Friday, June 17, 2016

Câu chuyện nỗ lực bảo vệ công lý của một người nông dân

Thanh Trúc, phóng viên RFA 2016-06-17  
kim-hoa-622.jpg
Bà Phan Thị Kim Hoa -Courtesy 
Lấy bằng cử nhân luật ở tuổi 55
Câu chuyện hôm nay về bà Phan Thị Kim Hoa, một người học hành dở dang từ 1975, về quê làm ruộng để mưu sinh, những bất công mà bản thân và gia đình phải gánh chịu là động lực thôi thúc bà học cho được bằng cử nhân Luật để bảo vệ công lý cho chính mình và cho người chung quanh:
“Qua báo chí thì tôi được biết cô Phan Thị Kim Hoa và tôi rất cảm phục. Trong chuyến đi miền Tây tôi có ghé thăm, tặng cô một ít sách về luật pháp và về khuyến học. Tôi nghĩ cô Kim Hoa là một tấm gương cho những người dân ở nông thôn, đặc biệt cho những người trẻ ham học. Dù là trong hoàn cảnh còn khó khăn như bản thân là người nuôi vịt,bán trứng vịt, bán chuối, mà vẫn cố gắng vượt hàng chục kilômét để đến lớp và lấy được bằng cử nhân luật ở độ tuổi 55. Tôi hy vọng cô Kim Hoa là động lực để cho nhiều người vươn lên trong cuộc sống và giúp đỡ những người chung quanh.”
Đó là nhận xét của bạn Trần Thiện Tùng đang làm trong ngành truyền thông và cũng là người sáng lập Không Gian Đọc, một hệ thống thư viện miễn phí trong nước.
Từ xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, bà Lê Thị Tám, giáo viên đã về hưu:
Nông dân ít am hiểu về pháp luật mà chị Hoa giúp cho người ta như vậy không phải là chuyện thừa đâu. Theo tôi đó là điều đáng quí.
-Bà Lê Thị Tám
“Tôi với chị Hoa cùng quê. Chị Hoa là người thông minh, trong quá trình học tập chị rất nỗ lực. Chị làm nông và chăn nuôi, nhưng cái đáng quí nhất là chị đi học Đại Học Luật. Phải nói là một con người giàu nghị lực, cuộc sống của chị và gia đình của chị có nhiều vướng vấp về pháp lý, từ đó chị mới nẩy sinh là phải tự học, tự biết để tự cứu lấy bản thân. Sau khi đã nhận văn bằng luật rồi thì chị lại giúp đỡ những người chung quanh. Ai nghèo mà cần hỗ trợ về mặt pháp lý thì chị Hoa đều giúp bằng cái khả năng chị có. Tôi nghĩ tới giờ phút này chắc chị cũng chưa nhận tiền bạc gì của ai tại vì người chị giúp cũng là người khó. Nông dân ít am hiểu về pháp luật mà chị Hoa giúp cho người ta như vậy không phải là chuyện thừa đâu. Theo tôi đó là điều đáng quí.”
Đến với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay, bà Phan Thị Kim Hoa cho biết trước năm 1975 bà là học sinh trường Nữ Trung Học Gia Long. Khi đó, thân phụ bà làm việc trong trường tư thục Tương Lai ở thành phố Sài Gòn. Chưa học hết Cấp Ba thì biến cố 30 tháng Tư 75 ập đến, các trường tư trong thành phố đều bị đóng cửa, gia đình cô nữ sinh Kim Hoa về quê làm ruộng, bắt đầu những ngày tháng vất vả và những vướng mắc về luật lệ mới:
“Về quê ở xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Coi như vườn ông bà để lại nhưng những năm chiến tranh bị bỏ hoang, mình phải khai hoang phục hóa rất là vất vả.”
Năm 1984, bà Kim Hoa trở thành cô giáo của Trường Mẫu Giáo Thạnh Nhựt:
“So với thời điểm năm 84 trong xóm ấp mình tương đối có trình độ tí xíu thì địa phương kêu gọi mình tham gia Lớp Mẫu Giào, lương một tháng được một giạ lúa tức một tháng chỉ có 20 kilôgram lúa thôi chứ không được tiền. Tới năm 85 người ta đưa đi học Trung Hoc Sư Phạm Tiền Giang, tới năm 86 ra trường. Đến năm 87 tôi thi lấy được bằng gọi là tốt nghiệp Bổ Túc Văn Hóa Cấp Ba.
Điều hãnh diện cho tôi thời điểm đó là toàn huyện Gò Công Tây , 7 phòng thi, 175 thí sinh đợt đó chỉ đậu có 7 ngưởi, tôi là một trong 7 người đó.”
Đến năm 1989, chính quyền địa phương trưng thu một hectare đất canh tác của gia đình bà Kim Hoa:
“Một hectare là 10.000 mét vuông, đất của ông bà mình mà ngưởi ta nói cần mở rộng nông trường thì người ta lấy thôi.”
Năm 1999, vì hoàn cảnh gia đình, Bà Phan Thị Kim Hoa xin nghỉ dạy. Năm 2003, sóng gió một lần nữa kéo đến khi em trai bà, vốn bệnh tâm thần, bị tai nạn giao thông:
“Năm đó trong lúc em tôi đi xe đạp thì có một người đi xe Dream uống rượu xỉn đụng vô em tôi. Em tôi té, người đi xe Dream cũng té đập đầu xuống lộ chấn thương sọ não rồi chết.
Thấy người ta chết thì mình cũng có bán một ít đất đền cho người ta. Sau khi chôn người đó 18 ngày công an mời, mình nghĩ đó là sai bởi nếu em tôi lỗi thì phải mời ngay lúc đầu chứ có đâu sau khi chôn 18 ngày mới gọi gia đình tôi xuống, buộc phải bồi thường rồi đưa ra tòa. Tôi có kháng án về tỉnh thì tỉnh vẫn buộc gia đình tôi phải bồi thường.
Thời điểm đó tôi có nhờ luật sư, luật sư coi hồ sơ thì cái mức nồng độ cồn vượt 4 lần mức cho phép, như vậy đúng ra là lỗi của người xe Dream chứ không phải lỗi của em mình nhưng mà người ta xử ép. Lúc đó cha tôi phải bán một công ruộng 1.000 mét vuông để lấy tiền đến cho người ta.”
kim-hoa-400.jpg
Bà Phan Thị Kim Hoa. Courtesy photo.
Năm 2007, người em trai của bà Kim Hoa bị đánh chết khi đi thăm nuôi thân phụ tại bệnh viện thị xã Gò Công:
“Tháng Sáu năm 2007 thì ba tôi mất, tới ngày 26 là 10 ngày sau thì chiều em tôi đi lang thang thì bị một nhóm 7 thanh niên có tánh cách như côn đồ đánh thằng nhỏ rồi lôi lên xe Honda chạy tới công an. Theo tôi nghĩ lúc đó em tôi không còn đi được nên nó mới để lên xe chở đi.”
Khi tới đồn công an, bà Kim Hoa kể tiếp, người trưởng công an không nhận mà bảo phải chở đi nơi khác:
“Mà có lời khai là họ lôi em tôi từ trong phòng công an ra hàng hiên công an, rồi khiên từ hàng hiên công an ra hành lang ủy ban, bỏ nằm một đêm ở đó. Sáng lại nó khiên từ hành lang ủy ban bỏ xuống cái nền xi măng của phòng lực lượng dân quân. Tới xế chiều họ mới cho gia đình hay thì gia đình đưa em tôi lên bệnh viện Tiền Giang. Ngày đánh là 26 nhưng tới 27 mới đưa đi Tiền Giang, 28 chuyển lên Chợ Rẫy thì tới 30 tây là em tôi mất.”
Vụ việc người em bị đánh chết sau đó đã không được giải quyết đến nơi đến chốn dù gia đình bà Kim Hoa có nhờ luật sư can thiệp. Những chi tiết khai báo không rõ ràng trong quá trình điều tra khiến bà cảm thấy uất ức.
“Kết luận của vụ án nói là em tôi tự đụng đầu vô cửa sắt té bật ngữa ra rồi gãy cột sống cổ. Qua 3 phiên tòa sơ thẩm thì bản án “ghi nhận sự tự nguyện của các bị can bồi thường gia đình là 19 triệu hai ngàn.
Tôi không đồng ý tôi kháng án về tỉnh, tòa tỉnh gởi giấy triệu tập ngày 8 tháng Bảy 2008 xử phúc thẩm, kết luận vụ án là “chưa đúng tội danh và bỏ lọt tội phạm”.
Phải tìm hiểu luật, phải đi học luật để biết đâu là “chưa đúng tội danh và bỏ lọt tội phạm” , bà Kim Hoa cương quyếtđi học Luật để giải tỏa sự oan sai về cái chết của em trai bà:
“Đúng là sau vụ án của em tôi thì tôi quyết định đi học Luật bởi tôi suy nghĩ chính bản thân mình có một chút hiểu biết mà còn lêch lạc còn trù dập còn sai cỡ đó thì đối với những người dân đen khác, nói thẳng ở nông thôn sự hiểu biết hạn hẹp, thì sẽ như thế nào. Mình muốn học để tự gỡ án cho em mình và mình giúp những người chung quanh.”
Bốn năm vừa buôn bán ngoài chợ vừa một tuần 2 ngày vượt đường xa đi học, bà Phan Thị Kim Hoa đã lấy được bằng cử nhân Luật:
“Tôi tự lên tới Trung Tâm Giáo Dục Tiền Giang nhưng mà liên kết với Đại Học Cần Thơ, trên đó chỉ yêu cầu mình có bằng tốt nghiệp Cấp Ba là người ta chấp nhận.
Thứ Bảy, Chúa Nhật từ Gò Công Tây lên điểm học là khoảng 30 cây số. Sáng phải xuống chợ dọn hàng gởi bạn hàng kế bên bán giùm. Giảng viên của Đại Học Cần Thơ qua Tiền Giang để dạy. Tốt nghiệp thì tôi chỉ nằm ở hàng trung bình chứ không được nằm ở hàng giỏi, thời gian học bài mình không có nhiều. Có một cái là trong quá trình học 4 năm mình cũng có giúp đỡ một số người về mặt pháp lý.”

Lời kêu cứu của nông dân

Ngày 3 tháng Sáu năm 2015 bản tin về một phụ nữ nông thôn là bà Kim Hoa đã cố học để trở thành luật sư được đăng trên báo địa phương Ấp Bắc. Đây cũng là lúc bà bắt đầu đối diện với món nợ không trả nỗi cho chủ nhân một công ty đại lý bán thức ăn cho vịt tại Chợ Gạo, Tiền Giang. Bà Kim Hoa đã lấy hàng của ông này để bán trong 11 năm, nhưng rủi thay trong thời gian bộc phát dịch gia cầm thì việc buôn bán thua lỗ, bà bị lún nợ chưa thể thanh toán hết nên phải hạn chế cất hàng về:
Bây giờ người ta mua Luật Pháp bằng tiền, mua được bằng rất nhiều tiền. Nông dân ở đây giờ rất khổ, tôi muốn gom góp lại những cái mình tìm hiểu được để đưa lên Lời Kêu Cứu Của Người Chăn Nuôi.
-Bà Phan Thị Kim Hoa
“Đến năm 2008 vì chuyện chăn nuôi không được suôn sẻ do đó mới phát sinh nợ. Có nghĩa là người mua thiếu nợ mà mình không gánh được nên mới phát sinh nợ với ông chủ. Bắt đầu ông này âm thầm tăng giá, đưa qua giá bán lẻ mà giá cao luôn.
Như vậy kéo dài 4 năm, sau đó ông tính lời lãi rồi lãi nhập vốn hàng tháng. Ở bên đây khổ lắm, không tiền mà đưa ra chính quyền mà mình đương thiếu nợ người ta thì mình thua 100% luôn. Do đó lúc nào có lãi thì trả nợ, lúc nào không có lãi thì phải chịu thôi mà ông cứ lãi nhập vốn. Lúc đó mình cũng không nghĩ ra là lãi cấp số nhân.”
Kịp đến khi đi hỏi thăm và tìm hiểu với những người cũng hoàn cảnh nặng nợ như mình, bà Kim Hoa mới nhận thức được là người chủ công ty thực phẩm cho vịt ăn ở Chợ Gạo, đã đưa bà ra tòa vì tội thiếu nợ, cũng đã xử ép như thế với rất nhiều người làm đại lý cho ông ta và cũng rất nhiều người bị nặng nợ như trường hợp của bà:
“Ông tính kiện tôi là 247 triệu 148 ngàn tiền Việt Nam, trong đó phần lãi là 47 triệu. Còn phần ông tính chênh lệch từ giá sỉ qua giá lẻ thì tôi cộng ra là 7.190 bao thức ăn. Nếu ông làm ăn thật thà thì mình không đến đỗi như vậy.
Tới chừng đó mình đi tìm hiểu đúng ra ngày xưa mình quá thiệt, mình nghĩ người làm ăn lớn là không xảo trá điêu ngoa. Nhưng tới khi mình đi tìm lên tới địa phương của ông là ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo thì người ta mới nói ở đây người ta chết hết về tay ông rồi. Và bây giờ ở Thanh Nhựt thì tôi là người thứ ba.
Khi ra tòa huyện đối chất thì vợ ông có cộng sai và ngưởi làm công của ông ém tiền, có nghĩa là mình trả cho ông 6 triệu thì nó đem về ghi sỗ có 5 triệu thôi.”
Tắt một lời, khi đã có ít kiến thức về luật và tìm biết được cung cách tính lời lãi không minh bạch của chủ công ty phân phối thực phẩm gia súc ở Chợ Gạo, bà Kim Hoa, nay là cử nhân luật, chợt hiểu sở dĩ bà mang nợ một phần cũng là do giá cả trên thị trường không bao giờ được điều chỉnh và được quản lý.
Bà tìm cách kháng án món nợ hơn 240 triệu chưa trả xong, đồng thời còn trợ giúp pháp lý cho khoảng hơn 20 người đang lâm vào hoàn cảnh nợ nần đối với công ty này như bà:
“Trong phần kháng cáo tôi có ghi là yêu cầu ông Tâm tính lại giá sỉ của 1.790 bao thức ăn. Điểm thứ hai là trong giao dịch này đã có lãi thì không tính lãi được nữa. Cách tính lãi không phú hợp với Ngan Hàng của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”
Phiên tòa đã diễn ra rất chóng vánh và giữ nguyên quyết định bà Kim Hoa phải trả hết số tiền nợ hơn 240 triệu đồng cho công ty ở Chợ Gạo:
“Từ mở phiên tòa cho tới giới thiệu thành phần rồi đọc bản cáo trạng, thẩm vấn đôi bên rồi ý kiến của Viện Kiểm Sát mà chỉ có 30 phút thôi, coi như kết luận đã có sẵn trước khi ra tòa.”
Từ chỗ này, bà Phan Thị Kim Hoa khẳng định bà vẫn tiếp tục tự bào chữa cho mình cũng như bảo vệ quyền lợi cho những con nợ khác đang bị thiệt thòi như bà:
“Tôi sẽ theo khả năng những gì mình có thể làm được. Trước tôi đã biết bao nhiêu người chết vì ông và sau tôi nếu không làm sáng tỏ vụ này ra thì sẽ bao nhiêu người chết nữa. Ông này từng lấy nhà lấy đất người ta. Thậm chí cái nhà ông lấy của người ta và người ta không có chỗ ở, xin ở lại trong nhà mỗi tháng phải trả tiền nhà 500.000.”
Câu hỏi sau cùng là bà có tin vào việc kháng án nữa hay không. Bà Kim Hoa trả lời là một người học Luật thì bà vẫn tin tưởng vào công lý, nhưng:
“Ở đây tòa chỉ là một cái chỗ để chung chi thôi chứ không phải là cái chỗ để xét xử. Tôi đã viết hai bài rồi, tôi định nhớ báo đưa lên với cộng đồng xã hội. Một bài tôi đang viết là Lời Kêu Cứu Của Nông Dân. Tôi đã nhờ một báo mạng là báo Saigon Mới, còn ở đây thì tôi đang nhờ báo Pháp Luật đưa lên.
Bây giờ người ta mua Luật Pháp bằng tiền, mua được bằng rất nhiều tiền. Nông dân ở đây giờ rất khổ, tôi muốn gom góp lại những cái mình tìm hiểu được để đưa lên Lời Kêu Cứu Của Người Chăn Nuôi.”
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm chấm dứt ở đây. Thanh Trúc kính chào và hẹn tái ngộ thứ Năm tuần tới.

No comments:

Post a Comment