Wednesday, July 20, 2016

‘Siêu ủy ban’ quản lý vốn nhà nước và thất bại của SCIC

Có lẽ để “sửa sai” từ chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa đưa ra kế hoạch sẽ thành lập “Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”. Cơ quan này còn được coi là “siêu ủy ban” nhằm mục tiêu “quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, góp phần phân bổ hợp lý và nâng cao hiệu quả và sử dụng nguồn lực xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao sức mạnh quốc gia và phúc lợi xã hội”.


Ảnh: CafeF
Dự kiến có 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ, gồm Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Tài chính, Thông tin truyền thông, Xây dựng và Y tế.
Trong danh sách này, chiếm chủ đạo là các doanh nghiệp của Bộ Công thương với 6 tập đoàn và 6 tổng công ty.
Một tổ chức phân tích tài chính là CafeF cho biết: tổng tài sản của nhóm doanh nghiệp dự kiến chuyển giao cho Ủy ban trên vào khoảng 2.2 triệu tỷ đồng – tức xấp xỉ 100 tỷ USD, tương đương gần ½ GDP của Việt Nam.
Đáng chú ý là Ủy ban mới này cũng sẽ quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp được thành lập với chức năng tương tự như của Ủy ban mới này.
SCIC được thành lập vào năm 2005, tức cách đây đến 11 năm. Vào lúc thành lập, SCIC đã được giới chức quản lý và báo chí nhà nước tung hô như một cơ quan sẽ giúp cho bộ máy quản lý tinh gọn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Tuy nhiên, khoảng thời gian tồn tại hàng chục năm qua của SCIC cũng trùng với thời gian diễn ra phong trào tham nhũng ghê gớm nhất ở Việt Nam, tồn tại dưới “triều đại Nguyễn Tấn Dũng”. Cho đến những năm gần đây, rất nhiều dư luận xã hội đã cho rằng SCIC đã không làm gì khác ngoài việc lấy vốn nhà nước đi gửi ngân hàng để lấy lãi hặc chỉ bỏ tiền vào những vụ việc mang màu sắc “trục lợi chính sách”. Trong khi đó, vốn nhà nước ở nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn đều đặn thất thoát (Vinashin, Vinalines…).
Có thể nói, việc thành lập “Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp” là một sự thừa nhận gián tiếp về thất bại của mô hình SCIC.
Trước đây, Chính phủ cũng đã từng thành lập Tổng cục quản lý vốn nhà nước, nhưng cuối cùng đã thất bại và phải giải thể.
Theo một số dư luận, việc thành lập “Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp” không chỉ “bình mới rượu cũ”, mà còn mang ý nghĩa tập quyền hơn nữa về quản lý và chi dùng tài chính cho chính phủ, và qua đó cho đảng cầm quyền, thay vì để phân tán nguồn lực tài chính ở các bộ chuyên ngành mà dễ phát sinh “cát cứ quyền lực”.
07/20/2016 - 20:14
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment