Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, việc “lạm quyền” của lực lượng Công an nói chung và Công an xã nói riêng trong thực thi công vụ đã gây nhiều bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội, làm giảm lòng tin của dân. Con số 226 người chết khi bị tạm giữ, tạm giam trong ba năm (2011-2014) đã chứng minh điều đó. Trước tình trạng trên, vấn đề chống lạm quyền của lực lượng này cũng đã bàn nhiều, biện pháp đưa ra cũng nhiều, Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy những việc như vậy không giảm mà có xu hướng gia tăng.
Nói về công an xã, đây là lực lượng bán chuyên trách, nghĩa là công tác công an chỉ là nghề nghiệp phụ của những thành viên của lực lượng Công an xã. Họ không được đào tạo chính quy. Ngoài trưởng công an xã, các công an viên không được hưởng lương và các chế độ tài chính như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mà chỉ được phụ cấp. Tuy vậy, họ lại có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cấp cơ sở (cấp phường, xã). Rất nhiều con người trong lực lượng ấy, màu áo ấy họ đã hết mình vì công vụ, họ làm việc có lương tâm, có đạo đức. Thực tế khi người dân gặp vấn đề về an ninh thì lực lượng Công an xã luôn có mặt đầu tiên để giải quyết.
Nhưng trong thời gian gần đây, các vụ lạm quyền của công an xã ngày càng gia tăng, nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng. Họ tùy tiện bắt người, tạm giam không có lệnh, tự ý dùng nhục hình, ép cung lấy lời khai… đã xảy ra ở nhiều địa phương.
Năm nào cũng xảy ra một vài vụ chết người liên quan đến Công an xã. Có thể kể ra một vài vụ điển hình như: Cái chết của anh Ngô Thanh Kiều ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh khánh hòa (năm 2012), cái chết của ông Nguyễn Mậu Thuận ở xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội (năm 2012), cái chết của em học sinh Tu Ngọc Thạch ở xã Vạn Long, huyệnVạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (năm 2013), cái chết của anh Trương Quốc Long xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk (2014), cái chết của anh Huỳnh Nghĩa ở xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông (2014). Còn gây thương tích thì rất nhiều – theo một thống kê, chỉ trong vòng bốn tháng (5/2012 đến 9/2012) cả nước có gần 10 trường hợp công an xã ra tay quá mức với người dân.
Mới đây, là vụ anh Nguyễn Văn Tấn (Sông Lô-Vĩnh Phúc) tử vong sau khi làm việc với Công an xã. Vụ việc diễn biến như sau: vào sáng 27/10/2016, Công an xã Lãng Công có giấy mời anh Tấn lên để làm việc liên quan đến chiếc điện thoại của con trai anh Tấn bị mất cách đó ít hôm. Sau khi về nhà, anh Tấn có biểu hiện mệt mỏi, da nhợt nhạt, đặc biệt, một bên mắt có vết bầm tím, hai chân bị sưng. Buổi tối hôm đó anh Tấn bỏ bữa, chỉ uống một hộp sữa rồi lên giường đi ngủ. Sáng hôm sau gia đình phát hiện tử vong. Anh H, cháu ruột của nạn nhân cho biết: “Khi trở về nhà, cậu tôi có nói, Công an đánh tao đau quá! (theo báo Công lý).
Vì đâu lực lượng công an xã lạm quyền ? có rất nhiều nguyên nhân, như là thiếu hiểu biết luật, không được đào tạo chuyên môn, do hoàn cảnh, do áp lực công việc…Nói về vấn đề này, tại phiên thảo luận của UB Thường vụ Quốc hội về dự án luật Công an xã (ngày 15/8) ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm UB văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng, chính quyền ở nông thôn là quan liêu, ăn hiếp lẫn nhau, có một chút quyền là đối xử không công bằng với người khác. Vấn đề phổ biến ở nông thôn là những người có chức năng quyền hạn không làm đúng chức trách của mình: “Khi có quyền lực ở nông thôn thì ông nông dân cũng dễ làm vua. Nên có ràng buộc về trình độ, cũng như giới hạn làm sao để anh ta không lạm dụng quyền hạn của anh ta” (Theo báo lao động).
Cũng tại phiên thảo luận trên, tờ Thanh niên dẫn lời bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi nói về vấn đề này, Nghị định 73 (2009) quy định ở những vùng sâu, vùng xa, công an viên chỉ cần tốt nghiệp tiểu học. “Với nhiệm vụ quyền hạn lớn trong đó đụng đến quyền con người, quyền công dân nhưng quy định trình độ đầu vào thấp như vậy khó đảm bảo được”.
Lấy một ví dụ khác, Thông tư 47/2011/TT-BCA quy định lực lượng công an xã được tuần tra, kiểm soát các tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn quản lý, xử phạt các các hành vi vi phạm trận tự, an toàn giao thông… Lợi dụng việc này, nhiều địa phương Công an xã lập chốt kiểm tra, xã nào cũng có chốt thậm chí vài chốt, công an xã liên tục tuần tra, không ít người lợi dụng việc này để nhũng nhiễu, gây rất nhiều phiền hà cho người dân.
Một điều đáng thất vọng, mỗi khi có sự sai phạm, là có sự bao che, dung túng, xử nhẹ. Và đôi khi còn nhân danh thực thi công vụ để lách luật, thay vì truy tố tội giết người thì chỉ là cố ý gây thương tích. Ví dụ trong vụ án anh Ngô Thanh Kiều (Phú Yên), năm bị cáo công an chỉ bị xét xử về tội dùng nhục hình hoặc như trong vụ án ông Nguyễn Hữu Thâu (Đắk Lắk) bị cáo công an chỉ bị xét xử về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ. Những vụ án xử như thế sẽ không đủ sức răn đe, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, không công bằng với người dân.
Quyền hạn nhiều, trình độ có thấp lại không được giám sát, dễ sinh ra thói tự tung tự tác. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc lạm quyền ngày càng tăng. Do không hiểu luật hoặc hiểu không rỏ nên họ lạm dụng quyền lực một cách hiển nhiên, tự cho mình cái quyền xâm hại nhân phẩm, tính mạng người khác mà không mảy may suy nghĩ. Để không còn những cái chết oan, những thương tật cho người dân do lực lượng này gây, đã đến lúc cần đến những thay đổi. Thiết nghĩ, cần phải kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tạm giữ người. Đồng thời, xem lại tiêu chuẩn Công an xã cũng như chế tài đối với họ.
Theo Dân luận
No comments:
Post a Comment