HÀ NỘI (NV) – Bộ trưởng Công Thương của chính phủ Việt Nam chưa thể trả lời ai sẽ chịu trách nhiệm khi 30,000 tỉ đồng, tương đương 1.5 tỉ đô la đổ vào năm đại dự án bây giời biến thành rác.
Năm đại dự án đó bao gồm: Nhà máy Ðạm Ninh Bình (Ninh Bình) do Tập Ðoàn Hóa Chất Vinachem làm chủ đầu tư. Sau khi ngốn hết 12,000 tỉ đồng, từ 2013 đến nay, mỗi năm nhà máy Ðạm Ninh Bình lỗ thêm khoảng 2,000 tỉ đồng và vì vậy đã tạm ngưng hoạt động.
Ðại dự án thứ hai là nhà máy xơ sợi Ðình Vũ (Hải Phòng) do Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Sau khi ngốn hết 7,000 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất xơ sợi Ðình Vũ không hoạt động vì nếu ráng vận hành sẽ gây thiệt hại trầm trọng hơn.
Ðại dự án thứ ba là nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) do Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất cũng đang trong tình trạng tương tự không hoạt động sau khi ngốn hết 2,200 tỉ đồng để tránh thua lỗ lớn hơn. Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất chỉ là một trong ba nhà máy sản xuất ethanol được xem là “trọng điểm quốc gia” do PVN làm chủ đầu tư. Chưa rõ tại sao hai nhà máy kia chưa được tính sổ.
Ðại dự án thứ tư là công trình mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Thái Nguyên) do công ty gang thép Thái Nguyên (TISCO), trực thuộc Bộ Công Thương làm chủ đầu tư. Công trình này này ngốn hết 8,000 tỉ đồng rồi bỏ dở suốt mười năm qua. Tập Ðoàn Xây Lắp Luyện Kim Trung Quốc (MCC) – nhà thầu chính đang đòi chủ đầu tư thanh toán 1,200 tỉ đồng do vi phạm hợp đồng.
Ðại dự án thứ tư là nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An) do Công Ty Phát Triển Công Nghiệp và Vận Tải thuộc Tổng Công Ty Xây Dựng Công Trình Giao Thông làm chủ đầu tư. Sau khi ngốn hết 3,000 tỉ đồng, công trình này bị bỏ hoang suốt mười năm qua vì không thể vận hành.
Khi được yêu cầu giải trình trước Quốc Hội Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Công Thương chỉ cho biết là cả năm đại dự án đều đã hoặc đang được thanh tra và vì nhiều lý do nên chưa thể đề cập chi tiết về vấn đề trách nhiệm.
Ðối với những đại dự án đã được thanh tra như nhà máy xơ sợi Ðình Vũ hoặc ba nhà máy sản xuất ethanol trong đó có nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất thì đang chờ thủ tướng Việt Nam phê duyệt kết luận thanh tra, sau đó mới có hướng xử lý.
Cần chú ý rằng các dự án như nhà máy xơ sợi Ðình Vũ hoặc ba nhà máy sản xuất ethanol đều do PVN làm chủ đầu tư.
Chủ trương đầu tư và quá trình thực hiện chủ trương đầu tư này diễn ra dưới thời ông Ðinh La Thăng làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị PVN. Ông Ðinh La Thăng giờ đang là ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSVN kiêm bí thư Thành Ủy Sài Gòn.
Ba đại dự án còn lại thì đang chờ kết quả thanh tra do Bộ Công Thương thực hiện và khi có kết quả cũng sẽ báo cáo với thủ tướng Việt Nam để quyết định biện pháp xử lý.
Bộ trưởng Công Thương Việt Nam thú nhận, ngoài năm đại dự án đã kể, “hiện còn một số dự án khác tiềm ẩn nguy cơ không hiệu quả, mất vốn đầu tư từ nguồn lực của nhà nước cũng như của xã hội.” Tuy nhiên viên bộ trưởng này chỉ nhận định một cách chung chung rằng, “phải rạch ròi hơn nữa trong công tác quản lý các nguồn lực đầu tư,” “phải làm rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thị trường và phát triển sản xuất gắn với thị trường,” “phải xác định rõ những lĩnh vực cần tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp khác tham gia tiếp cận với thị trường nhằm phát triển sản xuất cũng như cung ứng cho thị trường”… Ðây vốn là khuyến cáo mà các chuyên gia đã nêu ra từ lâu, giờ mới được giới hữu trách ở Việt Nam nhìn nhận là “phải.”
Còn đối với vấn đề trách nhiệm, bộ trưởng Công Thương Việt Nam chỉ hứa sẽ “làm rõ để có biện pháp xử lý.”
*Chạy trốn ra ngoại quốc?
Hôm 3 tháng 11, báo chí Việt Nam cho biết, ông Vũ Ðình Duy, cựu tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Hóa Dầu và Xơ Sợi Dầu Khí (PVtex) – nơi chịu trách nhiệm thực hiện đại dự án nhà máy xơ sợi Ðình Vũ đã vắng mặt không phép nhiều ngày và không ai liên lạc được. Có tin cho biết ông Duy đã ra ngoại quốc để chữa bệnh.
Dường như “bổn cũ” đang được “soạn lại.” Cách nay khoảng hai tháng, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) cũng đột ngột biến mất trước khi hệ thống tư pháp khởi tố, truy cứu trách nhiệm của ông Thanh vì đã làm mất 3,200 tỉ đồng.
Cả PVC lẫn PVtex đều thuộc PVN và các dự án đầu tư gây thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng của PVN đều được phê duyệt và triển khai khi ông Ðinh La Thăng làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị PVN.
Có hàng loạt dấu hiệu cho thấy việc bổ nhiệm những cá nhân như ông Thanh, ông Duy là do băng nhóm sắp đặt. Cho đến giờ, chỉ mới có ông Vũ Huy Hoàng bị truy cứu trách nhiệm về việc sắp đặt nhân sự. Sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành thủ tướng Việt Nam năm 2006, ông Hoàng được chọn làm bộ trưởng Công Thương và đảm nhận vai trò này suốt chín năm. Ông Hoàng nghỉ hưu cùng lúc với ông Dũng.
Mất gần nửa năm nâng lên, đặt xuống, cuối cùng giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam mới quyết định… cảnh cáo ông Hoàng trong hệ thống đảng và về mặt… hành chính. Người ta chưa hình dung được hậu quả của việc “cảnh cáo” tác động thế nào đến một viên chức đã… nghỉ hưu! (G.Ð)
No comments:
Post a Comment