Cát Linh, phóng viên RFA 2016-04-24
Đường phố Sài Gòn năm 1945. AFP PHOTO
Nhà thơ Du Tử Lê từng nói, nếu tên của một người con gái nào đó xuất hiện trong nhạc phẩm của người nhạc sĩ thì thường đó là một tình yêu sâu đậm, cho dù chỉ là thoáng qua trong thời gian ngắn ngủi.
Nội dung chương trình tuần này đề cập về một cái tên được nhiều nhạc sĩ cùng nhắc đến trong các sáng tác của mình. Cái tên ấy là tình yêu sâu thẳm không chỉ của riêng người viết nhạc, mà còn là nỗi nhớ chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí của nhiều người, dù đã 41 năm đi qua.
Tách rời ra khỏi quê hương, từ bỏ quê hương thật của mình thì chỗ khác không thể nào thay thế được đâu.
- nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Đó là tình yêu dành cho Sài Gòn.
- Quê anh ở đâu?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn.
- Thế à. Thế anh rời Sài Gòn năm nào?
- Ngày cuối cùng của tháng tư năm 75.
“Mẹ đặt tên em, Nguyễn Thị Sài Gòn
Em sinh ra đời, một ngày cuối tháng Tư
Con thuyền mong manh, vẫy tay từ biệt
Gạt lệ ra đi, xin làm thân lữ thứ…” (tình ca cho Nguyễn Thị Sài Gòn)
41 năm, cái tên Sài Gòn chưa bao giờ bị xoá bỏ trong từ điển ngôn ngữ của người Việt Nam. Họ gọi hai tiếng Sài Gòn như một người thân gắn bó trong cuộc đời, với tất cả sự thương yêu và tiếc nuối.
Khi tình yêu dành cho một điều gì đó, hay một người nào đó quá lớn, lớn đến nỗi không thể đo lường được, thì tình yêu ấy thường được hoà quyện vào máu thịt. Chỉ có như thế, thì mới có thể mãi mãi không tách lìa.
Nguyễn Thị Sài Gòn của cố nhạc sĩ Việt Dzũng là tình yêu ấy, nhưng còn hơn thế nữa, tình yêu không phải của riêng ông, mà của chung một dân tộc.
Dân tộc ấy đã có một Sài Gòn, và đã mất một Sài Gòn. Để rồi Sài Gòn hoa lệ, diễm tình, Sài Gòn thơ mộng, hiền hoà chỉ còn được lưu giữ trong tâm tưởng của người ra đi, lẫn người ở lại. Người đi thì mang theo những hoài niệm về một thành phố đã xa. Mà có lẽ, hành trang ấy chỉ có thể còn trong tâm tưởng. Vì làm sao có thể giữ được tất cả kỷ vật trong hành trình đến bến bờ tự do, khi mà cái sống và cái chết không còn là sự chọn lựa của con người lúc đó.
Trong giây phút ngột ngạt và bấn loạn nhất, hàng triệu người phải lựa chọn giữa đi và ở. Và có vẻ như đó là sự lựa chọn cuối cùng họ có được trên chính mảnh đất Sài Gòn thân yêu của mình. Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn là một trong những dòng người đó. Ông đã chọn đi, để có thể giữ mãi trong trái tim ông hình ảnh của một người tình. Ông đi, để nhớ mãi những đêm hè, quán nhạc. Ông đi, để còn có thể gọi tên người tình ấy, người tình mà ông gọi là Sài Gòn. Ông gọi tên người tình ấy trong sáng tác của mình.
“Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
Như dòng sông nước quẩn quanh buồn
Như người đi cách mặt xa lòng
Ta hỏi thầm em có nhớ không
Sài Gòn ơi! Đến những ngày ôi hè phố xôn xao
Trong niềm vui tiếng hỏi câu chào
Sáng đời tươi thắm vạn sắc màu
Nay còn gì đâu...” (Sài Gòn niềm nhớ không tên)
Như dòng sông nước quẩn quanh buồn
Như người đi cách mặt xa lòng
Ta hỏi thầm em có nhớ không
Sài Gòn ơi! Đến những ngày ôi hè phố xôn xao
Trong niềm vui tiếng hỏi câu chào
Sáng đời tươi thắm vạn sắc màu
Nay còn gì đâu...” (Sài Gòn niềm nhớ không tên)
“Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ như vậy. Như cái cây mà bị bứng ra khỏi đất của nó, mang sang trồng sang chỗ nào khác thì nó cũng có thể sống được, nhưng hoa trái của nó sẽ không còn mang cái vị của nó nữa. Thành ra, khi người ta ước mơ người ta đi thì có nghĩa là cái đất nó đã chua rồi. Chỉ có đi thì may ra còn nuôi được, chứ tình cảm trong đó thì đã chết hết.”
Nếu Sài Gòn của Nguyễn Đình Toàn, của Việt Dzũng được viết lên cho tình yêu về một thành phố đã thuộc về quá khứ, thì Sài Gòn trong ca khúc của Lê Uyên Phương, hay của Trầm Tử Thiêng lại là Sài Gòn viết cho một cuộc tình.
... khi người ta ước mơ người ta đi thì có nghĩa là cái đất nó đã chua rồi. Chỉ có đi thì may ra còn nuôi được, chứ tình cảm trong đó thì đã chết hết.
“Sài-gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài-gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài-gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài-gòn khói bay, Sài-gòn nắng đổ
Sài-gòn đã buồn như trời sớm mai…” (Khi xa Sài Gòn)
“Khi xa Sài Gòn” là một ca khúc rất đặc biệt của cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ từ thơ Kim Tuấn. Hai từ Sài Gòn được nhắc đến ở mỗi đầu câu hát, từ câu đầu tiên cho đến câu cuối cùng. Ngay từ câu hát đầu tiên, người nghe, hay nói cách khác, người của Sài Gòn đã thấy hiện lên trong tâm trí một niềm khắc khoải xen lẫn nỗi nhớ về những đêm thành phố giới nghiêm, hoàn toàn yên lặng trong đêm tối. Nơi phương xa, họ tự hỏi rằng Sài Gòn của mình bây giờ trời đang mưa hay đầy nắng? Những hình ảnh rất thân quen với ngọn đèn đường xanh, đỏ, với những con đường ngái ngủ buổi sớm mai được tác giả nhắc đến trong ca khúc như đang cố gắng níu kéo một điều gì đó của Sài Gòn đang thuộc về quá khứ.
Điều đó là gì?
“Bài Khi xa Sài Gòn là một bài thơ tình của nhà thơ Kim Tuấn sống ở Pleiku mà anh Lê Uyên Phương và tôi có dịp gặp gỡ và quen biết anh nhân một chuyến lưu diễn, một tuần lễ văn hoá tổ chức ở Pleiku. Trong những bài thơ mà anh khoe với chúng tôi thì anh Lê Uyên Phương cảm được bài Khi xa Sài Gòn để phổ thành ca khúc. Ý nghĩa chính của nó là một bài thơ tình viết của một người từ Pleiku nhớ về người yêu của mình ở Sài Gòn, được sáng tác trong giai đoạn chiến tranh bùng nổ lên cao điểm là 1972. Còn nhà thơ Kim Tuấn viết bài thơ đó, nếu tôi nhớ không lầm là vào thời 1970, cũng là thời khốc liệt lắm, cũng có giai đoạn Sài Gòn bị giới nghiêm lúc 7 giờ tối.”
Cũng như nỗi nhớ của nhà thơ Kim Tuấn và cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương, Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng là một Sài Gòn gắn bó với một thời tuổi trẻ. Khi ông xa lìa nơi ấy, ông mang theo tình quê, tình mẹ, và tình yêu dành cho người một trời yêu thương.
“Đêm nhớ về Sài Gòn
Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi
Đường im nghe quá khứ trong sầu
Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau
Tình lẻ loi canh thâu…” (Đêm nhớ về Sài Gòn)
Đêm nhớ về Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng là những mảng ghép của Sài Gòn ngày cũ. Ông góp nhặt rồi thấy mình như đứa trẻ mồ côi lạc loài.
Theo một lần trò chuyện về ca khúc Đêm nhớ về Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng cùng nhà thơ Du Tử Lê, ông nói rằng linh hồn của nhạc phẩm này và ca khúc Mười năm yêu em là một. Nhạc sĩ họ Trầm viết dành cho một cuộc tình mà ông đã gửi lại Sài Gòn.
“Khi ông ấy nhớ lại một cuộc tình, hơi bi thảm, và tôi cho rằng vì cuộc tình ấy mà gần như cả cuộc đời ông ấy không có gia đình. Cái bài tiêu biểu cho cuộc tình bi thảm và thuỷ chung của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, đó là ‘Đêm nhớ về Sài Gòn’.”
“Ông ấy viết Mười năm yêu em là vì khi ông ấy qua đây là mười năm, cũng là thời điểm ông ấy viết Đêm nhớ về Sài Gòn. Như tôi hiểu, như tôi biết, sở dĩ ông ấy trân trọng như vậy là bởi vì người phụ nữ đó cho đến ngày ông ấy mất thì vẫn không có lập gia đình. Vì vậy ông ấy rất trân trọng mối tình ấy.”
Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn từng nói rằng khi ông phải lìa xa quê hương, lìa xa Sài Gòn, ông thấy mình như một kẻ không có chỗ trú thân.
“Tách rời ra khỏi quê hương, từ bỏ quê hương thật của mình thì chỗ khác không thể nào thay thế được đâu.”
Có lẽ chính vì thế mà kể từ ngày Nguyễn Thị Sài Gòn của cố nhạc sĩ Việt Dzũng được sinh ra, thì cũng là lúc Sài Gòn của Nguyễn Đình Toàn đã thuộc về một miền quá khứ.
Khi con người đã mất đi cái tên của mình thì họ sẽ nhân danh ai để hiện hữu? câu hỏi này cho đến tận hôm nay, nhà văn/nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn cũng như tất cả những ai thuộc về Sài Gòn ngày cũ vẫn chưa tìm được câu trả lời. Từ đó, những ca khúc có tên gọi Sài Gòn vẫn mãi mãi gợi cho bao người một niềm thương nhớ khó nguôi ngoai.
No comments:
Post a Comment