Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA-2016-04-24
Cá chết trên sông Châu Giang. Courtesy of antoangiaothong.gov.vn
Trong vòng chưa đầy nửa tháng, miền Nam bị hạn mặn, miền Bắc bị mưa đá, lũ quét và ngập lụt, miền Trung cũng không thoát khỏi tai ương. Nhưng có vẻ như dấu hiệu nhân tai hiện rõ hơn ở miền Trung và khả năng đổ thừa cho thiên tai ở miền Trung là rất thấp sau khi hàng loạt cá chết trôi dạt vào bờ biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đây là câu chuyện dài liên quan đến người Trung Quốc cũng như thói quen và tâm tính theo kiểu Trung Quốc.
Nguyên nhân có tên Trung Quốc
... Cá chết là do mầm bệnh, mà mầm bệnh từ nguyên nhân Trung Quốc rất nhiều. Nhìn chung bây giờ mọi thứ đã hỏng rồi. Phá vỡ mất sự yên bình của vùng quê này rồi…
- Ông Viện
Một người tên Viện, một giáo viên dạy môn lịch sử đã về hưu, hiện sống tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh chia sẻ: “Cá chết hàng loạt do ô nhiễm trầm trọng. Trước đây chưa bị ô nhiễm, người ta hiền hòa, học trò của tôi trước đây rất hiền. Còn bây giờ vào trại do nghiện xì ke ma túy cũng rất nhiều. Cá chết là do mầm bệnh, mà mầm bệnh từ nguyên nhân Trung Quốc rất nhiều. Nhìn chung bây giờ mọi thứ đã hỏng rồi. Phá vỡ mất sự yên bình của vùng quê này rồi…”
Ông Viện cho rằng nguyên nhân của hàng loạt cá chết từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là do yếu tố Trung Quốc. Trong đó có hai khía cạnh gồm hoạt động kinh tế và tâm tính. Ở khía cạnh hoạt động kinh tế, ông Viện đưa ra một phép so sánh khá thuyết phục là suốt gần một trăm năm nay, kể cả những lúc chiến tranh và bom đạn, miền đất khắc nghiệt như Bắc miền Trung, tức là Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chưa bao giờ có hiện tượng cá chết hàng loạt trôi vào bờ biển mặc dù bom đạn rơi xuống biển khu vực này không ít.
Trong khi đó, người Trung Quốc chỉ xuất hiện chưa đầy mười năm tại vùng đất này thì có hàng loạt vụ việc đau lòng xảy ra. Trong đó gồm những thanh niên hư hỏng, những người trong độ tuổi lao động bị chết vì sụp giàn giáo tại Formosa, những thiếu nữ sa đà vào nghiện ngập và làm gái điếm, những dịch vụ đen xuất hiện như các ổ chứa, các điểm ghi lô đề, cá độ bóng đá, điểm cho vay nặng lãi, điểm ăn chơi thâu đêm suốt sáng và nạn xì ke ma túy tràn lan…
Và gần đây nhất là vụ cá chết hàng loạt. Việc cá chết hàng loạt nổi trôi, dạt vào bờ biển các tỉnh Bắc miền Trung cho thấy nước ở vùng biển này đã bị nhiễm độc quá nặng. Và hậu quả của nó thật là khó lường bởi trong hàng trăm tấn cá phân phối ở các chợ miền Trung gồm cả một lượng lớn cá đánh bắt trên vùng biển này. Như vậy, mối nguy độc tố đi vào cơ thể người dân là thấy trước mắt, không thể nói khác đi được.
Ông Viện đặt câu hỏi tại sao cho đến giờ phút này mà các cơ quan chức năng của nhà nước vẫn không hề hay biết về đường ống nước thải từ khu công nghiệp Vũng Áng đổ ra biển mà phải đợi đến ngư dân phát hiện thì mới hùa vào tán hươu tán vượn? Và ngay cả một đường ống rõ ràng, cụ thể như vậy mà còn không kiểm tra, phát hiện được thì hy vọng gì việc kiểm định chất lượng cũng như độ độc nước thải của khu công nghiệp này đổ ra biển?
Ông Viện nói thêm rằng sở dĩ khu vực Bắc miền Trung trở nên lộn xộn và đầy bất an như vậy là do tác động từ yếu tố kinh tế mang tên Trung Quốc, người Trung Quốc xuất hiện ở đây để làm ăn quá nhiều và tâm tính, thói quen của họ gây ảnh hưởng không nhỏ lên người bản địa.
Thói quen xả rác bừa bãi, chen lấn và ồn ào, kinh doanh những mặt hàng độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe đồng loại, theo ông Viện không thể là thói quen của những cư dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời như khu vực Bắc miền Trung. Mà chính những quả bom tiền có cài đặt âm mưu tàn hại đồng loại của các doanh nhân Trung Quốc cùng với đám chân rết của họ đã nhanh chóng làm tha hóa trước tiên là giới cán bộ có chức quyền, sau đó là người dân chân lấm tay bùn để rồi dẫn đến hậu quả như đang thấy.
Hậu quả lâu dài về môi trường
Ông Sớt, một ngư dân sống ở Hải Lăng, Quảng Trị, chia sẻ:
“Chết nhiều lắm. Cá chết ngoài biển dạt vào nhiều lắm. Nhà nước vẫn chưa biết nguyên nhân chết. Chủ tịch xã vùng biển không cho dân ăn cá nữa vì nguy hiểm. Nghề đánh bắt bây giờ không ai dám đi nữa vì bán đâu có được mà đánh bán nếu người ta ăn thì mình ác…”
Với kinh nghiệm của một ngư dân lâu năm, ông Sớt cho rằng hiện tượng cá chết chỉ là bề nổi, chuyện có thể nhìn thấy được. Trong khi đó tình trạng hàng triệu con cá dưới lòng nước biển khu vực Bắc miền Trung đang chết dần chết mòn vì bệnh tật mới đáng sợ. Bởi hầu hết những con cá đánh bắt được trước đây đều có đôi mắt sáng xanh và nước da bóng mẩy và giãy đành đạch trong khi mắc lưới. Điều đó chứng tỏ cá khỏe mạnh, không mang mầm bệnh.
Ngược lại, hiện nay khi kéo lưới, hầu hết cá trong lưới đã bị lờ đờ hoặc đã chết. Những con còn sống sót trong lưới thì mắt đục ngầu và nước da tái trắng, xám mờ chứ không bóng mẩy như trước. Điều này gây hoang mang không nhỏ cho những ngư dân có trách nhiệm với nghề như ông Sớt.
Sau khi nhìn thấy cá chết hàng loạt, ông Sớt đã nghỉ đánh bắt gần bờ hơn mười ngày nay. Và đây là một bài toán hóc búa cho hàng ngàn ngư dân đánh bắt gần bờ như ông Sớt. Bởi lẽ ngư trường xa bờ đã bị thu hẹp, bị Trung Quốc o ép, hành hạ, cướp phá và giết chóc, phần đông ngư dân lùi dần vào đánh bắt gần bờ. Bây giờ ngư trường gần bờ lại bị chất độc thải ra từ các khu công nghiệp mang yếu tố nước ngoài theo kiểu phát ngôn của nhà nước và của Trung Quốc theo cách nói cụ thể của người dân. E rằng người dân miền Trung hết chỗ để sống.
... Cá chết ngoài biển dạt vào nhiều lắm. Nhà nước vẫn chưa biết nguyên nhân chết. Chủ tịch xã vùng biển không cho dân ăn cá nữa vì nguy hiểm...
- Ông Sớt
Như lời than thở của một chủ kinh doanh dịch vụ du lịch yêu cầu giấu tên:
“Bây giờ cá chết, dân họ không ăn. Ngư dân thì không đi đánh cá được, dân muốn ăn thì không dám ăn. Cái này các trung tâm nghiên cứu của tỉnh, huyện, trung ương đang làm việc...”
Bà này cho rằng với đà biển càng ngày càng dơ dáy như đang thấy thì không những người nông dân bị ảnh hưởng mà ngay cả những người kinh doanh như bà cũng chịu thiệt hại không nhỏ. Bởi hầu hết khách du lịch khi biết tin nước ở vùng biển Bắc miền Trung bị ô nhiễm thì họ chuyển hướng du lịch, hoặc là trọ ở các khách sạn trong thành phố hoặc là đến những tỉnh khác để trọ.
Và hơn hết là sắp tới đây, hoặc là các quán nhậu, nhà hàng chuyên bán hải sản ở khu vực các tỉnh này phá sản hoặc là bán cẩu thả, bán liều để kiếm lãi và biến khách hàng thành nạn nhân chết từ từ bởi chất thải lẫn trong nước biển, trong các loại hải sản.
Chị cũng cho rằng kiểu nuôi hàu ở hầu hết các đầm, phá bằng vỏ lốp xe cao su hỏng cũng nhanh chóng làm cho nguồn nước trở nên dơ dáy và ô nhiễm môi sinh. Chung quy, cách làm ăn cẩu thả, ăn xổi ở thì, chỉ coi trọng đồng tiền nhưng coi thường sức khỏe từ chính quyền cho đến người dân đã nhanh chóng biến môi trường trong lành trở thành bầu thuốc độc và con người tự bơi lội trong bầu thuốc độc đó như ngày hôm nay.
Chị đã kết thúc cuộc trò chuyện bằng một nhận xét hết sức bi quan như vậy!
No comments:
Post a Comment