Thursday, November 3, 2016

Bình Thuận cho phép xả 1.5 triệu tấn chất thải giết khu bảo tồn biển

Khu vực biển nơi chính quyền Bình Thuận cấp phép “nhấn chìm” 1.5 triệu khối chất thải. (Hình: Báo Pháp Luật Sài Gòn)
BÌNH THUẬN (NV) – Sở Môi Trường Bình Thuận đã ký giấy đề nghị cơ quan chức năng cho phép một công ty điện lực được phép “nhận chìm” hơn 1.5 triệu khối chất thải xuống biển, bất chấp hậu quả.


Khẳng định với báo Pháp Luật Sài Gòn, ngày 2 tháng 11, ông Hồ Lâm, giám đốc Sở Môi Trường tỉnh Bình Thuận, cho biết vừa ký văn bản gửi Tổng Cục Biển và Hải Ðảo Việt Nam xin cho công ty điện lực Vĩnh Tân 1, huyện Tuy Phong) được phép “nhận chìm” hơn 1.5 triệu khối chất thải xuống biển.
Tin cho biết, khối lượng chất thải trên được công ty điện lực Vĩnh Tân 1 nạo vét luồng hàng hải khu nước trước bến chuyên dụng của mình mà theo ông Lâm “chất thải này gồm bùn, đất, cát trong quá trình nạo vét.”
Theo hồ sơ xin phép Bộ Môi Trường của công ty này, do khối lượng nạo vét đổ thải lớn, nếu đổ thải, lưu giữ trên đất liền thì phải có diện tích lớn, song địa hình huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để thực hiện. Ðồng thời việc đổ thải trên đất liền có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường.
Ðiều khó hiểu là do sợ đổ chất thải trên đất liền gây ô nhiễm, nhưng công ty điện lực Vĩnh Tân 1 lại xin “nhấn chìm” xuống biển (?!). Theo ước tính, diện tích biển chứa lượng chất thải này khoảng 30 ha, cách đất liền khoảng 3 hải lý và khá gần với khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Theo ông Huỳnh Quang Huy, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Sản tỉnh Bình Thuận, Hòn Cau là một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam, cách đất liền chưa đầy 10 cây số, rộng khoảng 12,500 ha.
Thế nhưng, trung tâm điện lực Vĩnh Tân, cảng chuyên dùng Vĩnh Tân, tiếp nhận tàu chở hàng trọng tải 30,000-200,000 tấn, lại được phép xây khu lấn biển ăn thêm diện tích chồng lấn khu bảo tồn lên đến hơn 1,000 ha.
Trước thông tin “nhấn chìm” lượng chất thải trên, ông Huy rất bất ngờ: “Việc đổ thải với số lượng lớn cách đất liền chỉ 3 hải lý sẽ gây chết san hô và các loại thủy sinh khác sẽ bị diệt vong. Hệ quả là khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ bị xóa sổ. Lẽ ra việc đổ chất thải chúng tôi phải được biết bởi ảnh hưởng trực tiếp đến khu bảo tồn biển Hòn Cau, nhưng đến nay chưa nhận được thông tin nào,” ông Huy nói.
Chưa hết, vị trí “nhấn chìm” nằm trên tuyến vận tải ven biển sẽ làm ảnh hưởng đến tuyến vận tải biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã được Bộ Giao Thông công bố quyết định vào tháng 10 tháng 2014.
Mặc dù sự việc khá nghiêm trọng, thế nhưng chiều 2 tháng 11, ông Nguyễn Anh Hữu, giám đốc Cảng Vụ Hàng Hải Bình Thuận, cho biết, ông vẫn chưa nghe thông tin gì về việc này. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment