Friday, June 17, 2016

Biển Đông: Trung Quốc ngang ngược, Việt Nam im lặng

HÀ NỘI (NV) - Chỉ mới có Hội Nghề Cá Việt Nam lên tiếng phản đối các tàu công vụ của Trung Quốc uy hiếp tàu đánh cá của Việt Nam, buộc ngư dân phải nộp hết hải sản đã đánh bắt được. 

Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cập cảng Sa Kỳ trong tình trạng hỏng nặng vì bị tấn công ở Hoàng Sa. (Hình: Zing)

Hôm 15 Tháng Sáu, Hội Nghề Cá Việt Nam phát hành một văn bản, tường thuật hai vụ tấn công do các tàu Trung Quốc thực hiện trước đó cả tuần đối với hai tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tại Biển Đông.

Ngày 7 Tháng Sáu, các tàu công vụ của Trung Quốc đã đuổi một tàu đánh cá mang số hiệu QNg 95193, do ông Nguyễn Trung Kiên, ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm thuyền trưởng ra khỏi vùng biển cách đảo Bom Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng năm hải lý. Sau đó cũng những tàu công vụ này của Trung Quốc dùng vòi rồng xịt vào con tàu đánh cá có 14 người. Vòi rồng đã khiến 2/14 ngư dân của tàu đánh cá QNg 95193 bị thương.

Ba ngày sau, hôm 10 Tháng Sáu, bốn tàu công vụ mang các số hiệu 589, 3103, 35101, 64501 của Trung Quốc tiếp cận một tàu đánh cá khác của Việt Nam mang số hiệu QNg 90657, do ông Nguyễn Văn Phú, cũng ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm thuyền trưởng, ra khỏi vùng biển cách đảo Bom Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 14 hải lý.

Nhân viên thi hành công vụ của Trung Quốc đã leo lên tàu đánh cá QNg 90657, buộc ngư dân Việt Nam phải chuyển sáu tán hải sản mà họ đã đánh bắt được trong chuyến hải hành kéo dài 21 ngày sang tàu Trung Quốc. Trong ba giờ vận chuyển hải sản sang tàu Trung Quốc, nhiều ngư dân Việt đã bị đánh vì “chậm chạp.”

Cưỡng đoạt xong hải sản, nhân viên thi hành công vụ của Trung Quốc còn tịch thu nhiều thiết bị (máy định vị, radar tầm ngư, hệ thống liên lạc vô tuyến, các bộ đàm), nhiên liệu (năm phuy dầu), đồ lặn, hủy hoại nhiều ngư cụ (dây dẫn hơi, dây neo)... rồi bỏ đi.

Dù cách hành xử của nhân viên thi hành công vụ Trung Quốc hết sức ngang ngược nhưng chính quyền Việt Nam chưa có ý kiến. Chỉ có Hội Nghề cá Việt Nam “phản đối những hành động ngang ngược, phi nhân này,” đồng thời “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái, đồng thời bồi thường thiệt hại về tài sản và các tổn thương cho ngư dân Việt Nam.”
Hội Nghề Cá Việt Nam cũng đã đề nghị các cơ quan hữu trách “phản đối và có biện pháp ngăn chặn hành động phi lý và ngang ngược của Trung Quốc, hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Hai ngày sau bản phúc trình của Hội Nghề Cá, ngày 17 Tháng Sáu, trang thông tin Zing cho hay, trong lúc hành nghề lặn ở vùng biển Hoàng Sa, tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi lại bị một tàu nước ngoài bất ngờ tấn công, rượt đuổi, đâm vỡ mạn tàu.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi đã báo cáo cơ quan chức năng về việc tàu cá QNg 95821 TS của ông Nguyễn Tuất (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bị tàu nước ngoài ngăn cản, rượt đuổi, đâm vỡ mạn ở vùng biển Hoàng Sa.

Theo nguồn tin Zing kể lại, chiều 16 Tháng Sáu, ông Tuất cùng bảy ngư dân hành nghề cách đảo Bông Bay thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 9 hải lý về hướng Bắc thì bất ngờ bị tàu nước ngoài mang số hiệu 31102 ngăn cản, tông mạnh nên bị vỡ mạn phải.

Cần nhắc lại rằng, “lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông” của Trung Quốc đang có hiệu lực. Lệnh này vẫn được Trung Quốc công bố hàng năm và “có hiệu lực” từ 16 Tháng Năm đến 1 Tháng Tám.

Hồi thượng tuần Tháng Năm, một viên thứ trưởng của Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc từng tuyên bố sẽ tổ chức thực thi nghiêm ngặt lệnh cấm đó và hai lực lượng: Hải cảnh, kiểm ngư của Trung Quốc sẽ đảm trách chuyện này. Năm nào, Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng phủ nhận “lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông” vì nó ngang ngược, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Tuy nhiên việc phủ nhận “lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông” chỉ ngừng ở mức... tuyên bố. Trừ việc khuyến khích ngư dân Việt tiếp tục ra biển đánh bắt hải sản để khẳng định chủ quyền, chính quyền Việt Nam chưa bao giờ thực thi bất kỳ hành động cụ thể nào tại Biển Đông để vô hiệu hóa “lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông” của Trung Quốc.

Đó cũng là lý do ngư dân Việt Nam trở thành mục tiêu cho các tàu công vụ của Trung Quốc săn đuổi, tấn công, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, kể cả tước đoạt tính mạng của họ. (G.Đ)

17-06-2016 2:49:04 PM 

No comments:

Post a Comment