Cát Linh, phóng viên RFA 2016-04-28
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nói trong một cuộc họp báo về cuộc khủng hoảng môi trường liên quan đến cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam vào ngày 27 tháng 4 năm 2016. AFP PHOTO
Trong cuộc họp báo giải trình về nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, Thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường, ông Võ Tuấn Nhân cho biết sau các khảo sát và điều tra của các cơ quan chức năng Việt Nam và các nhà khoa học, hai yếu tố chính được xác định có liên quan đến vụ cá chết hàng loạt bao gồm độc tố hóa học do con người thải ra từ đất liền và thủy triều đỏ tức tảo nở hoa.
Kết quả này không làm hài lòng dư luận và sự quan tâm của người dân trong và ngoài nước. Đặc biệt, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cũng cho biết cá nhân ông và hội cho rằng nguyên nhân này không hợp lý.
... Lý do nêu ra là do thuỷ triều đỏ chẳng qua chỉ là có thể thôi chứ nguyên nhân thì do độc tố rất mạnh nên chúng tôi đòi hỏi tập trung vào đó mà điều tra...
- Nguyễn Việt Thắng
Ông cho biết thêm một số nhận định về tình hình lây lan của nguồn ô nhiễm và chia sẻ thêm về cuộc sống của ngư dân Hà Tĩnh hiện tại.
Cát Linh: Xin chào ông Nguyễn Việt Thắng. Thưa ông, trước sự việc cá chết hàng loạt kéo dài hơn 15 ngày nay, Hội nghề cá Việt Nam có những biện pháp nào để bảo vệ quyền lợi của đời sống ngư dân không thưa ông?
Nguyễn Việt Thắng: Trước hết chúng tôi nhiều lần có văn bản với chính phủ, yêu cầu phải xác định nhanh nguyên nhân, lý do tại sao cá chết, mọi biện pháp để giải quyết khắc phục để đi vào sản xuất lại. Nhưng vấn đề trước mắt là các bộ có yêu cầu không được ăn cá chết, không được đánh bắt trong các vùng cá chết, tức là vùng gần bờ. Hiện nay các chết dưới biển, cá chết trong lồng bè, cá nuôi tôm nuôi cũng bị ảnh hưởng do thay nước cũng khó khăn. Vì vậy chúng tôi yêu cầu nhà nước hỗ trợ cấp bách cho bà con ngư dân của các lĩnh vực ấy.
Trước mắt là gạo để cho bà con có gạo ăn vì không sản xuất gì được nên phải có gạo, 15kg gạo một người. Trong gia đình có bao nhiêu người thì cứ tính lên. Tuy nhiên đấy chỉ là một kiến nghị, chính phủ cũng đồng ý chịu trợ cấp rồi nhưng trợ cấp như thế nào thì chúng tôi đã đề xuất một con số như thế. Về thời gian trợ cấp thì bảo đảm được cho đến khi kết luận được nguyên nhân, lý do cá chết, đề ra giải pháp khắc phục, sản xuất được ổn định thì mới ngưng trợ cấp.
Cát Linh: Cảm ơn ông. Trong cuộc họp báo duy nhất diễn ra hôm qua để nói về nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, cá nhân ông có thấy đồng ý với lý do mà Bộ đã đưa ra không?
Nguyễn Việt Thắng: Chúng tôi đã lấy danh nghĩa của hội tập họp nhiều anh em khoa học với nhau và có văn bản kiến nghị rồi. Thứ nhất là chúng tôi không hài lòng với cách trả lời như thế và đối với các nhà khoa học thì cũng chưa hợp lý. Lý do nêu ra là do thuỷ triều đỏ chẳng qua chỉ là có thể thôi chứ nguyên nhân thì do độc tố rất mạnh nên chúng tôi đòi hỏi tập trung vào đó mà điều tra, xác định nhanh hơn nữa, gấp rút hơn nữa và cho chính xác cụ thể, tập trung vào những hiện tượng đã rõ rồi, vì một số nơi người ta đã xác định cá nhiễm độc chrome và một số chất kim loại nặng rồi.
Cát Linh: Trong ngày hôm nay, có thông tin cho biết rằng có hiện tượng cá chết và trôi dạt đến Đà Nẵng. Có phải sự việc cá chết hàng loạt đang có biểu hiện lây lan và kéo dài dọc theo các bãi biển khác không?
Nguyễn Việt Thắng: Khả năng thì dứt khoát nó phải đi theo dòng hải lưu. Tuy nhiên đây cũng là điều giúp cho các nhà khoa học đánh giá khả năng lây nhiễm. Nếu tiếp tục lây nhiễm thì nó tiếp tục còn đi. Còn nồng độ giảm dần thì có thể có. Hiện giờ sự lây nhiễm đi như thế nào và đi đến đâu thì trong văn bản, Hội nghề cá Việt Nam chúng tôi cũng yêu cầu chính phủ xác định khả năng lây lan và chấm dứt ngay chuyện này. Còn việc dự báo thì theo nguyên tắc của dòng chảy thì dự báo nào cũng cần phải đặt ra, tốc độ nhiễm độc đi như thế nào còn phụ thuộc nguồn lây nhiễm hoặc mức độ hòa tan hoặc mức độ đậm đặc còn duy trì hay không. Tôi cho rằng mức độ này vẫn còn khả năng duy trì và tiếp diễn.
... Về việc nuôi cá trong lồng bè hiện nay thì số cá bị chết, những người nuôi tôm ven bờ thì ô nhiễm bắt đầu ảnh hưởng...
- Nguyễn Việt Thắng
Cát Linh: Cảm ơn ông. Xin được gửi ông câu hỏi cuối, đời sống của các ngư dân Hà Tĩnh, Vũng Ánh nói riêng và miền Trung nói chung hiện tại như thế nào thưa ông?
Nguyễn Việt Thắng: Từ ngày cá nhiễm độc chết đến nay cũng 15 ngày rồi. Tất nhiên những người sống bằng nghề đánh cá ven bờ thì có thể sáng đi tối về, tối đi sáng về. Về việc nuôi cá trong lồng bè hiện nay thì số cá bị chết, những người nuôi tôm ven bờ thì ô nhiễm bắt đầu ảnh hưởng. Không có nguồn thu nhập vì thu nhập hàng ngày của họ là đánh bắt cá ven bờ mà hiện giờ phải tạm ngưng. Chính vì vậy mà không sản xuất được nữa. Chúng tôi có khuyến cáo bà con có điều kiện thì nên sắp xếp tàu đánh bắt cá xa bờ. Với các bạn tàu khác thì kiếm công ăn việc làm. Tuy nhiên đại bộ phận thì sống bằng nghề đánh bắt ven bờ nên không có việc gì khác, rất khó khăn. Chúng tôi cũng đề nghị phải có điều tra nắm bắt cụ thể, chứ như bây giờ thì mười mấy ngày rồi, đời sống của những người ấy rất khó khăn, không có nguồn thu nhập nào khác.
Cát Linh: Cảm ơn ông Nguyễn Việt Thắng đã chia sẻ cùng chúng tôi sự việc này.
No comments:
Post a Comment