Trần Viết Đại Hưng-04-21-2016
Một lần nữa tháng 4 đen lại trở về với bao kỷ niệm và ác mộng đau buồn. Mới đó mà đã 35 năm. Thông thường thời gian là liều thuốc giúp hàn gắn mọi đau thương đổ vỡ , nhưng biến cố 30 tháng 4 vẫn như đám mây đen bao phủ trong ký ức và tâm tư người miền Nam khó có thể gột rưả sạch được vì những người Cộng sản gây ra nỗi đau và thù hận vẫn tiếp tục thi hành chính sách kỳ thị đối xử và tù đày dành cho người miền Nam ngã ngựa . Chuyện xoá bỏ hận thù coi như chưa bao giờ được thực hiện dù chỉ trên các phương tiện truyền thông trong nước. Sự hận thù dai dẳng của phe bại trận đối với phe thắng trận coi như là hậu quả tất nhiên của những năm tháng trả thù tàn bạo mà phe bại trận là những nạn nhân mang mặc cảm tự ty. Cũng khó có thể nói chuyện hoà hợp hoà giải khi phe thắng trận còn mang tâm lý tự tôn và cho mình có toàn quyền trả thù phe bại trận bằng bất cứ hình thức gì mình muốn, kể cả chuyện lao tù, chết chóc. Năm tháng dù có nhạt nhoà nhưng lòng căm hận cuả phe miền Nam bại trận dường như vẫn y nguyên vì phe thắng trận, cho đến giờ phút này, chưa tỏ ra một thái độ hay một hành động gì tích cựïc, thân ái, yêu thương.
Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Võ văn Kiệt khi còn sống cách đây vài năm, có nhận xét khá đúng về tình cảnh nhân dân hai miền sau chiến thắng năm 1975 của Cộng sản là “ có triệu người vui mà cũng có triệu người buồn”. Câu nói của ông Võ văn Kiệt chỉ đúng có một nửa. Triệu người vui thuộc về phe chiến thắng thì đúng quá rồi , nhưng dùng chữ buồn để chỉ triệu người thua trận thì không đúng và chính xác lắm đâu. Với chính sách tù cải tạo khắc nghiệt độc ác đã đày đọa và giết hàng chục ngàn sĩ quan và nhân viên chính quyền chế độ cũ trong lao tù khắc nghiệt. Đối với gia đình những người bị giết oan uổng và đau đớn sau khi chiến tranh đã kết thúc này, dùng chữ buồn để nói về họ là quá nhẹ. Phải nói họ phẫn nộ , căm thù đến xương tuỷ bọn Cộng sản thắng trận đã giết thân nhân của họ mặc dù tiếng súng chiến tranh đã ngưng. Đó là một sự tàn nhẫn và độc ác không thể tha thứ đối với bọn người ra tay sát hại đồng bào ruột thịt cùng chung tổ tiên, máu đỏ da vàng.
Lúc Cộng sản Việt Nam đổ quân qua Kampuchia tiêu diệt chế độ Pol Pot. Báo chí Việt Nam hồi ấy lên án cách giết người tàn bạo của bọn lính Khmer đỏ là dùng cán cuốc đập vỡ sọ nạn nhân. Thật ra cách giết người của bọn lính Khmer đỏ tuy tàn bạo nhưng không gây đau đớn cho nạn nhân. Trái lại cách giết tù nhân của Cộng sản Việt Nam trong những trại cải tạo xem ra độc ác tàn nhẫn hơn nhiều: đó là không cho tù nhân ăn no, bắt làm việc nặng nhọc dù đói ăn thường xuyên và khi bệnh hoạn thì không có thuốc men điều trị. Tù nhân chết dần chết mòn vì đói và bệnh. Có người khi được thả ra thì thân tàn ma dại, về tới nhà thì như cái xác không hồn, sống lây lất một thời gian rồi cũng qua đời sau đó. Cộng sản Việt Nam là bậc thầy về cách giết người. Thế giới ồn ào lên án cách giết ngươì tàn bạo của Pol Pot ở Kamphuchia mà ít nói đến cách giết tù nhân tinh vi trong trại cải tạo của Cộng sản Việt Nam. Một cách giết người tàn nhẫn và quỷ quyệt có một không hai trong xã hội loài người . Giết người nhưng không để lại dấu tay sát thủ. Đó là dấu ấn đặc biệt của bọn thú đội lốt người Cộng sản Việt Nam.
Ở đây cũng nói thêm chuyện Cộng sản Việt Nam đổ quân qua Kampuchia năm 1978 để lật đổ bọn Khmer đỏ Pol Pot. Chế độ Pol Pot là một chế độ diệt chủng bị toàn thế giới lên án. Chuyện Cộng sản Việt Nam đem quân đánh đổ Pol Pot là một chuyện làm đúng. Tuy nhiên sau khi lật đổ được Pol Pot rồi, Cộng sản Việt Nam không cho quân rút về mà cho đóng quân lâu vô thời hạn khiến Cộng sản Việt Nam mất hết chính nghĩa trên trường quốc tế. Một điểm cần phải ghi nhận ở đây là trên 10 năm đóng quân trên đất Miên có chừng 50000 thanh niên bộ đội Việt bỏ xác vì “ nghĩa vụ quốc tế “ vô nghĩa lý này. Giá máu thanh niên Việt Nam bao giờ cũng quá rẻ mà các lãnh tụ Cộng sản Việt Nam có thể xài thoải mái không chút do dự và ân hận. Cũng vì Cộng sản Việt Nam đánh Khmer đỏ vốn là đàn em của Trung Cộng nên Trung Cộng cho quân tràn qua biên giới để dạy Cộng sản Việt Nam một bài học để trả thù cho đàn em vào tháng 2 năm 1979. Một lần nữa máu người Việt lại đổ, thịt người Việt lại rơi không phải trong cuộc chiến chống đế quốc mà là chống người anh em “ núi liền núi , sông liền sông “. Đánh nhau u đầu sứt trán xong giờ này Trung Cộng và Cộng sản Việt Nam lại ôm nhau thắm thiết để xây dựng 16 chữ vàng trong đó Cộng sản Việt Nam phải cắt đất nhượng biển cho đàn anh Trung Cộng để mua lấy sự bình an cho chế độ cai trị khốn nạn của chúng bằng sự bảo bọc của đàn anh. Thật đau lòng và căm phẫn cho người dân Việt có một chính quyền đại diện cam tâm đi làm tay sai cho ngoại bang một cách vô liêm sỉ như thế.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, không phải chỉ có thành phần sĩ quan và công chức chế độ cũ đi tù mà giới nhà văn cũng có nhiều người bị đi tù dù họ không chính thức cộng tác với guồng máy chế độ miền Nam cũ. Duyên Anh, Lê Xuyên, Hồ hữu Tường, Vũ hoàng Chương v..v là những ví dụ cụ thể. Nhà văn Mai Thảo bị truy lùng và ông phải thay đổi chỗ ở liên tục tại nhà bạn bè để tránh sự bắt bớ tù giam. Số ông không ở tù nên cuối cùng đã vượt biển thành công, thoát khỏi chế độ sắt máu Cộng sản. Cộng sản nghĩ rằng áp dụng chế độ bắt giữ tù đày phe miền Nam là cách hay nhất để duy trì sự an toàn cho chế độ mới xây dựng guồng máy cai trị. Cả miền Nam biến thành một nhà tù khổng lồ, giam tù tội nhân với những lý do vô lý và oan trái nhất. Nước mắt vạn gia đình miền Nam chảy ướt nước non. Đó là thành quả “ giải phóng “ của quân giải phóng miền Bắc dành cho miền Nam !
Khi chiếm được miền Nam năm 1975, chúng tung ra ngay một mẻ lưới để hốt trọn nhưng sĩ quan quân đội và viên chức chính quyền miền Nam vào tù . Chúng cho binh sĩ và hạ sĩ quan đi học tập 3 ngày rồi thả về để tạo niềm tin. Sau dó chúng ra thông cáo sĩ quan cần mang theo áo quần và thức ăn trong vòng 2, 3 tuần. Ai cũng nghĩ rằng binh lính học tập 3 ngày, sĩ quan học tập vài tuần là hợp lý quá rồi . Trên tờ báo Sài gòn giải phóng mới xuất bản tại Sài gòn sau 30 tháng 4 năm 1975, chúng nói toàn giọng điệu ngọt ngào, tình nghiõa , chẳng hạn như “ Cách mạng là người mẹ hiền có cách hành xử quân tử, không đánh người ngã ngựa “ . Khi đã gom đủ số tội nhân , chúng chở đi giam giữ vô thời hạn, để cho người tù chết đói, chết bệnh vô số kể. Người miền Nam học bài học đầu tiên về cái lọc lưà của bọn rắn độc Cộng sản với một giá quá đắt bằng chính mạng sống của mình trong những trại tù dã man có cái tên mỹ miều là “ học tập cải tạo “.
Không thể không nhắc đến cả trăm ngàn người đã ra khỏi Việt Nam trong biến cố tháng 4 năm 1975, có trên chừng ngàn người vì ra đi quá đột ngột không kịp từ giã và lo liệu cho người thân,cũng như vì tính cảm quyến luyến quá sâu đậm với gia đình còn kẹt lại quê nhà nên tìm cách cùng nhau trở về trên chiếc tàu “ Việt Nam thương tín”.. Họ ngây thơ nghĩ rằng họ sẽ được chính quyền Cộng sản đón tiếp linh đình trong vòng tay thương yêu ôm ấo những đưá con xa tổ quốc về lại với quê hương. Họ gặp phải một thực tế phũ phàng là khi tàu cập bến Việt Nam, tất cả nhưng người trên tàu bị đưa ngay vào trại cải tạo vì Cộng sản nghi ngờ tính báo Mỹ CIA gài những người này về phá hoại! Trong số những người đi về trên chuyến tàu này có Nhạc sĩ Trường Sa. Ông phải vào tù, sau này ra tù, lại vượt biển và định cư ở Canada. Chuyện chiếc tàu Việt Nam Thương Tín là một bài học cho những ai muốn hiểu sự suy nghĩ độc ác , vô lương tâm của bọn Cộng sản là như thế nào. Đừng bao giờ lấy cách suy nghĩ nhân bản của người quốc gia để suy ra cách suy nghĩ và hành động tương tự của người Cộng sản. Bọn chúng là quỷ đỏ nên chúng có cách suy nghĩ quỉ quái, tàn ác, đê tiện không thể tưởng tượng của loài ma quỷ, khác với suy nghĩ chung cuả loài người bình thường.
Miền Bắc chiến thắng huênh hoang chúng có công thống nhất đâát nước sau chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975, giống như công của vua Gia Long thống nhất Việt Nam sau khi đánh thắng phe Tây Sơn vào thế kỷ 19. Đúng là Việt Nam thống nhất sau 1975, nhưng đất nước không thống nhất trong yêu thương đoàn tụ mà thống nhất trong đau thương hận thù. Người miền Nam bắt đầu cảm thấy bất mãn trước chính sách cai trị độc ác, bất công của phe Cộng sản miền Bắc áp dụng cho phe bại trận miền Nam.
Học giả Nguyễn hiến Lê đã ghi nhận sự bất mãn đó trong hồi ký của ông như sau:
“ ..Nhưng chỉ sáu bảy tháng sau, cuối 1975 đã có đa số người Nam chán chế độ ngoài Bắc, chán đồng bào Bắc. Tôi nhớ như ở phần trên tôi đã nói năm 1976, trong một cuộc hội nghị ở Sài gòn,bàn về vấn đề thống nhất quốc gia, một học giả lão thành miền Bắc, ông Đào duy Anh( đã có hồi sống ở Nam nhiều năm, có nhiều bạn thân ở Nam) khi được mời phát biểu ý kiến, chỉ nói mỗi một câu đại ý là thống nhất cái gì cũng dễ, quan trọng nhất là phải thống nhất nhân tâm đã. Cả hội trường sửng sốt và làm thinh.
Ông Anh đã nhận xét đúng và dám nói. Quả thực là lúc đó có sự chia rẽ nặng giữa người Nam và người Bắc, Nam đã không muốn thống nhất với Bắc rồi. Từ đó, tinh thần chia rẽ cứ mỗi ngày mỗi tăng, năm nay ( 1980) có thể nói 90% người miền Nam hay hơn nữa, muốn tách khỏi miền Bắc.
Nguyên nhân chính theo tôi là người miền Bắc vơ đũa cả nắm, coi người Nam là “ ngụy “ hết, trụy lạc, bị nhiễm độc nặng của Mỹ….
…Người Bắc coi người Nam là ngụy, đối xử với người Nam như thực dân da trắng đối với dân “bản xứ “, tự cao tự đại, tự cho rằng về điểm nào cũng giỏi hơn người Nam, đã thắng được Mỹ thì làm cái gì cũng được. Chỉ cho họ chỗ sai làm trong công việc thì họ bịt miệng người ta bằng câu, “ Tôi là kháng chiến, anh là ngụy thì tôi mới có lý, anh đừng nói nữa.”
Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hoá, kỹ thuật – điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh , họ không được học- thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẫy nhau.. Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là ngụy nữa, vì ngụy có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc, bạn bè, hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp 2 đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú..
Thì ra “ Nhìn xa ngỡ tượng tô vàng ..”
Ngay giữa những đồng chí cũng không có tinh thần đoàn kết: địa phương nào chỉ làm lợi cho địa phương đó, không nghĩ đến quốc gia; cơ quan nào cũng chỉ làm lợi cho cơ quan mình mà không giúp đỡ cho cơ quan bạn, ai nấy chỉ lo cho bản thân mình thôi mà không nghĩ đến đoàn thể..
…Trong mỗi cơ quan ở Sài gòn cũng có sự chia rẽ. Cũng là công nhân viên cả, mà bọn ở Bắc vô không ưa bọn Liên khu 5; hai hạng đó đều khinh bọn ở bưng về; bọn này lại không chơi với bọn trước khi tập kết ra Bắc,nay trở vô Nam; bọn “ nằm vùng “ cũng không ưa bọn tập kết về đó; bị khinh nhất là bọn ngụy được tạm dùng lại, mà bọn này thạo việc hơn hết. Chính vì thiếu đoàn kết cho nên trong cuộc hội họp nào người ta cũng hô hào “ Đoàn kết, đại đoàn kết “. Còn ở trong phòng họp thì ai cũng hoan hô tinh thần đoàn kết, ra khỏi phòng rồi thì hết đoàn kết. Người ta chỉ đoàn kết với nhau vì quyền lợi thôi; do đó mà có tinh thần bè phái, gia đình trị, và ở Bắc có câu này : Nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế.
Hễ thân với nhau thì giúp đỡ nhau, công việc gì cũng dễ dàng, chứ cứ áp dụng đúng qui chế thì khó khăn nhất, chậm trễ nhất; người ta lè phè, tà tà, không làm cho mình đâu, nhắc nhở hoài chỉ làm cho người ta thêm ghét. Còn đâu là tinh thần tập thể nữa?
… Điểm thứ nhì làm cho chúng ta thất vọng là xã hội còn bất công hơn thời trước nhiều.
( Trích Hồi ký Nguyễn hiến Lê tập 3 trang 91, 92, 93 , Nhà xuất bản Văn Nghệ Hoa Kỳ )
Sự phê phán của Học giả Nguyễn hiến Lê như thế cũng là tạm đủ về sự chia rẽ trong xã hội miền Nam sau 1975 do những chính sách kỳ thị thô bạo của Cộng sản Việt Nam gây ra. Sự khinh bỉ và căm tức của người miền Nam cũng xuất phát từ đó và ngày càng tăng theo cường độ theo thời gian cai trị ngu xuẩn và độc ác của bọn Cộng sản.
Hàng triệu người phải đổ ra biển vì sống không nổi với đời sống kinh tế khó khăn và tinh thần bị đày đọa khổ sở đến độ không còn chịu đựng nổi. Hàng trăm ngàn người bị vùi sâu dưới đáy biển vì bão tố đánh đắm thuyền hay bị hải tặc hãm hiếp . giết hại. Những người thân của những nạn nhân xấu số ấy sẽ không “ buồn “ man mác hay bâng khuâng vì sự mất mát của người thân như lời của ông Võ văn Kiệt nhận xét mà họ đau đớn , khổ sở đến cùng cực. Dĩ nhiên sự oán hận nhà nước Cộng sản là nguyên nhân gây ra chuyện chết chóc ấy khó mà nguôi ngoai được. Ông Kiệt nói những nạn nhân có tâm trạng buồn là một cách nói chống đỡ cho tội ác của chế độ Cộng sản của ông gây tang tóc cho phe bại trận sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đúng ra, máu người Việt không nên đổ ra nữa sau khi tiếng súng đã im, chiến tranh đã chấm dứt, nhưng sự độc ác vô bớ bến của chế độ Cộng sản quyết tâm trả thù những kẻ bại trận miền Nam nên máu tiếp tục chảy và hận thù tiếp tục chồng chất không biết đến bao giờ. Cộng sản vô thần có bao giờ biết đến lời nói của Đức Phật, “ Lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu tan. Lấy oán báo oán, oán sẽ chập chùng”. Cộng sản gieo gió thì sẽ gặp bão, chúng gieo rắc hận thù thì chúng sẽ gặt hái thù hận.
Rồi có những thương gia trên thương trường vì thành công cũng bị chế độ mới đánh giá là “ tư sản mại bản “ , bị buộc tội là bóc lột nhân dân lao động nên tài sản bị tịch thu, bản thân thì bị đưa vào tù. Có những thời kỳ đánh tư sản mại bản ở miền Nam do Đỗ Mười từ ngoài Bắc vào chỉ huy. Có nhưng gia chủ bị tịch thu tài sản đành phải chọn con đường tự tử chết vì khó mà sống nổi trong chế độ mới khi tiền không còn trong nhà. Một trường hợp điển hình là ông Nguyễn hùng Trương, chủ nhân nhà sách Khai Trí trên Đại lộ Lê Lợi . Nhà sách ông bị tịch thu, ông bị đưa vào tù. Sau khi ông ra tù, ông qua Mỹ định cư một thời gian rồi lại quay về Việt Nam sinh sống. Khi được bạn bè hỏi là đến bao giờ nhà nước Cộng sản trả lại tài sản xương máu do ông gầy dựng nên? Ông cười chua chát và miả mai trả lời , “ Chắc phải chờ đến năm .. 3000! “ .Ông đã qua đời cách đây mấy năm ở Việt Nam trong niềm uất hận vì tài sản bị tịch thu, tấm thân bị tù tội đau khổ bởi cái chế độ Cộng sản “ cướp của giết người “ gian manh, tàn ác này. ( Xin vào www.nsvietnam.com rồi bấm vào tên Trần viết Đại Hưng nằm bên trái , rồi bấm tiếp vào bài số 80) Tính đàng hoàng của ông Khai Trí Nguyễn hùng Trương để đọc và hiểu thêm về trường hợp một người dân lành vô tội như ông Khai Trí bị chế độ mới vùi dập thê thảm, đau đớn như thế nào).
Ngay cả những nhà tu chân chính cũng không được chế độ mới buông tha. Giám mục Nguyễn văn Thuận và Hoà thượng Quảng Độ bị đưa vào tù để chứng tỏ chính sách “ sáng suốt, khoan hồng “ của chế độ Cộng sản. Riêng Thượng tọa Thiện Minh bị giết tại nhà tù Hàm Tân một cách mờ ám. Cộng sản tạo ra những giáo hội quốc doanh để phục vụ cho Đảng và nhà nước của chúng. Không may cho chúng là những người lãnh đạo những giáo hội quốc doanh như Phật giáo, Thiên chuá giáo, Phật giáo Hoà Hảo đều là những loại người háo danh, mất tư cách, vô hạnh không tạo được uy tín với tín đồ. Chẳng hạn như trong nội bộ Phật giáo , dư luận có lời nhận xét chính xác như sau: “ Giáo hội Phật giáo Thống nhất của Hoà thượng Quảng Độ đã bị nhà nước chôn nhưng chưa chết trong khi giáo hội Phật giáo quốc doanh của những sư tay sai Trí Tịnh, Trí Quảng đã chết nhưng chưa chôn.”. Tôn giáo nào cũng có những thế lực yêu ma bị Cộng sản giựt dây phá hoại nhưng rồi theo thời gian, chính tà được đãi lọc và chỉ có chánh pháp chân chính mới tồn tại được mà thôi, còn tà ma thì theo chân bạo quyền bị lịch sử đào thải theo thời gian một cách không không thương tiếc.
Rồi đến chuyện khối Đông âu và Liên xô tự nhiên sụp đổ làm rúng động những kẻ cai trị Việt Nam, dĩ nhiên trong thâm tâm chúng không còn tin vào chủ nghĩa Mác- Lê nin bách chiến bách thắng như ngày xưa nưã. Chúng phải đi theo nền kinh tế thị trường để có thể tồn tại nhưng vẫn gian ngoan cố hô hào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Rõ ràng là chúng đang mua lấy thời gian tồn tại bộ máy quyền lực nhưng trước sau gì chế độ chúng cũng sẽ bị sụp đổ vì những nghịch lý và bế tắc không giải quyết nổi trong tương quan của chế độ toàn trị và nền kinh tế thị trường. Bổn phận của người đấu tranh là làm sao thúc đẩy cho sự mâu thuẫn đó ngày càng gay gắt đến độ không còn có thể duy trì nổi bộ máy quyền lực vốn được chống đỡ bằng chế độ công an trị. Khó mà đưa ra được lời tiên đoán chế độ Cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ theo kịch bản như thế nào nhưng chắc chắn chúng sẽ không chết một cái chết yên bình bởi nhưng tội ác chúng đã gây ra cho nhân dân. ở Việt Nam chắc chắn không thể có cách mạng nhung, cách mạng cam, cách mạng xanh êm ái nhẹ nhàng mà chỉ có máu mới rưả sạch những vết nhơ tội lỗi trời không dung đất không tha do Đảng Cộng sản tạo ra trong gần một thế kỷ nay trên đất nước Việt Nam. Đó là một điều chắc chắn.
Nữ thủ tướng tài ba Magaret Thatcher của nước Anh có đưa ra một nhận xét đích đáng và chính xác về những lãnh tụ Cộng sản Việt Nam trên đài BBC như sau , “ Trong chiến tranh, họ là những người anh hùng. Sau 1975, họ là những tên côn đồ.” . Đúng vậy, với bản chất vô học, lại bị nhào nặn trong chủ thuyết độc ác phi nhân Mác- Lê nin, những bọn lãnh đạo Việt Nam biến thành một bọn côn đồ mất dạy là chuyện không làm ai ngạc nhiên. Xem thế mới thấy chuyện giáo dục văn hoá và đạo đức quan trọng đối với con người như thế nào. Đất nước Việt Nam không thể để cho những tên côn đồ vô lại này phá hoại và bán nước mãi được nữa.
Mùa quốc hận đã sang tới năm thứ 35. Vẫn có những anh thư, hào kiệt không tiếc thân mạng dấn thân tranh đấu cho nhân quyền, tự do của con người Việt Nam và độc lập tự do cho đất nước. Người này ngã xuống thì có người khác đứng lên chứ không chịu khuất phục trước sự đàn áp dã man của bạo quyền. Phải nhớ một điều rằng cuộc đấu tranh chống lại bọn Cộng sản cầm quyền hôn nay là cuộc đấu tranh cho lẽ phải và sự sinh tồn của dân tộc Việt Nam chứ không phải phát sinh từ động cơ thù hận để bây giờ tính chuyện trả thù, trả oán. Không thể có một động cơ đấu tranh thấp hèn như vậy.
Chính nghĩa phải sáng như mặt trời thì mới mong có ngày phá tan đám mây mù đang bao phủ quê hương Việt Nam đang đau khổ từng ngày.
Xin kết thúc bài viết bằng bài thơ “ Buồn vui theo vận nước “ của Trần an Cựu với ước mong quê hương rồi cũng có một ngày mai sáng lạn, huy hoàng
BUỒN VUI THEO VẬN NƯỚC
Triệu người vui, triệu người buồn
Triệu người khốn khổ đau thương kiếp người
Mở miệng kêu không thấu trời
Tù lao, ngục tối bồi hồi xót xa
Nhân dân cay đắng lệ nhoà
Người người đau khổ, nhà nhà lầm than
Sấm sẽ nổ bốn phương ngàn
Đập tan xiềng xích tiêu tan hãi hùng
Vượt qua sóng gió bão bùng
Quê hương mới có ngày bừng sáng ra
Giang sơn gấm vóc sơn hà
Nguyện đem hơi thở thiết tha lên đường
Một ngày mai, gió muôn phương
Tụ thành bão táp cuốn phăng bạo quyền
Tin vui sẽ đến mọi miền
Tự do hạnh phúc dân quyền phục sinh
Chắp tay cầu nguyện sinh linh
Việt Nam sớm thoát cực hình khổ đau
Đất nước thay đổi nhiệm màu
Đường lên phiá trước ánh sao rạng ngời
Hướng lên theo phiá mặt trời
Nước non rồi sẽ tuyệt vời vinh quang
TRẦN AN CỰU
Tổ quốc sẽ hết cơn đau nếu mỗi người chúng ta góp công , góp của, góp sức, góp máu tạo thành một chiếc bè đưa đất nước vượt qua cái hầm chông hiểm trở do Cộng sản tạo ra. Chuyện đó sẽ không là chuyện “ đội đá vá trời “ nếu chúng ta thành tâm quyết chí bắt tay vào việc và không nề hy sinh gian khổ.
Vận nước và thời cơ đã đến rồi.. Hãy kêu gọi nhau mạnh dạn lên đường giải cứu quê hương.
Los Angeles, một chiều cuối xuân man mác đầu tháng 5 năm 2010
TRẦN VIẾT ĐAỊ HƯNG
emailL dalatogo@yahoo.com
( Muốn đọc những bài khác của Trần viết Đại Hưng, xin vàowww.nsvietnam.com rồi bấm vào tên Trần viết Đại Hưng nằm bên trái.
Hay vào www.hungviet.org , bấm vào hàng chữ Nhân vật – Tác giả nằm bên trái , rồi bấm vào tên Trần viết Đại Hưng).
Theo VietNamDaily.News
No comments:
Post a Comment