Friday, June 17, 2016

Thành phố Hồ Chí Minh : Đô thị hoá và thách thức

 Thùy Dương 
Theo RFI-17-06-2016 15:44 
 Quang cảnh thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ sông Sài Gòn. Flickr.com 
Với 10 triệu dân và tỉ lệ tăng trưởng dân số trên 3%, thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và đang có tham vọng vươn lên ngang hàng với các thành phố kinh tế lớn khác trong khu vực. Nhưng liệu TP. HCM có đủ phương tiện để hiện thực hóa tham vọng của mình hay không ? Trên đây là câu hỏi của phóng viên tự do Sabrina Rouillé, cựu tổng biên tập tạp chí L’écho des rizières của Hội Pháp Ngữ Việt Nam.
Kiểm soát quá trình đô thị hóa
Sau Đổi Mới năm 1986, rất nhiều người di cư từ nông thôn ra thành thị để tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn. Từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, di cư tới thành thị tăng nhanh chóng cùng với sự phát triển công nghiệp và dịch vụ. Bà Fanny Quertamp, đồng giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu và Dự Báo Đô Thị tại TP. HCM nhận định : Ở đâu có hoạt động kinh tế thì ở đó dần dần sẽ thu hút được nhiều nhân lực và phần lớn các khu vực này nằm ở ngoại ô thành phố. Nguồn nhân lực này không chỉ gồm có di dân từ nông thôn ra thành thị mà còn có di dân từ nội thành ra ngoại ô. Điều này gây ra áp lực về hạ tầng cơ sở và chính quyền không thể giải quyết ngay lập tức các vấn đề này vì thiếu ngân sách.
Các cuộc chuyển động dân cư này cũng tạo ra « dân số trôi nổi ». Đây là bộ phận dân số thường xuyên di chuyển giữa quê quán và TP. HCM. Họ không được tính tới khi tiến hành điều tra dân số. Theo ông Patrick Gubry, phụ trách nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Phát Triển, những người này thường làm việc ở thành phố nhưng vẫn có tên trong hộ khẩu ở nông thôn. Họ sinh hoạt và ngủ ngay tại nơi làm việc. Việc không thu thập được thông tin về bộ phận dân số này thường làm sai lệch kết quả các nghiên cứu về đô thị hóa, di cư, sự nghèo đói ở thành thị, việc làm và khu vực phi chính thức…
Sự xuất hiện của các khu vực dân cư sống tạm bợ và thiếu trang thiết bị đã dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về điều kiện vệ sinh và giao thông vận chuyển. Vì thế sự phát triển các khu vực này phải đi đôi với việc tài trợ các thiết bị, dịch vụ và xây dựng cơ sở hạ tầng (cung ứng nước sạch, vệ sinh, thu gom và xử lý rác thải, giao thông, trường học, bệnh viện…)
Theo đường lối phát triển chính, thành phố chủ trương mở rộng và hiện đại hóa khu vực nội thành, xây dựng các khu đô thị mới, tăng cường hệ thống giao thông công cộng.
Thủ Thiêm - dự án đầu tàu
Sau Đổi Mới, nhu cầu tăng trưởng và mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài đã kéo theo sự phát triển về xây dựng và đẩy giá bất động sản tăng cao. Thành phố đã chủ trương tái quy hoạch khu vực nội thành và xây dựng các thành phố vệ tinh với các khu đô thị hiện đại như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm. Dự án này như một tín hiệu cho các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp quốc tế lớn thấy TP. HCM có khả năng trở thành một trung tâm kinh tế tài chính quốc tế hấp dẫn.
Dự án khu đô thị siêu hiện đại Thủ Thiêm sẽ biến khu vực nông thôn, sình lầy chủ yếu với các hoạt động nuôi cá có diện tích 657 ha ven bờ sông Sài Gòn thành một trung tâm tài chính, thương mại và dân cư cao cấp với 130.000 người sinh sống và 220.000 người tới làm việc hàng ngày. Một cây cầu và một đường hầm đã được xây dựng để kết nối Thủ Thiêm với phần còn lại của TP. HCM. Bốn cây cầu khác và một tuyến tàu điện ngầm cũng đang trong giai đoạn thi công hoặc đang nằm trong quy hoạch. Chính quyền cũng dự kiến xây dựng các tuyến phà, taxi đường sông và các tuyến xe buýt.
Do 65% diện tích nằm thấp hơn mực nước biển 1,5 mét và bị ngập lụt theo chu kỳ, thành phố sẽ phải đặc biệt lưu ý đến các tác động của biến đổi khí hậu khi xây dựng chính sách phát triển đô thị. Và trong dự án Thủ Thiêm, sẽ có rất nhiều điểm mới : Thủ Thiêm sẽ có vành đai xanh chạy dọc bờ sông ; sẽ có nhiều không gian chung, đặc biệt là cho người đi bộ.
Tuy nhiên, hiện tại, những trở ngại về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ thi công dự án Thủ Thiêm.
Hệ thống giao thông đầy tham vọng
Từ năm 2003 đến năm 2013, số lượng xe cơ giới tham gia lưu thông đã tăng gấp ba lần. Việc cải thiện mức sống của các hộ gia đình và việc xuất hiện một tầng lớp trung lưu mới đã khiến số lượng xe ô tô tăng vọt. Bên cạnh đó, số lượng xe máy cũng không ngừng tăng. Vì vậy, tình trạng tai nạn đường bộ, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Một thách thức lớn đặt ra là chính quyền phải khuyến khích được người dân dùng các phương tiện giao thông công cộng. Muốn thế, phải đa dạng về phương tiện, hấp dẫn về giá cả, đảm bảo an toàn và giao thông thông suốt. Song hiện nay, hệ thống giao thông công cộng gồm 100 tuyến xe bus cũng chỉ mới đáp ứng được 7% nhu cầu đi lại của người dân thành phố.
Chính quyền đề ra mục tiêu đến năm 2030, giao thông công cộng phải chiếm 60%, triển khai được 8 tuyến tàu điện ngầm cao tốc và 6 tuyến xe bus cao tốc. Tuyến tàu điện ngầm cao tốc đầu tiên được Cơ quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản đầu tư phần lớn, đang trong giai đoạn xây dựng theo công nghệ Nhật Bản và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2020. Ngân Hàng Thế Giới cũng đã đồng ý cho vay vốn để xây dựng tuyến xe bus cao tốc đầu tiên. Còn cơ quan Hợp Tác Đức, ngân hàng Châu Á Phát Triển và ngân hàng Đầu Tư Châu Âu thì hợp tác tài trợ xây dựng tuyến xe bus cao tốc thứ 2.
Do số vốn đầu tư 18 tỉ USD vượt xa ngân sách của thành phố, chính quyền phải huy động thêm nguồn vốn tư nhân.
Ngoài hạn chế về tài chính, chính quyền còn phải đối mặt với các vấn đề về quỹ đất, thu hồi đất và bồi thường, xác định địa điểm xây dựng các tuyến đường, các điểm dừng đỗ xe, bến bãi.
Thành phố cũng đã tính tới hệ thống taxi điện để giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí nhiên liệu. Tập đoàn Mai Linh đã ký thỏa thuận với nhà phân phối chính thức của hãng Renault tại Việt Nam để mua 5.000 ô tô điện Renault trong vòng 3 năm và dự kiến nhập khẩu 10.000-20.000 ô tô điện của hãng này trong vòng 5 năm tới.
Câu hỏi bảo tồn di sản kiến trúc
Hiện đại hóa thành phố có thể ảnh hưởng tới việc bảo tồn các di sản kiến trúc. Kiến trúc hiện đại, các tòa nhà chọc trời sẽ làm thay đổi cảnh quan đô thị. Ngay cả các công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc và đã được xếp hạng di tích lịch sử như trụ sở UBND thành phố, Nhà Hát Lớn và Bưu Điện cũng như nhiều ngôi nhà cổ được xây theo phong cách kiến trúc Pháp cũng không tránh khỏi bị phá dỡ. Tuy nhiên, năm 2012, UBND TP. HCM đã xây dựng chương trình bảo tồn di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị, bảo tồn các biệt thự tuyệt đẹp ở quận 1 và quận 3 cũng như kho di sản Khu phố Tàu Chợ Lớn.

No comments:

Post a Comment