Theo BBC-8 giờ trước
Vụ cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam là "hi hữu" và nguyên nhân có thể vì “chất cực độc”, nếu người ăn phải cũng sẽ bị nhiễm độc, một chuyên gia về độc học môi trường nói với BBC Tiếng Việt.
Hôm 24/4, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường thuộc Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói với BBC:
“Những loại có thể làm cho cá chết thủy sản ven biển chết nhanh và nhiều như vậy chỉ có thể là chất độc và cực độc”.
“Các chất này phải hòa tan được trong nước và di chuyển nhanh, khả năng lắng tụ kém nên hòa tan, di chuyển và gây ảnh hưởng trong cả vùng lớn, nhờ có dòng chảy hải lưu đưa chất độc từ Hà Tĩnh về Quảng Bình, Quảng Trị, Huế lan tỏa nhanh như vậy," nhà khoa học nói thêm.
Tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh) từ hôm 6/4 và những ngày sau tiếp diễn tại tỉnh Quảng Bình, sau đó liên tục lan vào vùng biển các tỉnh Quảng Trị, Huế.
Các loài cá chết dạt vào bờ được cơ quan chức năng ghi nhận “đều sống ở tầng đáy và vùng biển gần bờ”.
Ngày 22/4, một người dân lặn biển đã tìm thấy đường ống xả thải hóa chất dưới đáy biển. Ngư dân Nguyễn Xuân Thành nói với báo Thanh Niên ngày 22/4:
“Tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở".
Tuy nhiên, sau đó Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nói trên Vietnamnet rằng:
"Việc báo chí thông tin người dân lặn biển để tìm nguyên nhân khiến dư luận hiểu nhầm rằng Formosa xả trộm bằng đường ống khổng lồ dưới đáy biển. Tôi khẳng định Formosa được phép xả thải".
Cho tới hiện tại, công ty nằm trong tâm điểm nghi vấn gây ra thảm họa chết cá dọc bờ biển miền Trung Việt Nam là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, thuộc tập đoàn Formosa Đài Loan, hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.
Hiện tượng cá chết hàng loạt bắt đầu từ khu vực Vũng Áng của tỉnh Hà Tĩnh, sau đó lan rộng xuống nhiều tỉnh lân cận.
"Gây độc kinh khủng"
Trước đó, báo Tuổi Trẻ đăng báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết qua phân tích, “Cả nước biển lẫn nước đầm Lăng Cô đều bị ô nhiễm, nồng độ PO4 (chỉ tiêu phú dưỡng) ở tầng đáy gấp đôi chỉ số cho phép, làm tăng độ pH trong nước, nhiều khả năng đây là nguyên nhân làm cá chết hàng loạt.”
Tuy nhiên, khi trao đổi với BBC Tiếng Việt, Giáo sư Bá giải thích: “Nói đến chỉ số phú dưỡng là nói đến tổng lượng NP – lân, khi chỉ số này lớn hơn 16 thì khi đó khả năng phú dưỡng nhiều, khi đó, lượng oxy thấp. Nhưng ở đây thì không phải. Cá chết ở đây là do độc chất chứ không phải là do thiếu oxy.”
“Trong hồ thì có thể có chuyện phú dưỡng làm cá chết, nhưng nếu là ven biển thì không thể vì biển là môi trường giao lưu, có gió và sóng, lượng oxy không thiếu hụt như vậy, mà chắc chắn là chất cực độc, từ mức trung bình trở lên, nên mới gây chết nhanh như vậy.” – Ông Bá nói.
Sáng 24/4, báo Tuổi Trẻ tường thuật Tổng cục Môi trường xác định Formosa súc xả đường ống nhưng không thông báo cho địa phương.
Khi phân tích danh sách các hóa chất mà Formosa mua để súc xả đường ống xả thải, Giáo sư Lê Huy Bá nói: “Nhìn vào danh sách, tôi thấy những hóa chất này nếu dùng trực tiếp thì gây độc ngay”.
“Tất cả các hóa chất này, chỉ trừ một số chất làm sạch nước, chống khuẩn, còn lại chất chống gỉ, chống ăn mòn, khử trùng, trung hòa... đều gây độc. Thành phần rất giàu kim loại nặng, rất giàu hóa chất mạch vòng và chất điện tử tự do, gây độc kinh khủng. Nó có thể tạo ra các hợp chất cơ kim rất bền trong nước và rất khó giải độc.”
Tuy nhiên, ông Bá cũng nói “không thể kết luận được” vì để biết chất độc nào đã khiến cá chết trên diện rộng như vậy, cần phải “lấy mẫu chất thải, phân tích chất thải là độc chất gì”. Ông Bá giải thích:” Ta phải xét ở dạng nó sẽ tác động khi người ta sử dụng vào cọ rửa, phản ứng, thì sau đó, cặn của quá trình này là hóa chất gì”.
"Rất nguy hiểm" nếu ăn phải
Trong trường hợp nếu người dân ăn phải cá chết hàng loạt kể trên, theo ông Bá là "rất nguy hiểm".
Ông giải thích:
"Sức chịu đựng của cá khá lớn. Nhất là động vật thủy sinh ở tầng đáy, nó có thể chịu được nhiều kim loại nặng và nó có thể thay đổi hành vi sống và vươn đi chỗ khác ngay lập tức.
"Nhưng nếu người ta ăn phải cá nhiễm độc thì rất nguy hiểm, như chúng ta uống vào một lượng, làm cho lượng chất độc ảnh hưởng tích tụ trong cơ thể tăng nhanh chóng và gây độc ngay."
Ông Bá nhận định một thảm họa cá chết hàng loạt ở quy mô lớn như vậy tại Việt Nam là “rất hiếm hoi”.
“Chúng tôi có làm các trường hợp cá ngộ độc titan chẳng hạn, nhưng cũng không đến mức cực độc như các hóa chất trong trường hợp này.”
“Có thể gọi đây là trường hợp hi hữu. Và tôi thấy các nhà quản lý cũng rất lúng túng”, chuyên gia về Độc học môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh nói với BBC.
No comments:
Post a Comment