Đã từ bao nhiêu lâu nay, người dân Việt Nam đã phải xấu hổ với những lời phát biểu của giới lãnh đạo CSVN. Cách ăn nói thể hiện được phần nào trình độ hiểu biết, đạo đức của những con người này. Đáng buồn cho một đất nước Việt Nam không hề thiếu nhân tài, mà hết thế hệ lãnh đạo này đến thế hệ lãnh đạo khác luôn là trò cười cả trong lẫn ngoài nước vì những lời phát biểu “không giống ai”.
Xin trích dẫn lại 10 câu nói “đáng nhớ” của giới lãnh đạo CSVN trong năm 2106:
Nguyễn Tấn Dũng: Sau khi thất bại trong cuộc chiến dành quyền lực với Nguyễn Phú Trọng, ông Dũng đã phải về nghỉ hưu. Trước khi chính thức về vườn, ông Dũng đã tuyên bố: “…Chúc các đồng chí và chúc tôi luôn, kỳ này nghỉ chính sách ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, ráng được vào chương trình “sống tử tế”, làm người tử tế…”.
Dư luận người dân nói rằng, khi còn đương nhiệm ông không lo “làm người tử tế”, nên đã phá hoại nền kinh tế Việt Nam. Nay về vườn, ông mới đòi làm “người tử tế”! Hậu quả do ông để lại chỉ có người dân Việt Nam è cổ ra gánh mà thôi!
Nguyễn Xuân Phúc: Ông tân thủ tướng CSVN đã làm trò cười cho cộng đồng mạng, với những câu nói ngô nghê, kém trình độ. ông đã được đặt tên là ông thủ tướng “ma dzê in Việt Nam”, vì trình độ ngoại ngữ “ngoại hạn” của ông.
Vào ngày 2/12/2016, trong một bài diễn văn kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB), trên mạng xã hội đã lan truyền bình luận sôi nổi về những mẫu tự “cờ-lờ-vờ-mờ,”và “cờ-lờ-vờ” do ông nói ra, và chắc chắn là nói như con vẹt mà chẳng hiểu gì! Cư dân mạng ngán ngẩm, mỉa mai: thật đáng tự hào cho một chính quyền “đờ mờ cờ sờ” (ĐMCS)!
Nguyễn thị Kim Ngân: Bà Chủ tịch Quốc Hội CSVN nổi tiếng từ đoạn video cho cá ăn với tổng thống Hoa Kỳ Obama, với hành động đổ cả sô thức ăn cá xuống hồ được dư luận cho là thiếu văn hóa. Trong một buổi làm việc tại quốc hội ngày 23/07, khi nói về khái niệm dân chủ ở Việt Nam, bà ta đã phát biểu: “…Về nề nếp dân chủ, trong một gia đình, bố mẹ không tôn trọng con cái thì rồi con cái cũng không tôn trọng người khác…”.
Người dân Việt Nam đã giận dữ chất vấn trên mạng, rằng chính quyền là “đầy tớ của nhân dân”, chứ không phải là cha mẹ của dân như cách nói hỗn xược của bà. Và với một chính quyền xem dân chủ là một ân huệ cha mẹ ban phát cho con cái theo kiểu của bà nói, xem ra người dân Việt Nam sẽ chẳng bao giờ có được những quyền làm người mà mình lẽ ra phải đương nhiên có.
Nguyễn Phú Trọng: Trong tháng 11 vừa qua, ông Tổng bí thư CSVN đã nói với người dân Bắc Ninh như sau: “…Mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe báo chí nói rất nhiều chuyện tiêu cực hàng ngày, rất là bực mình. Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả. Nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?…”.
Những người cộng sản thủ cựu như ông Trọng, để bám víu lấy cái chủ nghĩa đã mục ruỗng của mình, thường hay so sánh Việt Nam ngày nay với đất nước do chính họ cai trị từ cả nửa thế kỷ trước, để rồi tự khen là “có tiến bộ”. Họ tránh không so sánh với một Miền Nam Việt Nam tự do, thịnh vượng từ 40 năm trước. Họ càng không dám so sánh với những đất nước khác trong khu vực, cùng hoàn cảnh như Việt Nam trong quá khứ, mà nay thì đã bỏ xa Việt Nam về mọi phương diện: Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Nam Hàn… Nguyên nhân mà những đất nước này đã phát triển được, đơn giản chỉ vì họ không bị cai trị bởi những người lãnh đạo tham lam, ngu dốt như đảng của ông Trọng!
Võ Tuấn Nhân: Vụ án nổi cộm nhất trong năm 2016 chính là thảm họa cá chết Formosa. Hàng loạt những phát biểu “đáng nhớ” của giới lãnh đạo CSVN đã xuất phát từ vụ này. Đầu tiên là ông Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, trong cuộc họp báo ngày 27/05 về thảm họa cá chết tại 4 tỉnh Miền Trung. Khi được phóng viên báo Thanh Niên hỏi về nguyên nhân cá chết, ông Nhân đã nói với phóng viên rằng: “…Tắt máy. Tắt máy nghe. Xin lỗi. Không, không, để anh nói riêng với em. Đừng hỏi câu đó…Em hỏi câu đó làm tổn hại cho đất nước của mình…”.
Trong một thảm họa môi sinh làm hại đến hàng triệu người dân sống nhờ biển, mà một quan chức lớn của ngành môi trường lại bịt miệng dư luận như vậy. Người dân Miền Trung hiểu rằng mình không thể dựa vào một chính quyền thiếu minh bạch để đòi công lý.
Trương Minh Tuấn: Tiếp theo, vào ngày 2/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trả lời với báo chí về nguyên nhân cá chết như sau: “…Nguyên nhân cá chết còn liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó…”.
Một Facebooker đã bình luận về lời nói của ông Tuấn như sau: “…Không thể tin được ông bộ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn có thể nói một câu nói ngớ ngẩn như thế. Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã từng nói: ‘Chẳng thà đừng nói để người ta tưởng mình ngu, còn hơn là mở miệng ra để người ta không còn nghi ngờ gì nữa.’ Chưa thấy lãnh đạo nước nào có kiểu nói ngu không ra ngu, dốt không ra dốt. ngớ ngẩn không ra ngớ ngẩn… Chỉ vì muốn ém nhẹm nguyên nhân cá chết, biển chết mà vắt não không ra lời…”.
Võ Kim Cự: Là nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, là người được cho là đã dành cho Formosa những khoảng ưu đãi lớn lao vượt quyền hạn cho phép. Trả lời báo chí bên lề Quốc hội sáng 25/7, ông Cự khẳng định: “…Có quyết định hẳn hoi, có điều khoản quy định rõ ràng. Hà Tĩnh không thể tự đặt ra được, đồng thời đảm bảo đúng quy trình pháp luật…”.
Thuật ngữ “đúng qui trình” nay đã được sử dụng trong hầu hết những hành động hại dân, hại nước của chính quyền CSVN: cấp phép cho Formosa đúng qui trình, đập thủy điện Hố Hô xả lũ giết người cũng đúng qui trình… Không có ai bị cách chức, khởi tố vì những gây ra thảm họa cho dân đúng qui trình kể trên.
Phùng Xuân Nhạ: Vào ngày 16/11, Bộ trưởng Giáo Dục Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn quốc hội về việc các cô giáo Hà Tĩnh bị điều động đi tiếp khách như sau: “…nhiều nơi cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng uy tín của nhà giáo…”. Ông cũng cho biết là không chỉ ở Hà Tĩnh, nhiều địa phương khác cũng đã làm công việc tương tự.
Đã từ nhiều năm nay, các đời bộ trưởng giáo dục Việt Nam vẫn thường xuyên có những câu phát biểu hết sức “phản giáo dục” tương tự (đặc biệt là người tiền nhiệm của ông Nhạ là cựu bộ trưởng Phạm Vũ Luận). Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam xem như đã bị chính quyền CSVN xóa bỏ.
Phạm Thị Ngọc Tâm: Cũng liên quan đến ngành giáo dục, vào ngày 18/02/2016, bà Phạm Thị Ngọc Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân TP.Huế đã trả lời về vụ nữ sinh bị đánh hội đồng trước cổng trường, trong khi các bạn đứng nhìn như sau: “…Đây là lứa tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được…”!
Đã từ lâu nay, hình ảnh đạo đức học đường bị băng hoại, học sinh và toàn xã hội Việt Nam xem chuyện sử dụng bạo lực là chuyện bình thường. Lời phát biểu của hiệu trưởng một trường trung học nổi tiếng như bà Tâm cho thấy nền giáo dục Việt Nam đã xuống cấp đến cùng cực.
Lê Phước Vũ: Và sau cùng, xin trích một câu nói của một doanh nhân “đại gia”, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group). Dù ông không phải là người của chính quyền, nhưng đằng sau ông là những thế lực “nhóm lợi ích” trong giới lãnh đạo chóp bu.
Trong khi cả nước còn chưa giải quyết xong thảm họa Formosa, tập đoàn Hoa Sen được cả bộ trưởng Bộ Công Thương lẫn thủ tướng Phúc bật đèn xanh để thực hiện dự án thép Cà Ná. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của công ty này vào sáng 06/9/2016 tại Sài Gòn, ông Lê Phước Vũ đã phát biểu: “…Ngu gì không làm thép…”. Lời nói này chứng tỏ sự coi thường dư luận, coi thường ý kiến của những chuyên gia về ngành thép đã phản bác dự án này ngay từ đầu.
Chỉ vì quyền lợi riêng, các nhóm lợi ích của chính quyền CSVN sẵn sàng thực hiện những dự án hại dân, hại nước, bất chấp hậu quả để lại cho thế hệ mai sau.
Đoàn Hưng / SBTN
No comments:
Post a Comment