lập quốc và thời điểm hiện tại là các tôn giáo và phong trào dân chủ cần được tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng. Ở Việt Nam, tuy gọi là phong trào dân chủ, nhưng luôn có hai dòng chảy khá riêng biệt, đó là đấu tranh cho tự do dân chủ nói chung và đấu tranh cho tự do tôn giáo nói riêng. Có những lúc, chúng ta gộp lại làm một, vẫn gọi chung là phong trào dân chủ. Có những khi ta cần phân biệt để hiểu rõ hơn về một vấn đề, khía cạnh nào đó. Nhưng thủ đoạn đánh phá phong trào dân chủ của an ninh Việt Nam cần phân biệt hai khía cạnh này. An ninh Việt Nam đã thực hiện hai chiến lược thâm độc nhằm vào hai con đường đấu tranh của phong trào dân chủ.
    a. Làm biến chất các tôn giáo
      Các tôn giáo về bản chất tôn vinh và khuyến khích tình yêu thương giữa con người với con người chính là kẻ thù của các chế độ cộng sản. Đồng thời, các tôn giáo cũng phê phán và ủng hộ đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, cái bất công. Mục tiêu của các chế độ cộng sản là thống trị con người, muốn thống trị cần đập tan tinh thần phản kháng của người dân. Chính vì vậy, các chế độ cộng sản đã tấn công vào các tôn giáo ngay khi họ giành được quyền lực. Việc tấn công các tôn giáo, không để các tôn giáo hoạt động bình thường chính là nhằm phá hủy tình yêu thương giữa con người với con người để dễ bề thống trị người dân. Đồng thời thực hiện chiến thuật tuyên truyền chiêu bài tôn giáo không làm chính trị để các tôn giáo không còn lên tiếng chống lại cái ác, cái bất công nữa.
      Việc đánh tráo khái niệm, làm chính trị (tức tham gia hoạt động đảng phái, lợi ích nhóm và quản lý xã hội) với việc lên tiếng chống lại cái ác, cái bất công trong xã hội, cộng sản Việt Nam đã từng bước làm biến chất các tôn giáo. Để thực hiện chiến lược làm biến chất các tôn giáo đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã kết hợp, dùng rất nhiều thủ đoạn trong việc khống chế, ngăn chặn và đe dọa các hàng giáo phẩm các tôn giáo, dùng các trò ma quỷ, mưu hèn kế bẩn để khống chế những người có vai trò dẫn dắt đức tin của các tôn giáo, từ đó làm biến chất và vô hiệu hóa công cuộc đấu tranh của các tôn giáo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các tôn giáo (nhất là Công giáo) đã đứng lên, vượt thoát khỏi phần nào sự khống chế, trực diện đấu tranh với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
        b. Gây mâu thuẫn chia rẽ trong nội bộ phong trào dân chủ Việt Nam
          Một trong những chiến thuật hiểm độc mà an ninh Việt Nam thường sử dụng, đó là gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ phong trào dân chủ. Với lực lượng dân chủ cuội được cài cắm dày công và hùng hậu, an ninh Việt Nam chính là tác giả, tác nhân gây ra những mâu thuẫn trong phong trào dân chủ. Bản thân những người tham gia vào phong trào dân chủ, thường là những người có cá tính, cũng ít người hiểu được sự thâm độc của an ninh nên đã vô tình vướng vào những cái bẫy mâu thuẫn mà an ninh giăng ra thông qua lực lượng dân chủ cuội.
          no-u.jpg
          Chính quyền Hà Nội bắt giữ những người biểu tình ngày 17/7/2016 lên xe bus. Youtube screenshot
          Phạm vi gây mâu thuẫn, chia rẽ của an ninh rất rộng và đa dạng. Đó là việc gây mâu thuẫn chia rẽ trong nội bộ một tổ chức, giữa tổ chức này với tổ chức khác, gây mâu thuẫn giữa người đấu tranh trong nước với người đấu tranh ở nước ngoài; gây mâu thuẫn, chia rẽ giữa cá nhân với tổ chức, giữa cá nhân với cá nhân... cách thức gây mâu thuẫn chia rẽ cũng tùy người, tùy việc, có thể dùng dân chủ cuội gậy sự, khiêu khích với người đấu tranh chân chính, có thể cả hai bên đều là dân chủ cuội mâu thuẫn với nhau.
          Việc gây mẫu thuẫn nội bộ như vậy sẽ làm cho những người đấu tranh dân chủ khó, không thể kết hợp lại với nhau tạo thành sức mạnh. Đồng thời làm nản lòng những người mới tham gia, chưa có kinh nghiệm hoặc không đủ bản lĩnh. Những người đấu tranh dân chủ chân chính cần có sự kiềm chế, đặt lợi ích chung của phong trào lên trên cái tôi cá nhân của mình, mới có hy vọng tránh được cái bẫy chia rẽ, mâu thuẫn mà an ninh giăng ra.

          3/ Phương thức ngăn chặn và trấn áp phong trào dân chủ Việt Nam

            a. Ngăn chặn và trấn áp cá nhân
              Việc ngăn chặn và trấn áp cá nhân khi họ tham gia vào phong trào dân chủ Việt Nam là hoạt động cơ bản của an ninh. Việc trấn áp đối với mỗi một người đấu tranh, là một cách thức và mức độ khác nhau, nhưng đều có chung một tính chất, đó là họ không từ một thủ đoạn nào để gây áp lực và ngăn chặn cá nhân. Có ba phương diện, mức độ mà an ninh Việt Nam có thể dùng để ngăn chặn và trấn áp đối với cá nhân đấu tranh dân chủ.
              Tước đoạt hoặc vi phạm một số quyền con người của những người đấu tranh dân chủ. Quyền con người bị vi phạm nhiều nhất đối với người đấu tranh là quyền tự do đi lại. Có thể nói, quyền tự do đi lại của người đấu tranh bị vi phạm thường xuyên, liên tục và có hệ thống. Các cuộc biểu tình, tất cả những người đã từng tham gia biểu tình, những người đấu tranh dân chủ đều bị canh giữ trái pháp luật, không cho đi ra khỏi nhà. Quyền tự do cư trú cũng liên tục bị vi phạm khi người đấu tranh từ các địa phương tới các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn đều bị công an ép chủ nhà cho thuê trọ đuổi người. Đặc biệt, danh sách người đấu tranh dân chủ bị cấm xuất cảnh đã lên tới hàng trăm người, nhiều người trong số đó bị thu cả hộ chiếu. Quyền nhận thư tín và đồ đạc qua đường bưu điện cũng bị vi phạm... trước đây còn có trường hợp 7 người đấu tranh bị cắt điện thoại mà không nói lý do.
              Gây áp lực mọi mặt lên đời sống người đấu tranh dân chủ. Đây là thủ đoạn hèn hạ nhất mà an ninh Việt Nam sử dụng. An ninh thường gây áp lực với cơ quan, nơi làm việc của người đấu tranh, tác động để người đấu tranh bị đuổi việc. Đây cũng là thủ đoạn an ninh hay sử dụng nhất, có đến 75-80% số người tham gia đấu tranh bị đuổi việc do tác động của an ninh tới cơ quan cũng như chủ doanh nghiệp nơi người đấu tranh làm việc. Triệt hạ về việc làm và đời sống người đấu tranh vẫn chưa đủ, an ninh còn tác động tới gia đình, người thân và bạn bè của người đấu tranh, gây mâu thuẫn chia rẽ trong gia đình họ, gây căng thẳng ức chế cho cuộc sống người đấu tranh. Đã có rất nhiều người đấu tranh không chịu nổi áp lực, phải từ bỏ lý tưởng của mình. Ngoài ra, an ninh Việt Nam còn tạo ra dư luận, vu khống cho người đấu tranh để hàng xóm, cộng đồng hiểu nhầm, xa lánh... Gần đây, nhờ sự mở rộng của hệ thống Internet chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh và nhận thức, chiêu trò này của an ninh đang mất dần tác dụng.
              hinh4-400.jpg
              Anh Lã Việt Dũng bị đánh chảy máu đầu. Citizen photo.
              Hành hung, câu lưu và truy tố người đấu tranh. Đỉnh cao của việc trấn áp người đấu tranh là việc hành hung, tạm giữ và truy tố họ. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, tức là khi những cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên và sôi động, việc hành hung người diễn ra rất khốc liệt và rộng khắp. Có thể nói, rất nhiều người đấu tranh đã bị hành hung. Nếu tính nam giới, thì có tới trên 70% số người tham gia đấu tranh đã từng bị hành hung. Phụ nữ cũng có một số bị đánh đập hành hung rất dã man. Có một số người bị hành hung cực kỳ dã man, bị đánh 3-4 lần, bị gãy chân, gãy tay, chấn thương nặng... việc câu lưu, tạm giữ bất hợp pháp người đấu tranh cũng diễn ra thường xuyên, nhất là các cuộc biểu tình, xuống đường của người đấu tranh. Hành vi ngăn chặn, trấn áp cao nhất và cuối cùng đối với các chiến sĩ đấu tranh dân chủ là bắt tạm giam, truy tố họ. Việc truy tố người đấu tranh dựa theo các điều khoản mơ hồ về pháp luật, yếu về chứng cứ và khi xử án thì vô cùng tùy tiện. Những vấn đề này đều được phong trào dân chủ tố cáo, lên án tới các tổ chức quốc tế, các cơ quan của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn phớt lờ tất cả, vẫn cứ thực hiện việc bắt giam, truy tố người đấu tranh một cách bình thường.
                b. Ngăn chặn và trấn áp các tổ chức xã hội dân sự và các nhóm dân oan
                  Từ năm 2011 trở lại đây, đã xuất hiện một số tổ chức xã hội dân sự và lực lượng dân oan cũng được tập hợp thành từng nhóm. Nhà cầm quyền và an ninh Việt Nam đã tìm nhiều cách ngăn cản, việc thành lập cũng như hoạt động của các tổ chức này. Việc đầu tiên an ninh ngăn chặn (và cũng ít có tổ chức nào thực hiện), đó là việc đặt, lập trụ sở của tổ chức tại một địa điểm xác thực. Đa phần là các tổ chức chỉ có địa chỉ trên Internet. Duy nhất có Hội Anh Em Dân Chủ, có một địa chỉ, cũng không trương biển hiệu mà chỉ quy ước ngầm cũng bị đánh phá và xóa sổ địa chỉ đó. Mặt khác, an ninh Việt Nam cũng ngăn chặn và đánh phá tất cả các hoạt động có sự tập trung các thành viên, hoặc các lễ kỷ niệm. Những hoạt động bề nổi, hoạt động ngoài đời của các nhóm xã hội dân sự và dân oan cũng bị gây khó khăn, cản trở và ngăn cấm. Giai đoạn 2013 đến giữa năm 2015 là giai đoạn hoạt động sôi nổi của các tổ chức xã hội dân sự. Nhưng từ giữa năm 2015 đến nay, các hoạt động của các tổ chức này tạm lắng và đi vào thế cố thủ.
                  c. Ngăn chặn và trấn áp biểu tình
                  Có thể nói rằng, với tiềm lực quốc gia giành ưu tiên cho việc duy trì chế độ độc tài toàn trị, cùng với các chiến lược chiến thuật được nêu ra trong bài viết, nhà cầm quyền Việt Nam đã tương đối thành công trong việc duy trì sự độc tôn lãnh đạo của đảng cộng sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là sau thảm họa ô nhiễm môi trường, cá chết hàng loạt bốn tỉnh miền Trung, thì sự thức tỉnh của toàn xã hội, của toàn dân đã bùng nổ. Có thể nói, nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay không chỉ đối mặt, đối phó với phong trào dân chủ nữa, mà gần như phải đối phó với toàn bộ nhân dân Việt Nam. Tất cả những tiếng nói của người dân, chưa từng tham gia phong trào dân chủ đang hàng ngày hàng giờ cất lên, cùng với ảnh hưởng và sự lan truyền của hệ thống Internet và mạng xã hội faceboook mới là những vấn đề nan giải của nhà cầm quyền và an ninh Việt Nam. Một khi lòng dân đã nổi sóng, sục sôi thì không một thế lực nào có thể níu giữ và duy trì độc quyền bằng sự đàn áp và dối trá. Ngày mà quyền lực được trả về cho nhân dân không còn bao xa nữa, khi toàn dân đã thức tỉnh và vào cuộc.
                  *Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm RFA.

                  No comments:

                  Post a Comment