Monday, June 6, 2016

Biển Đông: Trung Quốc mềm mỏng 'bất thường'

MANILA (NV) - Chuyện các tàu đánh cá của Philippines có thể vào vùng biển quanh bãi Scarborough để đánh bắt cá mà không bị lực lượng hải cảnh của Trung Quốc ngăn cản, quấy nhiễu đang gây ra nhiều đồn đoán.

Scarborough là một bãi đá ở quần đảo Trường Sa do Phjilippines kiểm soát vì nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Scarborough cách bờ biển Trung Quốc 472 hải lý trong khi chỉ cách bờ biển Philippines 124 hải lý nhưng Trung Quốc tuyên bố bãi này thuộc vùng biển bất khả tranh biện về chủ quyền của họ. 

Bãi Scarbourough với quốc kỳ Philippines. Bãi này bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 2012.

Năm 2012, Trung Quốc cưỡng đoạt bãi Scarbourough từ tay Philippines giống như đã từng cưỡng đoạt nhiều bãi đá khác tại quần đảo Trường Sa từ tay Việt Nam. Đó là giọt nước làm tràn ly, khiến Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông tại Tòa Trọng tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, dựa trên những nguồn tin thân cận với giới chỉ huy quân đội Trung Quốc, South China Morning Post – một nhật báo tại Hồng Kông, loan báo, Trung Quốc sẽ bồi đắp bãi Scarborough thành đảo nhân tạo, giống như với bảy bãi đá khác ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc từng cưỡng đoạt của Việt Nam.

Cần lưu ý rằng, suốt từ năm 2012 đến nay, các tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc thường xuyên ngăn cản không cho các tàu đánh cá của Philippines hoạt động gần bãi Scarborough. Thậm chí đã có một số lần, hải cảnh Trung Quốc tràn qua tàu đánh cá của Philippines cướp sạch hải sản, đập phá ngư cụ.

Đó cũng là lý do hồi tháng 4 năm ngoái, tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26, Tổng thống Philippines kêu gọi các nguyên thủ quốc gia trong khối ASEAN ra một tuyên bố chung lên án các hành động đơn phương mang tính khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông.

Còn Trung Quốc thì giải thích, sở dĩ hải cảnh Trung Quốc tấn công ngư dân Philippines vì hoạt động của ngư dân Philippines đã tác động đến “an toàn và trật tự” của bãi Scarbourough. Tuy Trung Quốc cưỡng đoạt bãi Scarbourough từ tay Philippines nhưng sau khi hải cảnh Trung Quốc tấn công ngư dân Philippines ở bãi Scarbourough, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Philippines “giáo dục và kiểm soát ngư dân tốt hơn để chấm dứt mọi hành động gây phương hại đến chủ quyền và các quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Tôn trọng chủ quyền Trung Quốc một cách nghiêm túc hơn”!

Cũng vì vậy, chuyện gần đây, lực lượng hải cảnh Trung Quốc để cho ngư dân Philippines ra vào vùng biển quanh bãi  Scarbourough trở thành “chuyện lạ”.

Ông Rommel Banlaoi, Giám đốc Trung tâm Tình báo và Nghiên cứu an ninh quốc gia – một tổ chức phi chính phủ của Philippines, nhận định, Trung Quốc đang muốn “lấy lòng” ông Rodrigo Duterte, tân Tổng thống Philippines. Gần đây, ông Duterte tuyên bố, sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc và ngay sau đó, Trung Quốc đã lên tiếng hoan nghênh tuyên bố này.

Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc đã gửi thư chúc mừng ông Duterte đắc cử Tổng thống Philippines. Ông Bình bày tỏ hy vọng là trong nhiệm kỳ của ông Duterte, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines sẽ “quay lại con đường đúng và phát triển tốt đẹp” vì “sự ổn định sẽ  đáp ứng các lợi ích cơ bản của hai quốc gia”.

Dưới thời Tổng thống Benigno Aquino, Philippines đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm biển Đông, chẳng hạn nhờ Tòa Trọng tài về Luật Biển phân xử yêu sách của Trung Cộng về chủ quyền tại biển Đông. Thắt chặt quan hệ an ninh – quốc phòng với Hoa Kỳ, Nhật, Việt Nam,… để xây dựng một liên minh quân sự. Ông Aquino cũng là người cương quyết từ chối đối thoại với Trung Quốc nếu Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm biển Đông.

Bởi có dấu hiệu ông Duterte sẽ mềm mỏng hơn nên dường như Trung Quốc muốn ve vãn. Dấu hiệu ve vãn còn thể hiện ở chỗ, gần đây, ngay cả hải quân Philippines cũng không bị quấy nhiễu khi ra vào bãi Cỏ Mây ở quần đảo Trường Sa để tiếp vận cho những binh sĩ Philippines đang đồn trú ở đó.

Ông Andrei Chang, làm việc cho Kanwa Asian Defence – một tạp chí chuyên về quốc phòng châu Á thì không nghĩ như ông Banlaoi. Ông Chang cho rằng, Trung Quốc đột nhiên mềm mỏng vì Hoa Kỳ đã cảnh cáo rằng sẽ hành động nếu Trung Quốc tiếp tục lấn chiếm hay bồi đắp bãi Scarborough thành đảo nhân tạo. Trong số các căn cứ quân sự mà Philippines đã đồng ý giao cho Hoa Kỳ sử dụng, có hai căn cứ không quân chỉ cách Scarborough chừng 300 cây số.

Lối hành xử của Trung Quốc khiến người ta không tin Trung Quốc có thiện chí. Mọi thay đổi theo hướng tích cực hơn cũng được đón nhận một cách hết sức dè dặt, bởi Trung Quốc đã nổi tiếng về việc khoác “thiện chí” lên trên những âm mưu. (G.Đ)

06-06-2016 2:34:23 PM 

No comments:

Post a Comment