Việt Hà, phóng viên RFA 2016-07-20
Bức ảnh chụp ngày 14 tháng bảy năm 2016 trên một đường phố ở Trung Quốc, cho thấy một người đàn ông đi qua một tấm áp phích với bản đồ tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn. AFP photo
Một tuần sau phán quyết của tòa thường trực trọng tài quốc tế (PCA) trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp ở khu vực biển Đông. Trung Quốc thông báo nước này sẽ thực hiện một cuộc tập trận ở khu vực biển Đông và đã thực hiện những tuần tra trên không thường xuyên trên các thực thể đang tranh chấp với các nước. Những động thái này cho biết điều gì về chính sách biển Đông sắp tới của Trung Quốc và các nước có thể trông đợi gì về phản ứng của Mỹ.
Việt Hà phỏng vấn giáo sư Allen Carlson, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại đại học Cornell. Trước hết nhận định về những hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc ở biển Đông, giáo sư Carlson cho biết:
Theo tôi đó có thể là mở đầu của một loạt những hành động gây hấn trong phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của tòa. Nhưng thực ra còn quá sớm kể từ khi tòa ra phán quyết khoảng 1 tuần trước. Nhưng theo tôi với hành động quân sự dạng này, Trung Quốc có thể sẽ gia tăng đòi hỏi về chủ quyền bằng cách đưa ra các phản ứng mạnh mẽ hơn thay vì chấp nhận phán quyết của tòa.
Trung Quốc có xuống thang?
Việt Hà: Trong một hội thảo mới đây tại Washington DC ngay sau phán quyết của tòa PCA, một học giả Trung Quốc nói rằng Trung Quốc rất linh hoạt trong việc giải quyết các tranh chấp và có thể chấp nhận một số điểm mang tính kỹ thuật trong một số trường hợp. Liệu đây có thể coi là sự xuống thang trong chính sách biển Đông của Trung Quốc hay chỉ là lời nói nhằm xoa dịu quốc tế sau phán quyết được cho là đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế?
Bắc Kinh sẽ rất căng thẳng từ giờ trở đi và một phần trong cách ứng xử của Trung Quốc theo tôi sẽ phụ thuộc vào cách mà Philippines là nước liên quan trực tiếp trong vụ kiện và Việt Nam sẽ phản ứng thế nào.
- Gs. Allen Carlson
Gs. Allen Carlson: Theo tôi thì họ đang chơi một trò chơi 2 mức. Thứ nhất là họ phải giải thích với dân chúng trong nước. Chúng ta đã biết là có một mức độ nhất định về tinh thần dân tộc ở ngay trong Trung Quốc. Trong bối cảnh đó thì vấn đề chủ quyền khó có thể linh hoạt được. Cùng lúc đó thì Bắc Kinh đang nổi lên là một cường quốc của thế giới, một nước đóng vai trò xây dựng trên thế giới. Theo tôi, với ảnh hưởng rộng của phán quyết, nếu Bắc Kinh phủ nhận ngay lập tức thì đây sẽ là một cú đánh vào tiếng tăm của Trung Quốc trên trường quốc tế cho nên cuối cùng điều mà họ phải làm là cùng một lúc làm thỏa mãn tinh thần dân tộc đối với những đòi hỏi trước đó trong nước liên quan đến vấn đề chủ quyền, trong khi vẫn phải tỏ ra là không quá hiếu chiến trên diễn đàn quốc tế.
Việt Hà: Theo ông phán quyết này có ảnh hưởng thế nào đến tương lai chiến lược ở biển Đông của Trung Quốc trong 10 hay 20 năm nữa?
Gs. Allen Carlson: Dự đoán một tương lai dài như vậy với Trung Quốc là rất khó khăn và có nhiều điều chưa chắc chắn. Nhưng theo tôi thì sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta nhìn lại quá trình 20 năm vừa qua với những thay đổi có lợi choTrung Quốc. Thay đổi đó là sự tan rã của Liên Xô, một cường quốc ở biển mà trong suốt 3 thập niên đã làm Trung Quốc lo lắng về những vấn đề biên giới và đe dọa có thể có từ Liên Xô.
Đầu những năm 90, khi những đe dọa đó mất đi, Trung Quốc nhìn ra bên ngoài và nhìn vào khu vực biển như một hướng về sức mạnh quân sự và là nguồn năng lượng. Hướng về tương lai, xét trong bối cảnh mà Trung Quốc từ lâu đã có những đòi hỏi về chủ quyền và đang gia tăng những đòi hỏi này, hơn nữa lúc này Trung Quốc lại có khả năng để hỗ trợ những đòi hỏi này với sự phát triển của lực lượng hải quân thuộc quân đội nhân dân Trung Hoa, theo tôi đây là một phán quyết mang tính bước ngoặt và những ảnh hưởng ban đầu từ phán quyết này vẫn chưa thấy hết.
Việt Hà: Ông có nói là Trung Quốc có thể gia tăng những đòi hỏi về chủ quyền ở biển Đông. Trung Quốc cũng đã chính thức khước từ phán quyết và nói sẽ không lùi bước trước những hành động của mình ở biển Đông. Ông đánh giá thế nào về khả năng một xung đột có thể xảy ra ở đây như những gì đã xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc trước kia?
Gs. Allen Carlson: Tôi nghĩ có một khả năng riêng biệt ở đây nhất là ở mức độ mà phán quyết đưa ra khi trước đó Trung Quốc cũng đã dự đoán là phán quyết sẽ không có lợi cho họ. Nhưng cuối cùng phán quyết quá rộng. Phán quyết đã đụng chạm đến tất cả những gì mà Trung Quốc đã làm trong suốt một thập kỷ qua, từ đường đứt khúc 9 đoạn đến vùng đặc quyền kinh tế có thể thiết lập quanh các thực thể mà Trung Quốc nói là có chủ quyền lịch sử, và cụ thể hơn là những hoạt động cụ thể của Trung Quốc ở biển Đông, như hoạt động xây lấp, nạo vét bị cho là đã không quan tâm đến vấn đề môi trường ở khu vực. Tất cả những điều này đều vi phạm tinh thần của UNCLOS. Bắc Kinh sẽ rất căng thẳng từ giờ trở đi và một phần trong cách ứng xử của Trung Quốc theo tôi sẽ phụ thuộc vào cách mà Philippines là nước liên quan trực tiếp trong vụ kiện và Việt Nam sẽ phản ứng thế nào.
Mỹ sẽ làm gì?
Việt Hà: Trung Quốc mới đây tuyên bố tập trận ở biển Đông và có thể là các nước còn phải tiên liệu những hành động gây hấn khác nữa từ Trung Quốc, liệu chúng ta có thể trông đợi gì vào những hành động của Mỹ trong thời gian tới?
Gs. Allen Carlson: Hoa Kỳ trong nhiều năm qua vẫn duy trì một lập trường là không tham gia vào tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nhưng ủng hộ những biện pháp giải quyết hòa bình, và đặt chú trọng vào tự do hàng hải trong khu vực. Tôi nghĩ rằng trong vòng khoảng 6 tháng tới khó có khả năng là những nước lớn sẽ có những hành động quan trọng làm thay đổi thực trạng. Điều mà chúng ta có thể thấy nhiều hơn là những hoạt động phía sau, có thể là những đối thoại mức hai và mức ba để thảo luận và tìm ra những đồng thuận vào lúc mà phán quyết đã được ra. Nếu Bắc Kinh thực sự vẫn kiên quyết theo lập trường của mình thì theo tôi điều này sẽ kéo theo những phản ứng mạnh mẽ hơn từ Việt Nam và Philippines và điều này sẽ kéo Mỹ vào sâu hơn trong xung đột ở đây.
Việt Hà: Ông nhận định thế nào về khả năng sẽ có những thay đổi sắp tới trong chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đang tiến hành ở biển Đông?
Gs. Allen Carlson: Hoa Kỳ đang có những vấn đề nội bộ trong khoảng thời gian này. Theo tôi chính quyền của Tổng thống Obama sẽ cố gắng tránh làm những gì khiến căng thẳng tăng cao hơn. Hơn thế nữa, ai mà biết được ai sẽ là Tổng thống tiếp theo ở Mỹ. Có nhiều ẩn số còn chưa được biết rõ.
Hoa Kỳ trong nhiều năm qua vẫn duy trì một lập trường là không tham gia vào tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nhưng ủng hộ những biện pháp giải quyết hòa bình...
- Gs. Allen Carlson
Việt Hà: Ông có nói là nước Mỹ đang trong năm bầu cử. Nếu trường hợp Donald Trump, người đã từng có những tuyên bố có thể làm các đồng minh của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương như Nhật Bản và Nam Hàn phải lo ngại, được bầu làm tổng thống Mỹ, thì điều này có ảnh hưởng thế nào tới cam kết của Mỹ ở biển Đông?
GS. Allen Carlson: Donald Trump đã đưa ra những bình luận khắp nơi liên quan đến chính sách của Mỹ, chính sách của Mỹ ở châu Á. Ông ấy cũng tấn công Trung Quốc theo nhiều cách, chủ yếu là về thương mại và kinh tế. Ông không nói nhiều lắm về yếu tố quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc. Cho nên đây vẫn là một con bài ẩn. Còn nếu Hillary Clinton được bầu làm Tổng thống thì bà ấy sẽ phải đối phó cùng lúc với một loạt các tranh cãi liên quan đến Trung Quốc kể từ thời bà ta là phu nhân Tổng Thống, đến khi là Thượng nghị sĩ, rồi làm Ngoại trưởng. Thực ra đến giờ vẫn chưa rõ Bắc Kinh thích ai làm tổng thống hơn.
Việt Hà: Một số chuyên gia quốc tế cho rằng Hoa Kỳ đã không đủ mạnh trong phản ứng với Trung Quốc. Một số thượng nghĩ sĩ cho rằng Hoa Kỳ nên chủ động hơn thay vì có phản ứng sau khi Trung Quốc đã có hành động. Theo ông thì Hoa Kỳ có khả năng đưa ra những tiếp cận chủ động nào?
Gs. Allen Carlson: Tôi muốn quay lại câu hỏi về khả năng ai, Trump hay Clinton sẽ là Tổng thống. Theo tôi cả hai đều có thể có những tiếp cận more muscular đối với khu vực này so với những gì mà Tổng thống Obama đã làm trong năm trước. Liên quan đến xung đột ở biển Đông, có những biện pháp trực tiếp và gián tiếp, mà Washington có thể thực hiện. Gián tiếp là xây dựng mối quan hệ sâu hơn với Philippines và Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Không phải là xây dựng liên minh mà là tăng cường hợp tác trong một loạt lĩnh vực. Về các biện pháp trực tiếp, rõ ràng là Bắc Kinh đã từ chối phán quyết của tòa hồi tuần trước và Hoa Kỳ cảm thấy phải hành động để cho thấy sự ủng hộ của Mỹ với phán quyết này, có thể là tăng cường các hoạt động của chương trình tự do hàng hải. Nhưng ở đây cũng có điểm mỉa mai ở đây là Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS. Vì vậy khi Mỹ ở vị trí ủng hộ một thỏa thuận nhiều phía mà chính Mỹ cũng chưa phê chuẩn sẽ cho thấy vấn đề đạo đức giả.
Việt Hà: Ông nhận định thế nào về khả năng Mỹ sẽ phê chuẩn UNCLOS trong tương lai?
Gs. Allen Carlson: Theo tôi nếu Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống thì sẽ rất có ít hy vọng là Mỹ sẽ phê chuẩn UNCLOS. Còn nếu Hillary chiến thắng thì cũng khó khăn vì phải có một thay đổi lớn trong thượng viện. Điều này cũng có thế xảy ra nếu Trump không giành được nhiều sự ủng hộ trong mua thu này và có thể dẫn đến những thay đổi ở thượng viện. Điều này sẽ dẫn đến một khả năng riêng biệt là Hoa Kỳ có thể tiến tới phê chuẩn UNCLOS.
No comments:
Post a Comment