Thanh Phương
Theo RFI-25 tháng tư năm 2016
Cải cách thể chế để giảm nợ công Giảm nợ công, một những hồ sơ "nóng" đang chờ tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ( phải ). Reuters
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương ngày 11/04/2016, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự báo nợ công 2016 của Việt Nam sẽ là 63,8% tổng sản phẩm nội địa GDP, rồi sẽ tăng lên 64,4% vào năm tới và lên 64,7% GDP vào 2018.
Nếu tính trên GDP của Việt Nam năm 2015 đạt hơn 188 tỷ đôla (tương đương 4.192.900 tỉ đồng), tỷ lệ nợ công 63,8% GDP tương đương 120 tỷ đôla (khoảng 2.675.070 tỉ đồng). Chia trung bình 90 triệu dân, mỗi người Việt đang phải gánh khoản nợ công gần 29 triệu đồng. Đây là con số nợ công cao nhất từ trước đến nay.
Như vậy là nợ công của Việt Nam hiện đang gia tăng khá nhanh. Nếu tính từ năm 2010, nợ công của Việt Nam đã tăng thêm 49,4 tỷ đôla (khoảng 1.101.237 tỉ đồng)
Cho tới nay, chính phủ Hà Nội vẫn khẳng định sẽ cố giữ nợ công ở mức dưới 65% GDP, nhưng nếu cứ theo đà tăng như hiện nay thì khó mà thực hiện được điều đó. Thật ra thì theo các chuyên gia kinh tế, nếu tính luôn cả nợ của các doanh nghiệp Nhà nước, tổng số nợ công của Việt Nam nay đã vượt hơn 100% GDP.
Trong bản “Báo cáo Việt Nam năm 2035” do Ngân hàng Thế giới (WB) và chính phủ Việt Nam phối hợp thực hiện, được công bố tháng 2 vừa qua, các chuyên gia cũng đã báo động rằng nợ công sẽ là vấn đề lớn đối với tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo nhận định của Quỹ tiền tệ Quốc tế ( IMF ), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và nhiều tổ chức khác tại Việt Nam, nợ công Việt Nam phần lớn do thâm hụt ngân sách lớn (mất cân đối thu - chi ngân sách), nợ Chính phủ tăng do các khoản vay nợ ODA ( viện trợ phát triển ) đã đến hạn trả ngày một lớn, nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, một số khoản ODA không được sử dụng hiệu quả…
Trả lời phỏng vấn trang mạng VietTimes ngày 13/04/2016, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã nhận định rằng nợ công của Việt Nam nguy hiểm hơn các nước khác, với nguy cơ là sẽ không còn tiền để đầu tư phát triển. Theo ông Nguyễn Minh Phong, hiện nay gần 70% ngân sách Nhà nước là dùng cho chi thường xuyên, còn lại 30% là dịch vụ nợ. Chuyên gia Nguyễn Minh Phong còn lưu ý rằng tỷ lệ nợ công của Việt Nam thật ra không đáng lo ngại, nhưng khả năng trả nợ và uy tín của Việt Nam thì thuộc diện “ nguy hiểm”.
Đối với những chuyên gia kinh tế như tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong bối cảnh mà Việt Nam không thể tăng hơn nữa nguồn thu ngân sách từ thuế ( vốn đã quá nặng đối với các doanh nghiệp ), để giảm bớt nợ công, Việt Nam không có con đường nào khác hơn phải cải cách thể chế, tinh giản bộ máy hành chính quá cồng kềnh, trùng lắp, đồng thời cải tiến hiệu quả sử dụng đầu tư công và viện trợ phát triển.
Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh từ Hà Nội, thực hiện ngày 15/04/2016.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160425-cai-cach-the-che-de-giam-no-cong#
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160425-cai-cach-the-che-de-giam-no-cong#
No comments:
Post a Comment