Wednesday, February 24, 2016

Nhà máy lọc dầu Dung Quất nguy cơ đóng cửa vì thiếu đơn đặt hàng

PetroVietnam, đại công ty Xăng Dầu và Khí đốt Việt Nam lại một lần nữa vận động xin miễn giảm thuế đánh vào sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất lớn nhất Việt Nam.

Truyền thông địa phương hôm kia dẫn lời người đứng đầu PetroVietnam nói rằng, sản phẩm của họ không thể cạnh tranh nổi với giá dầu nhập cảng quá rẻ. PetroVietnam yêu cầu được cắt giảm thuế đánh vào dầu thô của nhà máy lọc dầu Bình Sơn và công ty Petrochemical. Bức thư cũng cho rằng, giá thành thấp giúp ngành lọc dầu Việt Nam cạnh tranh trên thị trường Đông Nam Á và Nam Hàn.
Mặc dù lượng dầu thô xuất cảng lên tới 18 triệu 740 ngàn tấn hồi năm ngoái, Dung Quất vẫn phải dựa vào nguồn dầu thô nhập cảng để sản xuất các sản phẩm chính, như diesel và nhiên liệu phi cơ kể từ bắt đầu hoạt động vào năm 2008. Thuế suất dầu thô nhập cảng vào Việt Nam hiện nay là 20%, trong khi xăng nhập cảng được miễn thuế theo hiệp ước đã ký kết với các quốc gia Đông Nam Á từ đầu năm nay.
Cuối năm ngoái, một số nhà phân phối tại các địa phương cắt giảm đơn đặt hàng, khiến Dung Quất càng phải vất vả để bán được hàng. Khách hàng lớn nhất của Dung Quất là tổ hợp Xăng dầu Quốc gia Việt Nam chỉ đặt hàng 80 ngàn mét khối diesel, thay vì 120 ngàn khối như trước đây. Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Bình Sơn nói rằng, nếu không có thêm đơn đặt hàng mới, Dung Quất có thể bị đóng cửa trong vòng từ 2 đến 3 tháng.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất là cơ sở trị giá 3 tỉ Mỹ kim, công suất hàng năm khoảng 6 triệu 500 ngàn tấn. Đây là một thí dụ điển hình nhất cho sự điều hành kinh tế duy ý chí, kém hiểu biết của CSVN. Chính ra đó là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, liên doanh với Pháp, phải được xây dựng từ cuối thập niên 90 tại khu vực phía Nam, là nơi gần vùng tiêu thụ và nguyên liệu. Tuy nhiên, phía chính quyền Việt Nam muốn nó được xây dựng ở QUảng Ngãi, quê hương của Phạm Văn Đồng, với lý do duy ý chí “để phát triển kinh tế Miền Trung”, bất chấp nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường. Vì lý do này, đối tác Pháp rút ra khỏi dự án. Phía Tổng Công Ty Dầu Khí sau đó tiếp tục tìm thêm nhiều đối tác nước ngoài khác nhưng đều thất bại, nên đành tự mình làm chủ đầu tư. Kết quả là dự án đã bị trì hoãn đến 8 năm, tiêu tốn hàng tỉ Đô cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng bỏ hoang. Và quan trọng hơn hết, cơ hội tận dụng thị trường đã trôi qua, dẫn đến sự thất bại về kinh tế như ngày hôm nay.
 02/24/2016 - 15:37
Song Châu / SBTN

No comments:

Post a Comment