Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-04-29
Bản đồ các tỉnh có xuất hiện cá chết hàng loạt tính đến ngày 29/4/2016. RFA
Trước phản ứng giận dữ của giới truyền thông và công luận về cách thức xử lý khủng hoảng qua vụ cá chết hàng loạt, ngày 28/4/2016 ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường đã lên tiếng nhận khuyết điểm với người dân. Truyền thông Việt Nam đưa tin này tối thứ năm, theo đó Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã phát biểu trong dịp ông đi khảo sát thực địa ở Hà Tĩnh, để kiểm tra môi trường và việc gọi là tiếp tục lấy mẫu để nghiên cứu làm rõ 2 nhóm nguyên nhân gây cá chết mà Bộ TN&MT đã công bố.
Người dân hoang mang
Trước đó vào chiều tối 27/4, các tờ báo lớn như Tuổi trẻ, Thanh Niên đã mô tả người đại diện Bộ TN&MT là Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân gần như đã tháo chạy khỏi cuộc họp báo kỳ quặc, chỉ kéo dài 15 phút và không cho báo chí đặt câu hỏi. Các nhà báo đã chờ đợi gần nửa ngày để cuối cùng nghe Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân loan báo là chưa có bằng chứng xác định Formosa Hà Tĩnh liên quan tới sự kiện cá chết hàng loạt. Theo lời ông Thứ trưởng, có hai nguyên nhân chính gây nên cá chết: do độc tố hóa học của hoạt động con người thải ra trên đất liền và trên biển hoặc do tác động của hiện tượng thiên nhiên tảo nở hoa, còn gọi là thủy triều đỏ.
TS Nguyễn Quang A, nhà phản biện độc lập, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội nhận định:
Tôi rất thất vọng với chức năng gọi là quản trị khủng hoảng của các quan chức Việt Nam, thực sự không chỉ có một ông Thứ trưởng ấy mà chúng ta nhìn thấy giữa các bộ các ngành người thì nói thế này, người thì nói thế kia, địa phương nói thế này, trung ương lại thế nọ.
-TS Nguyễn Quang A
“Tôi rất thất vọng với chức năng gọi là quản trị khủng hoảng của các quan chức Việt Nam, thực sự không chỉ có một ông Thứ trưởng ấy mà chúng ta nhìn thấy giữa các bộ các ngành người thì nói thế này, người thì nói thế kia, địa phương nói thế này, trung ương lại thế nọ. Các quan chức Hà Tĩnh thậm chí còn nói cá ăn thoải mái, tắm thoải mái…có thể nói như gà mắc tóc và làm cho tình hình càng rối ren thêm… Bài học lớn nhất là bài học bản thân sự phối hợp của các đơn vị chính quyền làm cho thật rạch ròi, thật minh bạch. Chẳng hạn hai ông Phó thủ tướng, một ông chỉ đạo thế này, đến chiều một ông lại chỉ đạo cái tiếp và cái cách điều hành này làm cho tình hình thí dụ ở một mức vừa phải thì nó có thể thổi phồng lên năm ba lần. Việc này không có lợi cho bất kỳ ai, không có lợi cho người dân có vì có thể bị hoang mang quá và cũng chẳng có lợi gì cho các nhà chức trách.”
Truyền thông báo chí Việt Nam tuy do nhà nước quản lý, nhưng trong thảm họa cá chết hàng loạt, đã phản ứng khá phũ phàng với các cơ quan quan chức năng. Các nhà báo đề cập tới sự kiện thảm họa xảy ra đã gần một tháng, nhưng cuộc họp liên bộ chỉ đưa ra những thông tin mù mờ, dễ bị hiểu là có sự che dấu.
Ngay sau cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên Môi trường mà báo Tuổi Trẻ gọi là kỳ cục, VnExpress đưa tin các chuyên gia phản bác nguyên nhân thủy triều đỏ làm chết cá. Tờ báo điện tử trích lời một chuyên gia ẩn danh, có 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu thủy sản khẳng định là, không thể có hai nguyên nhân cùng một lúc, bởi có chất độc thì không có tảo và ngược lại. Vẫn theo VnExpress, TS Nguyễn Hữu Dũng, từng làm việc ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP cho rằng, tảo nở hoa thường xảy ra ở gần bờ và làm cá ở tầng mặt nước chết chứ không phải tầng đáy, không thể có chuyện tảo nở hoa trong cả sinh khối nước từ đáy lên mặt. TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, khi nói tới lý do độc tố từ nước thải do hoạt động con người, thì cần làm rõ đó là độc tố gì, chứ không thể nói chung chung như thế được. Ngoài ra theo ông Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Y học biển Việt Nam, hiện tượng thủy triều đỏ có thể quan sát bằng mắt thường, 4 tỉnh có hiện tượng cá chết không hề báo cáo có thủy triều đỏ. Do vậy Viện trưởng Sơn đề nghị phải chú ý nghiên cứu càng sớm càng tốt nguyên nhân nước biển bị ô nhiễm do hoạt động của các nhà máy, các khu công nghiệp ven biển…
Ảnh hưởng toàn quốc
Cũng ngay sau cuộc họp báo ngắn ngủi ở Hà Nội vào chiều tối 27/4 của Bộ Tài nguyên Môi trường, báo Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng TN-MT Võ Tuấn Nhân tại phòng làm việc. Cuộc phỏng vấn này cũng không làm cho sáng tỏ gì hơn, ông Nhân không có lời giải đáp nào về độc tố trong nước biển làm cá chết, hoặc 296 tấn hóa chất gồm 40 loại mà Formosa nhập về để súc rửa đường ống xả thải có loại nào trùng với độc tố làm chết cá hay không? Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng khẳng định Formosa hoạt động đúng pháp luật Việt Nam. Về mặt Formosa xả ra môi trường, liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung, đến nay chưa đủ căn cứ để kết luận.
Tuy vậy, clip quay phỏng vấn Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân của báo Thanh Niên tối 27/4 đã được phát tán trên mạng xã hội Facebook và để lộ một sự kiện rất đáng chú ý. Theo đó, nữ phóng viên hỏi ông Thứ trưởng về nguyên nhân cá chết vì trong nước có kim loại nặng, như kết quả kiểm nghiệm của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thừa Thiên –Huế… Ông Thứ trưởng lập tức khoát tay yêu cầu dừng phỏng vấn, ông nói nguyên văn: “Tắt máy, tắt máy nghe. Xin lỗi, không, không, để anh nói riêng với em. Đừng hỏi câu hỏi đó tổn hại cho đất nước của mình… Em hỏi câu hỏi đó làm tổn hại cho đất nước của mình…”
Nhận định về sự kiện đặc biệt vừa nêu, nhà phản biện độc lập TS Nguyễn Quang A đề cập tới khả năng ông Thứ trưởng là người bị đẩy ra vào lúc khó khăn, trong khi người có trách nhiệm chính thì lại không xuất hiện. Ông Thứ trưởng có thể không có chuyên môn về độc tố, nhưng ông có thể đề nghị những người cộng sự chuyên môn trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, ông Thứ trưởng đã hành xử theo cách khác. TS Nguyễn Quang A tiếp lời:
“Nói những câu nói hết sức dại dột như của ông ấy, vô hình chung là đổ thêm dầu vào lửa, càng làm cho người ta nghi ngờ thêm. Và việc này tôi nghĩ là một trong những kỹ năng mà một người làm quan chức nhà nước, bất luận là người kỹ trị hay chính trị gia, tôi nghĩ rằng họ đã không có bản lĩnh làm chuyện đó… Tôi rất e ngại là có thể có sự ảnh hưởng ngầm nào đấy, của ai đó làm cho ông ta không thể phát biểu rõ cái chính kiến của mình…”
Tại sao Thứ trưởng TN&MT Võ Tuấn Nhân sợ hãi câu hỏi, cần làm rõ nguyên nhân nước biển nhiễm kim loại nặng, đến mức độ như vậy. Tờ Thanh Niên điện tử tường thuật là, TS Lê Phát Quới, Viện Tài nguyên và môi trường , Đại học Quốc gia TP.HCM đã cười ồ trong điện thoại khi nghe nhà báo đọc kết luận điều tra về hiện tượng cá chết. Ông đề cập tới sự kiện ở Huế các chuyên gia đã tìm thấy chất Crom và nhiều chỉ tiêu kim loại nặng vượt chuẩn. TS Lê phát Quới khẳng định cá chết phần lớn là ngộ độc bằng kim loại nặng… cần mở rộng việc đo về chất lượng chỉ tiêu kim loại nặng. Theo lời ông các kim loại nặng chỉ cần vượt vài gram trong một triệu lít nước là đã đủ làm cá chết rồi.
Tôi rất e ngại là có thể có sự ảnh hưởng ngầm nào đấy, của ai đó làm cho ông ta không thể phát biểu rõ cái chính kiến của mình…
-TS Nguyễn Quang A
Có thể xem vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung là một thảm họa quốc gia về ô nhiễm môi trường hay không. Nhà phản biện độc lập TS Nguyễn Quang A trình bày ý kiến:
“Chắc chắc đó là một thảm họa về môi trường, do cơ sở nó kéo suốt 4 tỉnh ở Trung bộ và bây giờ bắt đầu sang cả Đà Nẵng, kéo dài trên 250 km dọc bờ biển và nó ảnh hưởng đến toàn bộ ngư dân sống ở vùng đó. Không những chỉ có ngư dân ở những vùng đó mà nó ảnh hưởng đến các hoạt động về du lịch và như thế nó ảnh hưởng đến hàng triệu người. Không biết sau này khi dòng hải lưu nó đẩy lên phía Bắc, thì nó còn ra tới Nghệ An Thanh Hóa hay không? Tôi nghĩ đấy là một sự cố hết sức nghiêm trọng.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ uy Liêm nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, cũng đồng thuận về tác hại quá rộng lớn qua thảm họa cá chết hàng loạt. Từ Hà Nội, PGS-TS Hồ Uy Liêm nhận định:
“Vấn đề cá chết hàng loạt là vấn đề rất đáng lo ngại, nó không chỉ ảnh hưởng một địa phương nho nhỏ, mà gần như ảnh hưởng toàn quốc. Là vì cá chết, bây giờ nói từ Hà Tĩnh trở vào đến Thừa Thiên Huế, nhưng mà cá đấy nuôi sống rất nhiều người, không những dọc bờ biển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế mà còn để bán vào TP. HCM và các tỉnh miền Nam, để bán ra ngoài Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, khiến đấy là điều rất nguy hại. Mà tất cả những sự phát triển lâu nay cứ thường nói là phát triển bền vững. phát triển kinh tế đảm bảo những vấn đề xã hội, đảm bảo vấn đề môi trường. Thế nhưng phát triển kinh tế chưa thấy đâu mà môi trường đã thấy hủy hoại một cách ghê gớm.”
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, sau cùng cũng xuất hiện ở Hà Tĩnh hôm 28/4/2016 và nhận khuyết điểm về việc xử lý sự cố cá chết hàng loạt chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân và công luận. Theo VietnamNet, ông Bộ trưởng vẫn lập lại rằng, chưa thấy mối quan hệ giữa việc phát thải của nhà máy thép Formosa với vấn đề thảm họa môi trường. Nhưng ông Bộ trưởng cho rằng nó có liên quan về về gián tiếp mà khi đánh giá phía Việt Nam chưa tính hết.
Đáng chú ý là Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đã khẳng định một điều quan trọng, pháp luật Việt Nam không cho phép Formosa thiết lập hệ thống xả thải đặt ngầm dưới biển. Ông cho biết đã đề nghị có biện pháp để giám sát, tiếp cận và quan sát hệ thống này.
Việt Nam đứng trước thảm họa môi trường cấp độ quốc gia, một số nguyên nhân làm cá chết hàng loạt đã được loại trừ, như động đất, dịch bệnh. Thủy triều đỏ, tảo nở hoa cũng bị giới khoa học bác bỏ vì nó thiếu cơ sở. Vấn đề còn lại, độc tố kịch độc làm chết cá hàng loạt đã được đề cập tới và trùng hợp khoảng thời gian tháng ba tháng tư, khi nhà máy thép Formosa dùng hóa chất kịch độc để xử lý đường ống xả thải đặt ngầm dưới biển bị tắc nghẽn.
Các nhà khoa học cho rằng khả năng nước biển nhiễm kim loại nặng cần được nghiên cứu khẩn trương. Chứ không nên lẩn tránh nó như hành sử của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân.
No comments:
Post a Comment