Saturday, November 26, 2016

Việt Nam: Ngành Giáo Dục Bị Chính Trị Khống Chế

Đào Đức Thông

(VNTB) - Người dân Việt Nam đã và đang có một chế độ "của dân, do dân, vì dân" mà các tổ chức của người làm nghề giáo cù nhầy thân phận mình trong sự im lặng

    Nữ giáo viên bị điều động tiếp rượu 

Sự tôn vinh xuất phát từ cái đẹp vốn có của chủ thể và cảm nhận của những người khách quan

Trong xã hội Việt Nam từ xưa đến nay, những người làm nghề giáo, thầy thuốc, nhà báo,v.v…đã và đang có những cống hiến đáng quý, có tư cách đạo đức và xã hội Việt Nam cảm nhận được điều đó.

Tuy nhiên có một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận đó là trong xã hội chúng ta đang sống không phải hễ bất cứ cá nhân nào làm thầy giáo, thầy thuốc hay nhà báo ,v.v…là có những phẩm chất cao quý, mặc định được xã hội chúng ta tôn vinh. Không hiếm những kẻ làm trong những ngành đó nhưng chẳng những không đáng được tôn vinh mà còn đáng bị phỉ báng vì những hành vi xấu xa của họ khi hành nghề. Ông bà ta thường gọi đó là "con sâu làm rầu nồi canh", chúng ta cũng xem rằng đó là hiện tượng đơn lẻ.

Có những lúc, có những thời đại mà những cá nhân đáng phỉ báng không phải là đơn lẻ, mà trở nên phổ biến. Tính phổ biến đó hiển thị ra một cách rõ ràng dưới mắt xã hội. Một vườn cây bị tàn phá thì không thể nói là chỉ có một vài con sâu trong vườn cây đó. Chẳng phải ngẫu nhiên mà bà bộ trưởng y tế, ông bộ trưởng giáo dục lại bị đội sổ trong các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả bỏ phiếu đó phản ánh thực tế hiệu quả/hậu quả mà các ngành đó đã làm được cho xã hội Việt Nam.

Hữu xạ tự nhiên hương. Khi chúng ta thật sự có phẩm chất đáng quý, chúng ta hiến dâng cho xã hội những thành quả lao động thì xã hội sẽ cảm nhận. Không có ngày tôn vinh nào cả thì xã hội vẫn cứ tôn vinh. Sự tôn vinh đó thể hiện trong ánh mắt, nụ cười, những câu chúc, những  lời nói chân thành. Sự tôn vinh đó không hiển thị qua cái phong bì hay bó hoa chợt rộ lên trong một ngày và sau đó là sự im lìm lặng lẽ thậm chí nặng nề bao phủ.


Nghề giáo Việt Nam trong một xã hội xem chính trị là thống soái

Đó là khi người thầy dùng quyền lực của kẻ cai trị ra lệnh cấm và trừng phạt các sinh viên biểu thị lòng yêu nước, dù dưới con mắt người lớn hành vi ấy có thể bị cho là "xốc nổi" đi chăng nữa.

Đó là trước "nhiệm vụ chính trị" chống biểu tình, vì một "cân đối" nào đó của lãnh đạo, người thầy đã hợp tác, nói văn vẻ, dịu dàng là thế, còn thẳng thừng ra là, chấp nhận bị công an sai bảo, từ bỏ thiên chức của mình.

Đó là các nữ giáo viên ở Hồng Lĩnh bị điều động thực hiện nhiệm vụ “chính trị” tiếp khách là một việc làm nghịch thường, nhưng dễ dàng được những người có quyền, kể cả giới chức quản lý giáo dục hăm hở triển khai, là biểu hiện rõ ràng nhất của cái não trạng chính trị thống soái ấy.

Hãy nhìn những tài hoa thứ thiệt của thế giới, họ đơn giản như thế nào? Hãy nhìn vào cờ đèn, kèn trống của chúng ta trong những ngày lễ, nó giả tạo đến mức nào? Có những người tự tôn, tự xưng quá nhiều mà không quan sát xem người khách quan đang nhìn chúng ta như thế nào. Sự tự tôn đó trong ánh mắt thiếu thiện cảm của người khác bỗng nhiên trở nên trần truồng, trơ trẽn.

Nhiều thế hệ người Việt Nam ngày nay đang sống trong một xã hội bị chính trị hoá cực độ. Mọi lựa chọn của con người đều phải nhường bước trước các lựa chọn chính trị. Nhiệm vụ chính trị là khái niệm tuỳ tiện của đảng và nhà cầm quyền áp đặt lên giới quản lý xã hội, nhiều khi bất chấp luật pháp và đạo lý xã hội.


Người dân Việt Nam đã và đang có một chế độ "của dân, do dân, vì dân" mà các tổ chức của người làm nghề giáo cù nhầy thân phận mình trong sự im lặng

Hiến pháp Việt Nam cam kết bảo vệ các quyền con người, bảo vệ các giá trị đẹp đẽ và cao thượng của truyền thống dân tộc. Nhưng khi nhân phẩm của các đồng nghiệp mình bị chà đạp, chính ông bộ trưởng giáo dục chỉ biết trông chờ vào sự tự giác của những người bị hại.

Phải chăng  thực hiện Hiến pháp không phải là nhiệm vụ chính trị của đảng nhà cầm quyền?

Hãy quên đi những khẩu hiệu "vinh quang, muôn năm", hãy quên đi những lời chúc tụng sáo rỗng... Hãy nhìn vào thực chất và làm gì để đừng hổ thẹn với lương tâm, để được xã hội tự nhiên công nhận, để xứng đáng được tôn vinh thật sự trong lòng mọi người. Khi đó không phải một năm chỉ có một ngày xã hội tôn vinh mà là một sự kính trọng, tôn vinh mặc định sẵn có trong tâm trí mỗi người.

No comments:

Post a Comment