Friday, April 29, 2016

‘Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…’: Thêm một dấu hiệu thoát giáo điều?

Ngày 22/4/2016, Trưởng ban tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng – trong một hội nghị tổng kết của Hội Nhà báo Việt Nam - kể từ ngày nhậm chức vụ quá mới mẻ này. Cũng có thể coi đây là lần đầu tiên ông Thưởng “phát biểu chỉ đạo”.


Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị tổng kết của Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh: Huy Thịnh)
Chỉ đạo trên đã được báo Công An Nhân Dân rút tít: “Báo chí phải phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…”.
Chi tiết đáng quan tâm là từ “phụng sự” là rất mới mẻ trong hệ thống danh – động tự chính trị của chính thể một đảng ở Việt Nam. Nhưng từ ngữ này lại được sử dụng thường xuyên trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa và trong “phụng sự Thiên Chúa”.
Việc người là trưởng ban tuyên giáo trung ương chỉ đề cập đến vai trò phục vụ của báo chí nhà nước đối với “Tổ quốc” và “nhân dân” mà không kèm thêm bổ từ “đảng” hay “chế độ”, cũng không nhắc tới cụm danh từ “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, có thể phản ánh một xu hướng ngày càng nhiều cán bộ chính trị cao cấp dần âm thầm thoát khỏi ý thưc hệ giáo điều trong đảng Cộng sản.
Thực ra, sự thay đổi về mặt ngôn từ của ông Võ Văn Thưởng chỉ là kết quả của một quá trình “biện chứng lịch sử”.
Vào giữa năm 2015, một ủy viên trung ương đảng là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người hỏi ông Vinh thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông đáp rất thành thật: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. 
Vào ngày 1/7/2015, tại Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX và trùng với sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bị xem là “mất tích”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bất ngờ nêu ra khái niệm Quân đội "trung thành với dân tộc và Hiến pháp", mặc dù có thêm bổ đề Quân đội Nhân dân Việt Nam cần “nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”.
Đến đầu tháng 8/2015, Thủ tướng Dũng lại nêu ra một quan niệm rất đáng chú ý: “Lực lượng Công an Nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và nhà nước” trong bối cảnh Đại hội thi đua vì an ninh Tổ quốc lần VII do Bộ Công an tổ chức.
Với phát biểu này, Thủ tướng Dũng đặt Tổ quốc lên vị trí đầu tiên, khác với ưu tiên "phải trung với Đảng" luôn được đặt ở hàng đầu trong các bài diễn văn, nghị quyết và trong hệ thống tuyên truyền của khối đảng lẫn giới tuyên giáo.
Trên bình diện khách quan, trong những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều dư luận trong trí thức và nhân dân cho rằng đã đến lúc lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội, phải thể hiện lòng trung thành với Tổ quốc và nhân dân, thay vì bị chi phối quá nhiều bởi ý thức hệ chính trị độc đảng; không để bị biến thành công cụ cưỡng chế chiếm đất của nông dân thay cho việc ra mặt trận đối đầu với kẻ thù.
Cũng trong nhiều năm qua và đặc biệt từ đầu năm 2013 khi xuất hiện phong trào “Kiến nghị 72” cho đến nay, ngày càng xuất hiện nhiều trí thức và người dân phản bác về tình trạng quá ư bảo thủ khi đảng khăng khăng giữ định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng lại chẳng biết phải định hình và tiến tới nó như thế nào, còn chế độ thì ngày càng tham nhũng ghê gớm và đời sống người dân ngày càng bất an, cơ cực.
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment