Friday, June 17, 2016

‘Muốn xử con quan phải thay đổi cơ chế’

Theo BBC-15-06- 2016
‘Muốn xử con quan phải thay đổi cơ chế’

Luật sư Trần Quốc Thuận nói “việc bổ nhiệm con cán bộ là hình thức phong kiến mới”
Một nhà quan sát bình luận với BBC về chuyện con cán bộ được bổ nhiệm ‘đúng quy trình’.
Báo Việt Nam đang đồng loạt đưa tin về vụ cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng bị chất vấn về việc đưa con trai là Vũ Quang Hải vào các vị trí lãnh đạo bộ và doanh nghiệp từ 2011 tới nay.
Hôm 15/6, con trai cựu bộ trưởng trả lời chất vấn và nói ông được bổ nhiệm ‘đúng quy trình’ khi được đưa vào một tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước.
Ông Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời báo Tuổi Trẻ: “Tôi chỉ là người làm thuê cho Sabeco thôi, hoàn toàn rất đúng quy trình, chứ không phải bố bổ nhiệm con.”
Trong lần bổ nhiệm mới nhất hồi tháng 2/2015, ông Hải, sinh năm 1986, được đưa vào vị trí Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bia Sabeco, một trong những tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước.
Báo chí lúc đó đưa tin nhưng không đặt nghi vấn.
‘Tư bản phong kiến’
Hôm 15/6, trả lời BBC, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói: “Chuyện bổ nhiệm con cán bộ vào các chức vụ cao cấp đã có nhiều năm nay, nhất là trước Đại hội 12”.
“Nổi cộm nhất là phải nhắc đến trường hợp hai con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
“Mấy ngày nay rộ lên trường hợp ông bộ trưởng trực tiếp bổ nhiệm con mình thì chuyện đó lộ liễu quá”.
%image_alt%
Hiệp hội Đầu tư Tài chính Việt Nam chất vấn cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng về việc bổ nhiệm con trai vào các vị trí quan trọng
“Tất nhiên là những trường hợp bổ nhiệm đó không bình thường thì người ta mới đặt vấn đề, chứ thông qua thi tuyển, tranh cử thì chẳng ai nói làm gì”, luật sư cho biết thêm.
“Có thể nhìn nhận hình thức bổ nhiệm con cán bộ là đặc quyền đặc lợi, cha truyền con nối, hay là tư bản phong kiến tại Việt Nam”.
“Những trường hợp này thường thì sau khi công luận ồn ào thì không thấy làm gì rốt ráo. Tôi hy vọng là lần này họ điều tra và xử lý tới nơi tới chốn, từ trên xuống dưới”.
“Ở Việt Nam thì dễ xảy ra tình trạng đánh trống bỏ dùi lắm, người dân đang chờ, nếu đưa ra mà không xử lý thì mất lòng tin của người dân vào chế độ”.
Ông Thuận nói thêm: “Việc bổ nhiệm con cán bộ thường được cho là đúng quy trình. Có thể hiểu đó là việc đưa qua đưa lại, cuối cùng thì nhận xét của cấp ủy thấy không có vấn đề gì thì bổ nhiệm”.
“Cái gì mà không đúng quy trình, nhưng đằng sau đó có chuyện bôi trơn, bè phái”.
“Thực tế thì cơ chế giám sát những trường hợp này chỉ mang tính hình thức thôi, chẳng có giá trị gì. Vì những người giám sát, ngay cả các đại biểu Quốc hội cũng là cấp dưới lãnh đạo cả thì sao dám vượt ý kiến cấp trên được?”.
“Muốn có liều thuốc mạnh tay xử lý chuyện này thì phải thay đổi cơ chế, có tự do báo chí, tự do ngôn luận. Chứ như cơ chế bây giờ thì chẳng đi đến đâu”.
Đề cập về trường hợp con cán bộ tự nguyện từ chức trong danh dự, luật sư nói: “Ở Việt Nam thì chưa có tiền lệ này, ngoại trừ trường hợp cách đây vài năm của cô con gái Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng ‘thôi chức’ chủ tịch Vinaconex”.
“Còn với những trường hợp khác thì công luận càng nói thì con họ càng lên chức”.

No comments:

Post a Comment