Wednesday, February 24, 2016

Chuyện bầu cử ở Việt Nam

Lê Văn (Danlambao) - ...Ai sẽ là ứng viên đại biểu QH ngoài đảng được tham gia bầu cử, về thực tế nó thuộc về quyền quyết định của Công an và MTTQ chứ không phải của dân, cá nhân đó phải "Trung thành với Tổ quốc và hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, gương mẫu chấp hành pháp luật..." cùng nhiều khó khăn khác như MTTQ có đề cử không, có phương tiện báo chí thông tin riêng để vận động, chưa kể bọn côn đồ đỏ sẽ gây khó khăn... Nhưng sẽ là điều ngạc nhiên khi ông Nguyễn Phú Trọng làm ngơ để cho màn tự ứng cử được diễn ra trong vòng kiểm soát vì vừa "làm một công nhưng được hai việc" vừa có màn trình diễn "rất dân chủ trong bầu cử tại VN" nhưng "dân chủ sẽ thua và cộng sản vẫn thắng..."

*

Giới hoạt động dân chủ trong nước cùng vài cá nhân ở ngoài nước đang làm rộ lên phong trào tự ứng cử vào quốc hội nhân dịp Việt Nam sắp tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 5/2016, một hiện tượng chính trị mới đang gây nên nhiều ý kiến thuận lẫn ngược. 

Tự ứng cử là những khao khát muốn thay đổi, muốn được thực hiện quyền làm chủ của mình cho đất nước mình, để đánh thức người dân về quyền bầu cử và ứng cử của họ?

Theo Hiến pháp VN năm 2013, Điều 69: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 6: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.?

Phong trào dân chủ nay đông hơn, mạng xã hội liên kết nhiều người hơn, thông tin nhanh hơn, sự thật dễ phơi bày hơn đang tạo thế thuận lợi để đưa cương lĩnh ứng cử vào quần chúng, tranh thủ sự ủng hộ của cử tri để nhằm so sánh với các "đại biểu QH hiện giờ không bị bắt buộc phải hiểu biết về chính trị hay lập pháp, luật lệ, phần lớn là nghiệp dư, cứ mỗi năm tới gặp nhau chờ chính phủ đưa ra những dự án luật này luật kia rồi họp nhóm rồi cho ý kiến và cuối cùng thì bấm nút thế là xong!”? theo lời chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành.

Qua cao trào tự ứng cử nầy thì đây là “Trò chơi” hay “Cuộc chiến”? hay có thể biến quyền hão thành quyền thực?

Tự ứng cử có phải là cò mồi cho CS? hoặc Đảng cộng sản Việt Nam cướp được chính quyền là “bên thắng cuộc", nhưng thắng cuộc không có nghĩa là thắng cử? 

Có thêm đề nghị nên ra ứng cử ngay tại địa bàn của các ủy viên bộ chính trị đảng cộng sản, đặc biệt là của “tứ trụ triều đình" để cho người dân nghe kế hoạch hành động, cương lĩnh cụ thể của “tứ trụ” để so sánh với những ứng cử viên khác và nếu không đắc cử thì có mất gì? khi dân lại được nghe cương lĩnh của cả hai bên rồi sau đó người dân nhận ra về quyền bầu cử và ứng cử của họ hoặc nghiệm ra được các quyền khác mà mình chưa biết?

Nhưng toàn cảnh thực tiễn cần chú ý: 

Giữa tháng 1/2016, đại hội đảng cs "thể hiện dân chủ đến thế là cùng" đã chọn ra 1 ông tổng bí thư, 1 vị là chủ tịch nước, 1 thủ tướng và nhất là 1 bà chủ tịch quốc hội mới khi quốc hội này còn 4 tháng nữa mới bầu, chưa có đại biểu, Mặt trận tổ quốc chưa "hiệp thương" giới thiệu, dân chưa nghe chưa thấy bà giới thiệu "cương lĩnh ứng cử", dân chưa được đi bầu, phiếu chưa đếm...

Thứ Ba 2/2/2016 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử do Bộ Chính trị tổ chức cho biết “dự kiến" 80 ủy viên trung ương tham gia Quốc hội, đại diện khối doanh nghiệp là 7 người, đại biểu ngoài đảng cộng sản từ 25 đến 50 người, (lấy trung bình là 33 - ghi thêm) 380 đại biểu còn lại đa số là đảng viên cộng sản. Như vậy theo kế hoạch trên QH tới sẽ có 33 trên tổng số 500 đại biểu ngoài đảng.

UBTVQH cũng yêu cầu "việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử phải bảo đảm theo đúng quy trình, trong đó phải bảo đảm việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật…" “tuyệt đối không để hình thành các cá nhân đối lập" hoặc “các tổ chức xã hội dân sự đối lập", “tuyệt đối không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập" hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", đương nhiên hễ ai lập hội lập đảng là sẽ bị dập tắt ngay từ trong trứng nước.

Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội quy định một ĐBQH phải có những tiêu chuẩn sau đây:

1. Trung thành với Tổ quốc và hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh, chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật.

Có 4 hành vi bị cấm trong vận động bầu cử, gồm:

1. Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.

2. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

3. Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình. 

4. Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử trị

Rõ ràng việc đề cử chỉ là “độc quyền của Đảng", ngoài “vài” người được Đảng lựa chọn “ngầm”, hầu hết những người tự ứng cử sẽ bị loại bỏ một cách không thương tiếc.

Nhìn sang Miến Điện

Cuộc tổng tuyển cử được tổ chức tại Miến Điện - Myanmar vào ngày 07 tháng 11 năm 2010, đã được công bố bởi Hội đồng Hòa bình và Phát triển (SPDC) vào ngày 13 tháng Tám 2010 theo hiến pháp mới được thông qua trong một cuộc trưng cầu tổ chức vào tháng 5 năm 2008.

Cuộc bầu cử nhằm thực hiện bước thứ 5 trong 7 bước "lộ trình dân chủ" do Hội đồng Hòa bình và Phát triển - SPDC (quân phiệt - ghi thêm) vào năm 2003, các bước thứ 6 và thứ 7 là việc triệu tập các đại biểu dân cử và xây dựng một quốc gia dân chủ hiện đại. Tuy nhiên, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã tẩy chay cuộc bầu cử kết quả là một chiến thắng tuyệt đối cho SPDC, trong đó giành gần 80% số ghế tranh trên Thượng viện và Hạ viện. LHQ bày tỏ quan ngại về sự công bằng của cuộc bầu cử và các nước phương Tây đã coi như bầu cử lừa đảo. 

Nhưng cuộc bầu cử Quốc hội Myanmar 8 tháng 11 năm 2015 đã đưa đến một kết quả rất ngạc nhiên.

Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Myanmar kể từ khi một chính phủ dân sự được thành lập trên danh nghĩa vào năm 2011, chấm dứt sự cai trị của quân đội kéo dài gần 50 năm. Cuộc bầu cử diễn ra ở tất cả các khu vực, trừ các ghế do quân đội bổ nhiệm, để lựa chọn các nghị sĩ trong Thượng viện - House of Nationalitiesvà Hạ viện Myanmar - House of Representatives (Pyithu Hluttaw), và Hội đồng nhân dân các bang và vùng State and Regional Hluttaws, or Local Assemblies 

Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NDL) đã chiến thắng vẻ vang, chiếm được 86 phần trăm số ghế trong Hội đồng Liên hiệp (235 ở Hạ viện và 135 trong Thượng viện Myanmar và sẽ thành lập một chính phủ với đa số ghế. Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) của Ông Thein Sein đã thừa nhận thất bại.

Tóm lại

Giới quan sát cho rằng, do sự tẩy chay của NLD trong kỳ bầu cử năm 2010, sự sắc bén can trường của Bà Aung San Suu Kyi (ASSK), áp lực của quốc tế từ Tổng thống Obama, Thủ tướng Anh, các nhà lãnh đạo Liên Âu cùng Cộng đồng thế giới và nhứt là vì tính không chính đáng cầm quyền, bế tắc kinh tế và sự ức hiếp quá độ của TQ đã đưa tới việc các Tướng lảnh quân phiệt phải chấp nhận mở ra cuộc bầu cử tự do, công bằng dưới sự giám sát của quốc tế trong đó yếu tố "thỏa thuận ngầm" cùng "đặc tính tôn giáo" ở cả hai bên có vai trò quan trọng. 

Chính vì bị cáo buộc về gian lận có hệ thống của USDP đã làm cho NDL quyết định tẩy chay toàn bộ cuộc bầu cử năm 2010 cho dù lực lượng của NDL rất mạnh và có cơ sở khắp toàn quốc, đã đẩy USDP vào thế mất chính nghĩa nó góp phần rất lớn vào chiến thắng thắng tuyệt đối cho NDL trong kỳ bầu cử 5 năm sau.

Bối cảnh của Miến Điện vào 2010 rất tương đồng với VN hiện nay. Cho đến hôm nay tại VN chỉ có một mình đảng CS chọn ra TBT, Chủ tịch nước, Thủ tướng còn Quốc hội thì “đảng cử dân bầu”, tương quan lực lượng giữa 2 bên cũng rất khác biệt, chưa có tổ chức mạnh như NDL đương đầu với đảng CS.

Vài cá nhân tuyên bố đứng ra tự ứng cử đại biểu QH được hổ trợ của nhiều tổ chức xã hội dân sự đó là chỉ dấu phản kháng tích cực nhưng về ý chí chấp nhận bầu cử tự do công bằng giữa Quân phiệt Miến và CS Việt nam rất khác nhau do đó kết quả cũng sẽ khác.

Tại sao csVN mớm hơi đề nghị ông Luật sư ở Canada về ứng cử QH nhưng lại ngăn cản Mục sư Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa?

Người ta cũng vẫn chưa quên là đã có đảng Xã hội và đảng Dân chủ từng hiện diện và hoạt động song song với đảng CS trước đây ở miền bắc và chúng ta đã biết hai đảng đó đã làm được gì?

Ai sẽ là ứng viên đại biểu QH ngoài đảng được tham gia bầu cử, về thực tế nó thuộc về quyền quyết định của Công an và MTTQ chứ không phải của dân (“tuyệt đối không để hình thành các cá nhân đối lập"), cá nhân đó phải "Trung thành với Tổ quốc và hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, gương mẫu chấp hành pháp luật..." cùng nhiều khó khăn khác như MTTQ có đề cử không, có phương tiện báo chí thông tin riêng để vận động, chưa kể bọn côn đồ đỏ sẽ gây khó khăn... Nhưng sẽ là điều ngạc nhiên khi ông NPT làm ngơ để cho màn tự ứng cử được diễn ra trong vòng kiểm soát vì vừa "làm một công nhưng được hai việc" vừa có màn trình diễn "rất dân chủ trong bầu cử tại VN" nhưng "dân chủ sẽ thua và cộng sản vẫn thắng."

Bầu cử Quốc hội CHXHCN Việt Nam quả thực "dân chủ đến thế là cùng"!!!

24.02.2016

No comments:

Post a Comment