Theo BBC-11 tháng 4 2016
Một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế dự đoán khả năng người thay thế Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, trong tương lai và cuộc chuyển giao quyền lực đã đang diễn ra ở Việt Nam hậu Đại hội 12.
Trao đổi với BBC tuần này từ Úc, Giáo sư Carl Thayer, nói:
"Nếu tôi là một người đánh cá trong một cuộc đua, cho cuộc đua vào năm sau, tôi nghĩ ông Đinh Thế Huynh sẽ một ứng viên được bỏ phiếu, đặc biệt ông đứng cạnh một bên với ông Trần Đại Quang, người đã được bầu trở thành Chủ tịch nước, và phía bên kia là đứng cạnh ông Nguyễn Phú Trọng.
"Có nhiều điều còn giữ kín, nhưng cũng có những kẽ hở thông tin, ông ấy là một ứng viên rất có nhiều khả năng, câu hỏi vừa đặt ra với Việt Nam Đại hội ĐCS Việt nam vừa rồi là tại sao một Đại hội Đảng toàn quốc, với nhiều lãnh đạo lão thành sắp ra đi, lại không thể tìm ra được ngay một ứng cử viên cho vị trí đó mà phải tạm hoãn quyết định lựa chọn đó cho tới muộn hơn."
"Trong trường hợp của Mỹ, để thay thế ông Obama, người ta đã đưa ra được nhiều ứng cử viên cạnh tranh, ví dụ như là bà Hillary Clinton, hay là ông Donald Trump chẳng hạn. Tôi nghĩ nếu việc đó được chuẩn bị đúng cách thì người ta từ lâu đã có câu trả lời ai là ứng cử viên được lựa chọn đó và ông Nguyễn Phú Trọng lẽ ra đã về nghỉ.
Bình luận về hai nhân vật trong tam trụ vừa mới nhậm chức là tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, học giả từ Úc nói:
"Nhìn vào trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Ngân, và chúng ta nhìn vào tất cả các kết quả lấy tín nhiệm tại Quốc hội Việt Nam, hay tại nội bộ Đảng, bà luôn luôn ở đầu bảng và bà thực sự là một trường hợp ấn tượng."
"Ông Trần Đại Quang với tôi là một dấu hỏi, nhưng ít nhất ông đã tới Hoa Kỳ trước khi được thăng chức, ông cũng có kinh nghiệm trong Bộ Chính trị, trước Đại hội 12.
"Nhưng nền tảng phục vụ công quyền của ông đặt ra một câu hỏi, ông tới từ một bộ được cho là có khuynh hướng bảo thủ, với nhiều tuyên bố liên quan tới chống diễn biến hòa bình, một luận điểm có vẻ đã lỗi thời với tôi, trong bối cảnh ông Trọng đã gặp ông Obama và hai bên tuyên bố tôn trọng chế độ chính trị của nhau.
"Do đó tôi nghĩ là chúng ta sẽ phải chờ đợi và theo dõi, và từ các vị tiền nhiệm như ông Lê Đức Anh đi lên từ một tướng quân sự, ông Trần Đức Lương từ một nhà địa chất, vẫn đều luôn đặt ra các tranh luận về quyền lực thực sự của Chủ tịch nước, trong tương quan với quyền lực của Thủ tướng Chính phủ, kể từ bản Hiến pháp Việt Nam năm 1992.
"Nhưng tôi nghĩ ông Trần Đại Quang sẽ là một nhân vật chính, nhất là trong cương vị mà ông vừa nhậm chức là Chủ tịch nước, nhưng tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để xem ông sẽ có vai trò cá nhân như thế nào, vì lãnh đạo một Bộ Công an vẫn là một công việc 'khá yên tĩnh' hơn so với việc lãnh đạo một hệ thống công quyền lớn hơn trong cương vị mới."
Đón tiếp Obama
Bình luận về việc ông Nguyễn Tấn Dũng đã thôi chức Thủ tướng Chính phủ và trước thông tin gợi ý rằng ban lãnh đạo Việt Nam muốn một ê-kíp tứ trụ mới đón tiếp tổng thống Mỹ, ông Barack Obama, trong chuyến thăm dự kiến vào tháng Năm đến Việt Nam tới đây, Giáo sư Carl Thayer nói:
"Bây giờ thì ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ không thể tiếp đón ông Obama trong cương vị cũ vào tháng Năm, nhưng tôi hy vọng và nghĩ là người ta nên mời ông ấy đến tham dự buổi lễ đón tiếp.
"Nhưng tôi nghĩ bây giờ điều quan trọng là Việt Nam nên nhìn tới và hành động với bối cảnh lãnh đạo mới, trong khi ông Obama, bản thân ông ấy cũng ở trong tình thế 'Tổng thống vịt què' (ám chỉ sắp hết quyền lực).
"Điều quan trọng là ban lãnh đạo mới, tân Chủ tịch nước và tân Thủ tướng gặp gỡ với ông Obama và di sản mà họ bàn thảo và chấp nhận sẽ được tiếp nối.
"Bởi vì ông Obama sẽ rời chính trường, nhưng với tôi cũng thật tiếc vì ông Nguyễn Tấn Dũng là người đã thực sự giúp nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam, trong cương vị của một Thủ tướng cá biệt, chứ không phải là một vai trò tập thể.
"Nhưng tôi nghĩ là tân Thủ tướng cần phải được biết tới về kinh tế của Việt Nam, cần phải được biết đến trên trường quốc tế và phải đóng một vị trí mạnh mẽ hơn là một nhân vật phụ.
"Do đó, tôi nghĩ ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cơ hội gặp ông Obama trong vai trò Thủ tướng, ông Trần Đại Quang sẽ gặp người đồng nhiệm trong vai trò Chủ tịch nước.
"Và ông Obama sẽ nghỉ hưu, nhưng ông Quang trong cương vị nhà lãnh đạo nhà nước khi đã gặp Tổng thống Mỹ, tới đây ông ấy sẽ thăm Mỹ tại một thời điểm nào đó."
Lúng túng đối ngoại
Việt Nam sắp tiếp đón Tổng thống Mỹ, nhưng gần đây một blogger hàng đầu, ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã bị kết án tù nhiều năm vì viết blog, theo điều 258 của Bộ luật Hình sự, đồng thời trong một động thái hy hữu khác, chính quyền Việt Nam công bố đã bắt một tàu của Trung Quốc trên Biển Đông trong lúc quan hệ Việt - Trung được hai bên tuyên bố là cần được tăng cường theo các phương trâm bốn tốt và mười sáu chữ vàng v.v...
Bình luận về các diễn biến được cho là có phần 'khá khó hiểu', thậm chí có vẻ 'khá mâu thuẫn' này, học giả từ Úc nói tiếp:
"Động thái xử tù giam với blogger là một bước lùi, bởi vì ông Obama sẽ luôn luôn nhấn mạnh vấn đề cải thiện nhân quyền, trong lúc hai bên có các hợp tác quan trọng mà trong đó có lĩnh vực về an ninh quốc phòng, do đó mà ở đây Việt Nam đã tự tạo ra một điểm lùi trong tiến trình của mình.
"Bây giờ Hoa Kỳ đã đồng ý nới lỏng bán vũ khí sát thương trên cơ sở xem xét từng trường hợp liên quan tới phòng vệ bờ biển, họ sẽ thấy động tác này dù thế nào là không thể chấp nhận.
"Vụ bắt tàu của Trung Quốc xảy ra ở khu vực vịnh Bắc Bộ hơn là ở khu vực tranh chấp nóng ở Biển Đông, tôi thấy hành động này có vẻ xảy ra đồng lúc với các đáp trả của Indonesia và Malaysia, mà đặc biệt là trường hợp của Indonesia, đối lại trước các động thái trên Biển của Trung Quốc, nhưng đây là một sự việc xảy ra ở một vùng biển mà Việt Nam vững vàng hơn về mặt chủ quyền...
"Tuy nhiên, nhìn rộng ra, Việt Nam hiện đang có một hợp tác khó khăn với Trung Quốc và Hoa Kỳ, các vi phạm của Trung Quốc đối với Việt Nam có vẻ bị bỏ qua, hoặc coi nhẹ, trừ phi Việt Nam lựa chọn làm như thế, trong khi việc Việt Nam kết án blogger hàng đầu rõ ràng là một bước lùi.
"Và trong tổng thể nhiều động thái khác, các sự kiện này chỉ cho thấy không có phe cánh nào trong nội bộ ban lãnh đạo chính trị Việt Nam đã thực sự chiến thắng trò chơi ở Đại hội Đảng vừa qua.
"Và cả hai phía đối địch đều chưa biết cách làm thế nào để cân bằng mối quan hệ cùng một lúc giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ," học giả và nhà phân tích chính trị nói với BBC.
Quý vị có thể tham khảo bình luận của Giáo sư Carl Thayer về việc vì sao ban lãnh đạo Việt Nam đã chọn ông Nguyễn Xuân Phúc thay ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng Chính phủ tại đây.
No comments:
Post a Comment