Friday, April 29, 2016

Tháng Tư Hoa Thịnh Ðốn và 'Gió lạnh đầu mùa'

Việt Nguyên 
Tôi đến thủ đô Hoa Thịnh Ðốn vào đầu Tháng Tư, lỡ một dịp ngắm những cành hoa anh đào dòng dòng sông Potomac, những cành đào tôi đã được nhiều lần ngắm trong những lần đến Hoa Thịnh Ðốn mà ngày đầu tiên hơn hai mươi năm trước tôi đã viết trong tờ Văn Nghệ ở Houston “nhìn những cành đào rực rỡ cạnh dòng sông vào mùa Xuân, những cành đào do người Nhật tặng, tôi mong một ngày nào ở Hoa Thịnh Ðốn có được một hàng phượng vỹ hai bên đường vào mùa hè đến từ nước Việt.”



Khu thương mại Eden ở Hoa Thịnh Ðốn. (Hình: Getty Images)


Giấc mơ lãng mạn hơn hai mươi năm sau vẫn là một giấc mơ! “Ðào hoa y cựu tiếu đông phong.” Hoa đào năm ngoái vẫn còn trong trí tưởng như ngày đầu đến Hoa Thịnh Ðốn nhưng những kỷ niệm và những người bạn cũ vẫn còn thoang thoảng đâu đây. Một Ðinh Cường họa sĩ ngày nào đợi tôi ở phòng khách với tờ Văn Nghệ để khoe với tôi rằng anh không quên được số Văn Nghệ đặc biệt về Ðinh Cường với Việt Nguyên phê bình tranh Ðinh Cường. Một “Toàn thịt bò” chủ tiệm phở ở thương xá Việt Nam nổi tiếng Eden đầu tiên ở thủ đô chào đón “Tôi đón ông để cám ơn Việt Nguyên đã giúp đỡ bạn tôi Du Tử Lê để tờ Văn Nghệ sống mạnh ở Houston” và sau đó giúp một người bạn khác là Trương Trọng Trác với tờ Ngày Nay. Người chủ tiệm yêu văn nghệ vẫn còn ở thủ đô nhưng cơ sở thương mại để anh em gặp gỡ đã đóng cửa, thương xá Eden giờ đây có bộ mặt mới. 

Một Hoa Thịnh Ðốn, thủ đô văn hóa của người Việt Nam, hơn hai mươi năm trước lần đầu tiên tôi đến, là chương trình “30 năm âm nhạc Thẩm Oánh” với Dương Ngọc Hoán xướng ngôn viên đài VOA điều khiển chương trình, nhộn nhịp với những người bạn tụ về từ các tiểu bang. Một Mai Thảo ngất ngưởng bên chai Martell như những ngày trong trại tị nạn, ngồi trong nhà BS Phó Ngọc Văn, lên giọng kêu “quần hùng” đi tìm Việt Nguyên đến để cùng đối ẩm, một người đàn anh văn nghệ ngày còn ở trên cuộc đời này đã làm nhiều người khó chịu vì cá tính ngang tàng nhưng vắng mặt ông trong những lần tôi lên Hoa Thịnh Ðốn thì không khí thủ đô dường như thấy vắng. Nhưng những người ở thủ đô vẫn mang những ấn nét văn học như cựu Ðại Sứ Bùi Diễm, đã đến 94 tuổi nhưng vẫn còn tráng kiện từ tinh thần đến thể xác (ông đã xem tôi như một người bạn trẻ khiến bạn bè ông đã đánh giá tuổi tác của tôi phải xắp xỉ 80!) vẫn lái xe trên xa lộ để hội ngộ. Tác giả những tác phẩm chính trị như “Gọng kìm lịch sử,” về hưu nhưng vẫn quan tâm đến tình hình thời cuộc. Trong con người chính trị của ông là con người văn nghệ như những ngày còn trẻ đứng hầu cụ Trần Trọng kim, vẫn tìm đọc những sách cổ như Truyện Kiều và Cung Oán Ngâm Khúc, bên cạnh những cuốn sách ở nhà sách Barnes and Noble mỗi tháng. Ðam mê đọc sách của ông cũng giống như con mọt sách Việt Nguyên, mỗi lần đến thăm ông bạn già về là mỗi lần nặng tay vali sách! Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, dạy chính trị tại Ðại Học George Mason khác với ông bạn già Bùi Diễm, đã xem tôi là em. Người anh Chu Văn An khô khan chính trị, nhưng đầy tính văn học, thích cà phê đàm luận như thời văn hóa quán café của nhóm Jean Paul Sartre, Albert Camus, Francois Sagan thập niên 1960 ở Paris. Mỗi lần đến nhà đầy sách của ông giáo sư chính trị là tôi nhớ đến những truyện ngắn trên tờ New Yorker được Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ trên tờ báo văn của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. 

Người bạn mới và cũng là đàn anh y khoa của tôi đầy tính văn nghệ, Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang con nhà văn Thạch Lam trong nhóm Tự Lực Văn Ðoàn của Nhất Linh. Ðàn anh y khoa của tôi cũng giống tôi, năm 18 tuổi mê cầm bút viết văn nhưng bị bố cấm cản đành theo nghề thầy thuốc và người thầy thuốc ấy đã có nhiều tác phẩm văn chương. 

Tôi đến Hoa Thịnh Ðốn, ở ngôi nhà thân thuốc của ông anh Hùng của tôi với khu rừng đẹp ở đằng sau vườn. Sáu ngày ở Hoa Thịnh Ðốn trời trở lạnh, tình cờ mà tôi được ngắm ngôi rừng, đi vào rừng, và ngắm đủ bốn mùa, Xuân hạ thu đông với những nắm tuyết rơi vào một buổi sáng và tôi nhớ đến nhà văn Thạch Lam một người tôi yêu mến, nhẹ nhàng như Thanh Tịnh và Hoàng Ðạo. Một Thạch Lam viết về một nhân vật giống tính tôi hay tôi đã tìm ra tôi trong nhân vật của Thạch Lam? Ngày tôi còn trẻ 11 tuổi, trẻ hơn nhân vật trong truyện “Nắng Trong Vườn” của Thạch Lam, tôi thỉnh thoảng nổi máu giang hồ vặt nhảy lên xe lửa bỏ nhà đi chơi lên Quản Lợi đến nhà ông cậu ở lại vài hôm trước khi về lại Saigon khiến mẹ tôi phải lo lắng như những thú tội của tôi viết trong “Cha tôi và những mùa hè năm tháng cũ.” Nhân vật tôi của Thạch Lam có lẽ đã ảnh hưởng đến tôi ngày còn trẻ: “Một vài bộ quần áo mới với mấy quyển sách đem theo, tôi hớn hở ra ga, sung sướng được lánh xa cái náo nhiệt của thành phố và nhất là quên những bài học khó khăn và vô ích ở nhà trường.” “Xuống ga, một ga nhỏ gần tỉnh P., không có ai ra đón tôi cả. Tôi biết trước vì khi đi tôi cũng không gửi giấy báo cho ông bà biết. Tôi muốn đến một cách bất thình lình.” (Nắng Trong Vườn, truyện ngắn Thạch Lam). 

Trời trở lạnh, ngắm tuyết rơi trên những ngọn cây trong cánh rừng đằng sau nhà, những sợi tuyết đầu xuân đã đem đến cho tôi một cảm giác bâng khuâng như đêm đầu tiên thức trắng để ngắm tuyết ở Portland vào năm Giáng Sinh đầu tiên trên xứ người. Những ngọn gió lạnh trái mùa đã khiến tôi nhớ lại truyện ngắn “Gió Lạnh Ðầu Mùa” của nhà văn Thạch Lam và tôi đọc lại những giọng văn thời tiền chiến ấy với những xúc động như ngày đi học: “Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo trước...” “Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bổng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm chúng ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt... Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màu bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lao xao. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục.” 

Trời lạnh đã làm chị em Sơn nhớ đến những người bạn láng giềng “những người nghèo khổ, cạnh một dãy nhà lá của những người nghèo... chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Nhưng hôm nay môi chúng tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Những cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau.” 

Tháng Tư, trời tuyết ở Hoa Thịnh Ðốn, đọc Thạch Lam tôi lại nhớ đến Tháng Tư 41 năm trước, “tháng Tư Ðen” đã đến với bài hát “Giáng Sinh Trắng” từ tòa Ðại Sứ Mỹ trong một ngày 30 Tháng Tư nóng như ngày Hè đỏ lửa. 
Tuyết trắng đưa người Mỹ ra khỏi Việt Nam, ngọn gió bấc lạnh lùng thổi xuống, ngọn gió phương Bắc từ Xô Viết, Trung Cộng đến Bắc Việt năm 1954 nay thổi xuống miền Nam. Ngọn gió của chủ nghĩa Cộng Sản nhuộm đỏ cả nước khác với ngọn “gió lạnh đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam. Ngọn gió đầu mùa, từ thời Pháp thuộc, đầy tính nhân bản, đầy tình người, gió lạnh run người đã được “chị em Sơn cho Hiên cái áo bông cũ, bị rách, về nhà sợ mẹ mắng nhưng mẹ ôm âu yếm vào lòng bảo: “Hai con tôi quí quá, dám tự do lấy cái áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?! Mẹ Sơn cho bác Hiên năm hào về nhà may áo cho con.” (Gió Lạnh Ðầu Mùa). Xã hội Cộng Sản kêu gọi xây dựng chủ nghĩa xã hội, “trăm năm trồng người” dựa trên sự gian dối. Nói đến Cộng Sản là nói đến tội ác, từ Xô Viết, qua Trung Cộng đến Cộng Sản Bắc Việt. Nói đến Cộng Sản là nói đến “Sách Ðen” ghi tội ác Cộng Sản từ Stalin qua Mao Trạch Ðông đến Hồ Chí Minh với nạn nhân lên cả hàng trăm triệu: Thanh trừng của Stalin, cải cách ruộng đất của Mao Trạch Ðông và Hồ Chí Minh, cách mạng văn hóa của Cộng Sản Trung Hoa, mô chôn tập thể Tết Mậu Thân 1968 của Việt Cộng. Ba mươi Tháng Tư năm 1975 dân Việt được nghe đảng Cộng Sản nói láo kêu gọi đoàn kết, xóa bỏ hận thù để sau đó đi đến trại học tập cải tạo, đánh phá tư sản mại bản, tịch thu nhà cửa, đẩy con cái “Ngụy” đi về khu kinh tế mới. Con người mới xã hội chủ nghĩa lộ mặt thật, tác giả “hòa hợp hòa giải “ là Lê Duẩn. Chính sách này đã đưa Lê Duẩn vào danh sách các tên tội phạm. 

“22 tên độc tài tàn bạo của thế giới ít người biết.” Những tên độc tài giết người với bàn tay sắt bọc nhung do tờ báo Ðộc Lập của Anh liệt kê như: Francisco Soleno Lopez của Paraguay (1862-1970) đã gây chiến tranh ở Nam Mỹ khiến dân số Paraguay từ 525,000 xuống còn 221,000, 29,000 đàn ông còn sót lại 15 người! Josef Tiso của xứ Slovakia (1939-1945) giết hơn 80,000 người Do Thái; Domeszto Jay, Hung Gia Lợi (1944) cộng tác với Hitler giết dân Do Thái; Choibalsam (Mông Cổ 1930-1952) Enver Hoxha (Albania 1944-1985) rồi đến Lê Duẩn ở Việt Nam từ 1960-1986, tổng bí thư đảng Cộng Sản người có toàn quyền quyết định trong chế độ Cộng Sản trong 20 năm. Sau 30 Tháng Tư, 1975, Lê Duẩn nhốt hơn hai triệu người vào trại cải tạo, thanh lọc người miền Nam chống Cộng trước 1975 và với kết quả của chính sách chính trị áp bức, kinh tế nghèo đói, 800,000 người Việt Nam đã lên thuyền bỏ xứ ra đi. Liệt kê theo sự tàn nhẫn, Lê Duẫn đứng hàng thứ 8, trên các nhà độc tài Nam Mỹ và Phi Châu!

Bốn mươi mốt năm qua, những người Việt sống ở miền Nam vẫn không quên những ngày gian khổ sau ngày 30 Tháng Tư, 1975. Tấm lòng của những anh chị em Sơn trong “Gió Lạnh Ðầu Mùa” được thay bằng tấm lòng của những người việt xa quê hương như trong lời nhạc của Việt Dzũng: “Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá... gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may... gởi về cho chị dăm ba xấp vải, con gởi về cho cha một manh áo trắng...” kim, chỉ, vải, không để may một chiếc áo ấm như chiếc áo Sơn ăn cắp của mẹ cho Hiên mà kim chỉ vải để may tim gan, áo ra pháp trường, áo tang cho cuộc đời nhiều cay đắng đọa đầy của dân Việt từ Bắc vào Nam sau 1975. 
41 năm là một thời gian quá dài để thành chuyện cổ tích trong đó có người hiền và kẻ gian, hận thù nhiều hơn là tình thương, “trăm năm trồng người” của Hồ Chí Minh dùng những hạt giống xấu! 41 năm qua như chuyện của nhà văn Cao Wenxuan vừa được giải chuyện cổ tích trẻ em Hans Christian Andersen, viết bằng chuyện thật từ năm 1950 đến 1960 ở vùng quê nghèo Trung Hoa, rồi qua kinh nghiệm cách mạng văn hóa. Trẻ em Trung Hoa cũng như con người ở Việt Nam sau 30 Tháng Tư năm 1975 vừa nghèo vừa đói, đói bụng vì thiếu ăn và đói cả sách vở đói cả văn hóa. Chiến dịch đốt sách của Cộng Sản và kế hoạch kinh tế đã tạo ra mầm mống xấu cho xã hội Cộng Sản để rồi 41 năm sau người dân cả hai miền phải hoài niệm về những chế độ Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa miền Nam. 

Ngọn gió Bắc vẫn lạnh lùng thổi, ngọn gió thổi ngược chiều hướng lịch sử thế giới giữ thể chế Cộng Sản Việt Nam không thay đổi sau đại hội đảng lần thứ 12. “Dân làm chủ,” khẩu hiệu mỉa mai từ 1954 không đánh lừa được dân Việt. Năm 1975, sau 30 Tháng Tư, cả nước nghèo cả trong và ngoài trại tù cải tạo tập trung, đảng dạy: chính sách kinh tế trong thời kỳ chuyên chính vô sản nhằm mục đích đơn giản: ăn no mặc ấm, sau đó sẽ đến thời kỳ ăn ngon mặc đẹp. Dân rủ nhau đi vượt biên, đất nước bên bờ vực thẳm cho đến năm 1995, tình hình cải thiện một phần nhờ tấm lòng của người Việt hải ngoại gởi về thân nhân. Qua giai đoạn mới, dân không được nghe đảng dạy cán bộ: giai đoạn kế tiếp là: ăn trên đầu trên cổ người dân. Ðất nước như phòng thí nghiệm của nhà bác học người Nga Pavlod với phản xạ có điều kiện của con chó đói khi ngửi thấy mùi thức ăn trong những năm trước 1995. Ðảng xem dân như chó trong thời kỳ đói kém, qua đến thời kỳ tư bản theo định hướng xã hội chủ nghĩa dân vẫn sống trong những làng nghèo “gió mưa tơi tả, trai gái trong làng tất tả ngược xuôi.” Gió bấc lạnh lùng thổi khác với cán bộ đến thời kỳ “ăn hối lộ phải biết giấu, phải biết chùi miệng, phải biết chuyển tiền ra nước ngoài.” “Dân làm chủ đất nước,” vượt biên lần nữa với làn sóng mới, cho con cái đi du học không trở về, được hỏi” thế còn ai xây dựng bảo vệ xã hội chủ nghĩa” du học sinh trả lời “đã có các bác ấy lo!” Các “bác” không tên trong đảng Mafia đã gieo mầm xấu cho các cây “trăm năm ta trồng người...” 

Xã hội Việt Nam trong 41 năm từ ngày 30 Tháng Tư năm 1975 không thay đổi bản chất với đảng lãnh đạo cho nên không ai lấy làm lạ khi các đảng viên còn lương tâm bỏ đảng và những năm sau có những tiếng nói “hối hận muộn màng” nhưng ngạc nhiên lớn của tôi là trong tháng ba đọc được bài “Tôi đi mổ ở bệnh viện Bình Dân khu kỹ thuật cao” của nhà báo, cựu dân biểu VNCH, Hồ Ngọc Nhuận. Ông Nhuận vào bệnh viện để mổ cột sống, được các tiến sĩ bác sĩ cao cấp săn sóc ông đã vui mừng thông báo bạn bè “hoàn toàn thoát hiểm ở BVBD/khu KNC” và an toàn về nhà, ông nhớ bệnh viện “Bình Dân từ hồi nó mới ra đời từ hồi đệ nhất VNCH.” Ông nhớ đến “các bác sĩ bậc thầy cố Giáo Sư Phạm Biểu Tâm, cố Giáo Sư Ngô Gia Hy và nhiều bác sĩ tên tuổi khác mà tôi từng quen biết. Không ngờ nó (BVBD) lại lột xác xã hội chủ nghĩa đến như vậy!” rồi ông lại “vẫn còn muốn bám víu vào một chút còn lại của cái Saigon cũ “không xã hội chủ nghĩa” của tôi trong đó có BVBD từ thời Ðệ Nhất VNCH “không xã hội chủ nghĩa hay Cộng Sản chủ nghĩa để mà thương, mà nhớ.” 

Tôi đọc bài của ông Hồ Ngọc Nhuận mà bàng hoàng và nhớ về một Saigon nhớ, Saigon thương “của Thanh Trang. Saigon của tôi trước Cộng Sản, một Saigon mà các cô cậu sống dưới chế độ Cộng Sản qua Mỹ du học nói với tôi “con nhớ Saigon của các chú các bác, Saigon ấy đẹp quá!” Một Saigon mà năm 1995 tôi về vẫn còn một chút không khí luyến thương với căn nhà cũ của cha mẹ tôi. Saigon ấy đã bị Cộng Sản đập phá với bàn tay giúp đỡ của thành phần thứ ba (chứ không phải lực lượng thứ ba như báo chí Cộng Sản gọi) thành phần ấy gồm những dân biểu phản chiến thân Cộng Sản của nhóm báo Tin Sáng do dân biểu Ngô Công Ðức làm chủ với thành phần cột trụ là dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quí Chung, Dương văn Ba, đại gia đình Tin Sáng từ 1968 đến 1972 bị đình bản, đến Tháng Tám, 1975 được phép tái bản nhưng đến năm 1981 bị đóng cửa với lý do đã “hoàn thành nhiệm vụ.” Quyết định của Trần Bạch Ðằng. Hoàn thành nhiệm vụ là nhiệm vụ đã được đảng giao phó. Tôi được đọc hồi ký của ông Lý Quí Chung rồi đến hồi ký của ông Hồ Ngọc Nhuận (ông ưu ái gởi tôi cuốn hồi ký in Ronéo trước khi in thành sách). Các ông cho biết số phận của các ông sau 75 cũng như số phận của các trí thức, nhà cũng bị công an lục soát. Sau 75, ông Lý Quí Chung và Ngô Công Ðức giàu có nhờ buôn bán. Ông Ðức bị bệnh gan qua Mỹ điều trị còn ông Hồ Ngọc Nhuận không hiểu tại sao phải vào bệnh viện Bình Dân điều trị? Ðọc hồi ký của các ông tôi không khỏi buồn cười cũng như hồi đầu năm 2014 tôi viết về những kỷ niệm sinh hoạt sinh viên học sinh năm 1968, một năm chiến tranh nhưng sinh hoạt văn nghệ giàu có xuất phát từ tấm lòng với các nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Miên Ðức Thắng... bài viết đã đưa đến những bài viết của Huỳnh Tấn Mẫm và Hồ Ngọc Nhuận thanh minh rằng họ đã phản đối chính quyền TT Nguyễn Văn Thiệu như người yêu nước chứ không theo Cộng Sản. Các ông thành phần thứ ba như ông Hồ Ngọc Nhuận giống như anh nhà quê, trong một chuyện cổ tích Trung Ðông, nghèo ngồi dưới gốc cây cầu Thượng Ðế. Thượng Ðế nói “nhà ngươi nên cẩn thận khi cầu.” Anh chàng vẫn cầu. Lời cầu được Thượng Ðế chấp thuận, một túi vàng từ trên trời rơi xuống đầu, anh nhà quê bể đầu chết. Các ông thành phần thứ ba đã đạt được giấc mơ bể đầu với 41 năm Cộng Sản! 

Bệnh viện Bình Dân là cái nôi của tôi, bệnh viện trên đường Phan Thanh Giản gần nhà, mỗi ngày tôi đi bộ vào bệnh viện thực tập. Bệnh viện đã được Hội Y Khoa Hoa Kỳ AMA công nhận là một bệnh viện với nhiều bác sĩ giáo sư y khoa có khả năng quốc tế. Tôi đã viết nhiều về bệnh viện Bình Dân và các thầy tôi, Giáo Sư Phạm Biểu Tâm giám đốc khi bệnh viện dời vào Nam sau 1954 từ bệnh viện Phủ Doãn, Giáo Sư Ðào Ðức Hoành giám đốc năm 1975 cùng các Giáo Sư Ngô Gia Hy, Trần Ngọc Ninh. Năm 1975 khi Cộng Sản vào, bệnh viện Bình Dân cũng như các cơ sở y tế và trường Ðại Học Y Khoa khác bị các “đỉnh cao trí tuệ” ngoài Bắc xem thường. Thầy trò chúng tôi đã phải ngồi nghe các ông y sĩ và bác sĩ ngoài Bắc kém trình độ giảng bài y khoa ngoài sự dạy dỗ về chính trị. Nền y khoa nhân bản được áp dụng ở bệnh viện Bình Dân bởi các thầy chúng tôi như giáo sư Phạm Biểu Tâm dạy “phải xem bệnh nhân như người nhà” được thay bằng “lương y như từ mẫu,” thầy thuốc như mẹ hiền nhưng không có lòng “nhân đạo chung chung” không săn sóc bọn Ngụy, con cháu cách mạng phải được ưu tiên săn sóc, cái nhân “trồng người” 41 năm sau đã gặt quả xấu mà ông Hồ Ngọc Nhuận đã được hưởng. Mấy năm sau này lời thề Hippocrates được đọc lại khi tốt nghiệp nhưng đã trễ khi “xã hội tư bản với định hướng xã hội chủ nghĩa “đã lái giới trẻ đi sai đường. 

41 năm sau chiến tranh Việt Nam kết thúc, một cuộc chiến với hàng triệu người Việt Nam chết vì chủ nghĩa cộng sản trong đó có các chiến binh Bắc Việt. 41 năm sau nhìn lại, họ đã chết như nhà văn Áo Robert Musil đã viết: “họ đã chết cho chủ nghĩa vì không có gì đáng sống trong xã hội chủ nghĩa ấy!” 

Rời Hoa Thịnh Ðốn về Houston, cơn gió lạnh trái mùa vẫn theo tôi như nhắc về một nước Việt Nam đang sống dưới cơn gió mùa phương Bắc thổi xuống.        

04-28-2016 2:35:01 PM 
Theo Nguoi Viet

No comments:

Post a Comment