Sunday, April 24, 2016

Công an một số nơi gặp 'đại hạn'

SÀI GÒN (NV) - Những cá nhân khởi tố chủ quán Xin Chào ở Bình Chánh, Sài Gòn, sẽ bị xử lý. Tương tự những cá nhân tống giam bà Nguyễn Thị Anh Ngọc ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, sẽ bị điều tra.

Quán Xin Chào đóng cửa. (Hình: SGGP)

Tình trạng lạm quyền của công an Việt Nam đã đẩy sự phẫn nộ của công chúng lên đến đỉnh điểm và hệ thống công quyền ở Việt Nam đang “chữa cháy,” ít nhất là trong hai vụ vừa kể.

Tuần trước, công chúng Việt Nam sôi sùng sục về chuyện ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán Xin Chào sẽ phải hầu tòa vì “kinh doanh trái phép” vào ngày 28 Tháng Tư sắp tới.

Ông Tấn mở quán hồi Tháng Tám năm ngoái và năm ngày sau khi khai trương thì bị công an huyện Bình Chánh lập biên bản vì chưa có “giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”

Trong thực tế, ông Tấn đã nộp hồ sơ xin “giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” nhưng chưa nhận được giấy này.

Đến Tháng Chín năm ngoái, vì ông Tấn đã có “giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,” khi kiểm tra quán Xin Chào, công an huyện Bình Chánh lập thêm một biên bản nữa vì ông Tấn không có “giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.”

Hai biên bản này là căn cứ để công an huyện Bình Chánh khởi tố ông Tấn “kinh doanh trái phép.” Viện Kiểm Sát Huyện Bình Chánh truy tố ông Tấn và Tòa Án Huyện Bình Chánh lên lịch xử ông tại tòa.

Sau khi báo chí Việt Nam nêu trường hợp ông Tấn, công chúng xúm vào chỉ trích sự nghiêm khắc vừa trái pháp luật (không thể xem “vi phạm” của ông Tấn là “kinh doanh trái phép” rồi truy cứu trách nhiệm hình sự), vừa đáng ngờ của công an huyện Bình Chánh, vì người ta phát giác ông Nguyễn Văn Bỉ, người cho ông Tấn thuê đất mở quán Xin Chào, cũng bị công an huyện Bình Chánh khởi tố do “vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.” Hành vi “vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” của ông Bỉ chỉ là dựng một cái chòi bằng lá để... chăn vịt!

Báo chí Việt Nam nhận định, ông Tấn và ông Bỉ cùng bị công an khởi tố, viện kiểm sát truy tố vì một người can tội thuê, một người can tội làm chủ khu đất được xem như vàng do nằm giữa khu hành chính và khu dân cư chính của huyện Bình Chánh. Cả hai trở thành tội phạm do đại tá trưởng công an huyện Bình Chánh muốn mua khu đất vàng đó với giá rẻ!

Cuối cùng, do nước đã tràn ly, cả thủ tướng Việt Nam lẫn bí thư thành ủy ở Sài Gòn phải yêu cầu xem lại vụ Xin Chào, Viện Kiểm Sát Tối Cao yêu cầu đình chỉ vụ án “kinh doanh trái phép,” yêu cầu xin lỗi ông Tấn, đình chỉ công tác hai kiểm sát viên của Viện Kiểm Sát Huyện Bình Chánh. Giám đốc công an thành phố Sài Gòn thì hứa sẽ xử lý những cá nhân liên quan tới vụ khởi tố ông Tấn.

Vụ án liên quan tới ông Bỉ và số phận ông thế nào thì chưa rõ.

Ở Đồng Nai, Ban Nội Chính của tỉnh ủy cũng vừa mới yêu cầu công an huyện Nhơn Trạch hủy bỏ việc tạm giam bà Nguyễn Thị Anh Ngọc và loan báo sẽ tiếp tục điều tra vụ khởi tố bà Ngọc với cáo buộc “chống người thi hành công vụ.”

Bà Ngọc là người tố cáo việc khai thác cát trái phép ở huyện Nhơn Trạch. Đó cũng là lý do bà Ngọc và thân nhân bị bảo vệ của ban quản lý rừng trói, đánh, dọa giết do đập bể nồi cơm của nhiều người. Do áp lực của báo chí, Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai phải đề nghị công an huyện Nhơn Trạch điều tra việc bà Ngọc bị trói, đánh và tài sản bị hủy hoại.

Ngày 19 Tháng Tư, công an huyện Nhơn Trạch mời bà Ngọc đến cung cấp thông tin về chuyện bị các nhân viên bảo vệ rừng “bắt giữ trái phép,” bị hành hung và tài sản bị hủy hoại. Thế nhưng đến nơi thì bà Ngọc lại bị còng vì “chống người thi hành công vụ” hồi Tháng Chín năm ngoái, thời điểm bà Ngọc ngăn cản việc khai thác cát trái phép.

Thân nhân của bà cung cấp một video clip cho thấy, bà Ngọc và thân nhân đã gọi điện thoại cho công an nhưng ba tiếng sau công an mới tới và đến nơi thì khoanh tay đứng nhìn những người khai thác cát trái phép hăm dọa, đuổi đánh bà Ngọc. (G.Đ)

24-04-2016

No comments:

Post a Comment