Friday, June 17, 2016

Chiến đấu cơ hiện đại của Mỹ đến Philippines để huấn luyện

Phi cơ cường kích kiêm tác chiến điện tử EA-18G.
Phi cơ cường kích kiêm tác chiến điện tử EA-18G.
VOA-17.06.2016
Hải quân Mỹ hôm 16/6 cho biết đã điều 4 phi cơ cường kích kiêm tác chiến điện tử E/A-18G và 120 nhân viên phụ trợ đến Philippines để giúp huấn luyện cũng như tuần tiễu không phận và các tuyến hàng hải của Philippines.
Phi đội đã đến Căn cứ Không quân Clark ở phía bắc của Manila hôm 15/6. Hải quân Mỹ ra tuyên bố nói rằng “Các phi cơ này sẽ trợ giúp các cuộc hành quân thường lệ tăng cường cho việc giám sát mặt biển trong khu vực và bảo đảm việc tiếp cận các vùng trời và vùng biển theo luật pháp quốc tế”.
Chiến đấu cơ EA-18G là loại vũ khí rất mạnh. Hãng sản xuất Boeing nói nó là loại phi cơ cường kích kiêm tác chiến điện tử tiên tiến nhất trên thế giới duy nhất được sản xuất hiện nay.
Hạm đội 7 của Mỹ nói việc triển khai phi đội này là một phần trong lực lượng không quân được Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương lập ra hồi tháng Tư để thúc đẩy sự hợp tác về phối hợp hành quân và an ninh giữa Mỹ và Philippines vào lúc căng thẳng do tranh chấp ở Biển Đông giữa Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác đang ngày càng tăng.
Trước đó, Mỹ và Philippines cũng đã tổ chức huấn luyện không quân trong 10 ngày hồi tháng 4. Sau cuộc huấn luyện này, 5 phi cơ tấn công mặt đất A-10, 3 trực thăng H-60G và 1 phi cơ MC-130H phục vụ các phi vụ đặc biệt đã ở lại Căn cứ Clark cùng 300 nhân viên phi hành đoàn.
Năm nay, Washington và Manila đã tăng cường quan hệ quốc phòng với việc thực thi Hiệp định về Tăng cường Hợp tác Quốc phòng theo đó cho phép Mỹ triển khai luân phiên binh sỹ ở Philippines lâu dài.
Trước khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động cải tạo các thực thể ở những vùng tranh chấp trên Biển Đông trong những năm gần đây, việc triển khai quân của Mỹ có thể gây ra phản ứng bất bình ở Philippines. Tuy nhiên, dù vẫn còn những người có thái độ chống Mỹ, song tình cảm đó dịu đi vì những mối lo về sự bá quyền của Trung Quốc ở khu vực, bao gồm cả việc Trung Quốc giành lấy bãi cạn Scarborough từ Philippines vào năm 2012.
Theo Forbes, SCMP.

No comments:

Post a Comment