Monday, April 11, 2016

Hậu đại hội 12: Thống đốc Bình bị ‘đá hậu’ về Ban Kinh tế trung ương?

Vào cuối kỳ họp thứ 11 của Quốc hội Việt Nam, trong khi ông Lê Minh Hưng được vinh danh là “thống đốc ngân hàng trẻ nhất trong lịch sử Ngân hàng nhà nước”, thì nhiều người không bất ngờ khi không nhận ra cái tên Nguyễn Văn Bình trong danh sách trình và thông qua của chính phủ mới.


Cựu thống đốc Nguyễn Văn Bình đã bị đảng “lấy mỡ nó rán nó”?
Trước đó, đã có tin cho rằng một khi được cơ cấu vào Bộ chính trị, ông Nguyễn Văn Bình sẽ được đảm nhiệm chức vụ phó thủ tướng. Thậm chí có tin còn cho biết ông Bình có khả năng trở thành phó thủ tướng thường trực.
Tuy nhiên, 3 nhân vật được bổ sung dàn phó thủ tướng Việt Nam là Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình và Trịnh Đình Dũng.
Vậy ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình đi đâu?
Nguồn tin BBC cho biết ông Bình sẽ được điều về Ban Kinh tế trung ương.
Trong thực tế, vị thế của Ban Kinh tế trung ương được coi là thấp nhất trong số các ban đảng. Vào năm 2013, ông Vương Đình Huệ sau khi thất cử Bộ chính trị đã phải về ban này như một cách ngồi chơi xơi nước.
Còn giờ đây, khi cậu học trò nghèo xứ Nghệ nghiễm nhiên trở thành phó thủ tướng thì nhân vật đầy quyền lực Nguyễn Văn Bình lại trám ngay vào chỗ hầu như chẳng có quyền hành gì của ông Huệ.
Có thể, Tổng bí thư Trọng đã chẳng tin và cũng chẳng muốn dùng một người như ông Bình.
Nguồn cơn nào đã sinh ra nông nỗi ấy?
Cần nhắc lại, từ tháng 8/2011 khi chính phủ mới được hình thành, Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm thống đốc Ngân hàng nhà nước và mau chóng được coi là “cánh tay mặt” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Từ 2011 đến 2015, ông Nguyễn Văn Bình đã trở nên nổi tiếng với các chiến dịch “lấy mỡ nó rán nó” liên quan đến vàng, “nhảy múa” các tỷ lệ nợ xấu, cấp phát tín dụng và bị đồn đoán về lợi ích dày cộm liên quan đến chuyện sáp nhập các ngân hàng thương mại. Một tạp chí có uy tín quốc tế là Global Finance đã xếp “Nguyễn Văn Bình là một trong 20 thống đốc kém nhất thế giới”.
Tuy nhiên, vị thế của ông vẫn yên ấm với sự bảo đảm của Thủ tướng Dũng.
Nhưng từ giữa năm 2015, cùng với chiến dịch “luân chuyển cán bộ” do Ban tổ chức trung ương thực thi mà đã khiến phe ông Nguyễn tấn Dũng lâm vào tình cảnh khốn đốn vì mất quá nhiều nhân sự, đã xuất hiện khá nhiều tin ngoài lề về việc Thống đốc Bình bị điều tra liên quan đến vài ngân hàng thương mại, trong đó có Ngân hàng Phương Nam.
Cũng trong thời gian từ giữa năm đến gần hết năm ngoái, người ta gần như không thấy Nguyễn Văn Bình xuất hiện trên mặt công luận như thói quen thường thấy trước đó. Thay vào đó là một số cấp phó của cơ quan Ngân hàng nhà nước. Chính vào lúc này, hai hội nghị trung ương 13 và 14 đã diễn ra với phần thất lợi nghiêng dần và rồi nghiêng hẳn về Thủ tướng Dũng.
Tuy vậy sau Hội nghị 14 và đến gần đại hội 12, Thống đốc Bình tái xuất hiện. Cùng lúc, nghe nói về một danh sách đề cử ủy viên mới cho Bộ chính trị, trong đó có tên ông Bình.
Tại đại hội 12, cùng với bất ngờ Thủ tướng Dũng phải chịu thất bại cay đắng, là việc Nguyễn Văn Bình nghiễm nhiên trở thành tân ủy viên bộ chính trị.
Ngay lập tức đã xuất hiện một số dư luận cho rằng ông Bình đã “trở cờ” bằng hành động rời bỏ chủ cũ là Thủ tướng Dũng để “nhảy” sang chủ mới là những người bên đảng.
Sau đại hội 12, ông Nguyễn Văn Bình không những không phải chịu một án kỷ luật hoặc pháp luật nào do nhiều “thành tích” về những khuất tất tài chính và điều hành, mà còn “nâng lên một tầm cao mới”, trong khi chủ cũ của ông là Thủ tướng Dũng phải ngậm ngùi ra đi.
Câu hỏi vẫn đọng lại là vì sao Thống đốc Bình lại thoát hiểm một cách ngoạn mục trong thế cờ đổi trắng thay đen như thế?
Ngay sau khi Thủ tướng Dũng rút lui tại đại hội 12, trên mạng đã xuất hiện thông tin về một bản cáo trạng dày đến 313 trang của bên đảng cáo buộc ông Dũng về nhiều vấn đề, trong đó có những khuất tất về tài chính.
Giờ đây, khi bàn cờ chính trị đã gấp lại và ông Nguyễn Tấn Dũng trắng tay quyền lực lẫn thủ hạ thân tín, người ta mới nhận ra rằng những người bên đảng đã thâm đến thế nào trong cung cách cư xử với Nguyễn Văn Bình: lấy mỡ nó rán nó.
04/10/2016 - 18:49
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment