Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-04-11
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (P) bắt tay với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tại Hà Nội hôm 27/3/2016. AFP photo
Đầu tháng Tư, một tàu Trung Quốc bị bộ đội biên phòng Hải phòng bắt giữ. Tin này được truyền thông Việt Nam đưa tin, gọi đích danh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam.
Có phải Việt Nam cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc hay không? Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp một chuyên gia về các quan hệ Quốc tế hiện làm việc tại Singapore dành cho Kính Hòa buổi tao đổi sau đây.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Lâu nay thái độ của Việt Nam đối với các tàu vi phạm của Trung Quốc là họ thường xua đuổi ra khỏi vùng biển Việt Nam, tuy nhiên vừa rồi Việt Nam lại cho bắt giữ và công khai các thông tin này trên báo chí chính thống. Tôi nghĩ rằng về phương diện nào đó có sự thay đổi trong thái độ của Việt Nam đối với vấn đề này, thể hiện một quan điểm cứng rắn hơn.
Tôi nghĩ đó là hệ quả từ việc Trung Quốc trong thời gian vừa qua ngày càng có hành động xác quyết, có sự áp đặt trên biển Đông, làm phương hại tới lợi ích của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Việt Nam mặc dù muốn duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông, nhưng Việt Nam cũng muốn không thể để cho Trung Quốc một mình tùy tiện áp đặt cái sức mạnh của mình mà hại đến quyền lợi của Việt Nam ở đó. Phản ứng ngày càng cứng rắn hơn của Việt Nam là điều bình thường và hoàn toàn dễ hiểu.
Kính Hòa: Điều đó có khi nào phản ánh thay đổi nhân sự mới của Việt Nam, hay là trong thời gian qua Việt Nam đã đạt được trên phương diện ngoại giao niềm tin với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ chăng?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Chúng ta khó có thể xác định nguyên nhân chính xác sau sự kiện này là gì. Tôi nghĩ rằng nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam muốn thể hiện một thái độ cương quyết hơn, cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng áp đặt sức mạnh trên biển Đông.
Cũng có thể nó liên quan ít nhiều đến quá trình thay đổi nhân sự ở Việt Nam gần đây, cũng như là vị thế được tăng cường của Việt Nam thông qua mối quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác. Tuy nhiên điều tôi chắc chắn hơn cả là Việt Nam muốn thể hiện một sự cứng rắn hơn của mình trong thái độ với Trung Quốc, do Việt Nam không thể tiếp tục kéo dài sự im lặng hay nhún nhường trước những vi phạm của Trung Quốc.
Kính Hòa: Trở lại quan hệ giữa Việt Nam và các nước khác trong việc đối đầu với Trung Quốc thì từ lâu đã nói đến sự xuất hiện của Nhật bản. Hiện một chiếc tàu ngầm hiện đại của Nhật bản đang thăm Philippines, và có thể nó sẽ thăm Cam Ranh của Việt Nam nữa. Theo ông đánh giá thì có phải là quan hệ giữa Nhật và các nước Đông Nam Á ngày càng phát triển hơn không? Và có thực chất để có thể đối chọi với Trung Quốc không?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Tôi vẫn cho rằng Nhật Bản là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh đặc biệt là an ninh hàng hải. Chúng ta thấy Nhật Bản là một cường quốc trong khu vực, có lợi ích gắn bó với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh và tìm cách kiểm soát các vùng biển trong khu vực.
Khác với các cường quốc khác như Hoa Kỳ chẳng hạn, gần đây họ có quan tâm hơn tới khu vực, tới an ninh hàng hải, tuy nhiên Hoa Kỳ không phải là cường quốc trong khu vực, và họ lại có những quan tâm trên toàn cầu. Nhiều khi các quốc gia trong khu vực cũng không tin tưởng tuyệt đối sự cam kết của Hoa Kỳ trong khu vực. Ngược lại Nhật Bản ở trong khu vực nên có sự cam kết lâu dài và bền vững hơn. Trong thời gian qua dường như Việt Nam cũng nhận thức được điều đó và phát triển quan hệ với Nhật Bản. Sự chú tâm đó cũng được tương tác trở lại bằng sự trỗi dậy của Nhật Bản, sự điều chỉnh chính sách của Nhật Bản trong thời gian gần đây trong sự lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Khi có tương tác như vậy thì rất dễ hiểu là có sự phát triển trong quan hệ hai nước trên quan hệ an ninh quốc phòng.
Việt Nam và Nhật Bản cũng như Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực đã có sự xích lại gần nhau, hợp tác chặt chẽ hơn đối phó với những thách thức mới, đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc, việc Trung Quốc mở rộng tham vọng của mình trên biển Đông.
Kính Hòa: Ngay khi chúng ta nói chuyện đây thì ở Nhật Bản diễn ra hội nghi G7, rồi sau đó là G7 mở rộng. Trong chương trình nghị sự nước chủ nhà có đưa ra vấn đề biển Đông. Ông có nghĩ rằng các cường quốc kinh tế sẽ đi đến được một điều gì đó về biển Đông hay không, vì không phải cường quốc nào cũng có thể đối đầu với Trung Quốc vì có những lợi ích kinh tế?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Trong G7 có những quốc gia quan tâm đến biển Đông nhiều hơn, đặc biệt là Hoa kỳ và Nhật bản. Trong bối cảnh có sự trỗi dậy của Trung Quốc, những hành động của Trung Quốc trên biển Đông, thì có thể vấn đề biển Đông sẽ trở thành tâm điểm cho sự cạnh tranh giữa các cường quốc với nhau, và có những nước như Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng muốn tận dụng vấn đề biển Đông này để gây sức ép lên Trung Quốc.
Việt Nam thì tôi được biết là tân Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được mời tham gia hội nghị G7 mở rộng. Tôi cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy các cường quốc trong khu vực, G7, cụ thể là Nhật Bản và Hoa Kỳ muốn Việt Nam can dự nhiều hơn, muốn Việt Nam trở thành đối tác để xử lý vấn đề biển Đông, ứng phó với tham vọng hàng hải của Trung Quốc ở Hoa Đông và biển Đông.
Riêng chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc đi Nhật Bản cũng là một chỉ dấu cho thấy sự phát triển quan hệ chiến lược Việt Nam - Nhật Bản. Mọi người còn nhớ là cách đây 5 năm khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử nhiệm kỳ hai thì quốc gia đầu tiên ông đi thăm cũng là Nhật Bản. Lần này có lẽ cũng là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc.
Kính Hòa: Với tất cả những nỗ lực đó, những quan tâm của các cường quốc, như là Mỹ, Nhật Bản, thậm chí là Ấn Độ, thì liệu là cái chiến lược gọi là tằm ăn dâu rất nguy hiểm của Trung Quốc có bị dừng lại hay không?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Trung Quốc sẽ cảm thấy áp lực nhưng chắc chắn họ không dừng lại. Tôi nghĩ chỉ khi nào họ gặp khó khăn trong nước, hoặc là hoàn tất các kế hoạch của mình thì họ sẽ cân nhắc, chứ còn tác động bên ngoài tôi không nghĩ là có nhiều hiệu quả.
Kính Hòa: Xin cám ơn ông.
No comments:
Post a Comment