HÀ NỘI (NV) – Khi thảo luận về ngân sách, đại diện các địa phương tại Quốc Hội Việt Nam tiếp tục bày tỏ sự bất bình vì phải nộp thêm hàng trăm ngàn tỉ đồng cho tổng ngân khố.
Và cũng vì thiếu tiền cho ngân sách quốc gia, nên Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn, địa phương nộp ngân sách nhiều nhất Việt Nam, là nên “đồng cam cộng khổ.”
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, tại Việt Nam, số tiền mà chính quyền các địa phương thu được hàng năm chia làm ba loại.
Loại thứ nhất (thường là những nguồn thu liên quan tới khai thác các loại tài nguyên chiến lược) phải nộp 100% cho tổng ngân khố.
Loại thứ hai (thường là các nguồn thu từ những hoạt động mang tính chuyên biệt của riêng địa phương như kinh doanh vé số), chính quyền các địa phương sẽ được giữ lại 100%.
Loại thứ ba (chủ yếu là nguồn thu từ các loại thuế, phí thông thường và là nguồn thu chính), chính quyền địa phương có thể giữ lại để chi tiêu theo tỷ lệ được ấn định, phần còn lại phải nộp cho tổng ngân khố. Tỷ lệ được ấn định để chia chác loại thứ ba giữa chính quyền địa phương và trung ương được gọi là “tỷ lệ điều tiết.”
Trước đây, “tỷ lệ điều tiết” giữa chính quyền thành phố Sài Gòn với chính quyền trung ương là 23/77 (chính quyền thành phố Sài Gòn được giữ lại 23% số tiền thuộc loại thứ ba, 77% còn lại phải nộp cho tổng ngân khố). Mới đây, chính phủ Việt Nam quyết định điều chỉnh “tỷ lệ điều tiết” loại nguồn thu thứ ba đối với thành phố Sài Gòn trong giai đoạn từ 2017-2020. Theo đó, chính quyền thành phố Sài Gòn chỉ được giữ lại 18%, số còn lại phải nộp cho tổng ngân khố. Nói cách khác, trong ba năm tới, mỗi năm, chính quyền thành phố Sài Gòn phải nộp thêm cho tổng ngân khố khoảng 67,000 tỉ đồng – lớn nhất về giá trị.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với một số địa phương khác. Chẳng hạn “tỷ lệ điều tiết” giữa nguồn thu loại thứ ba mà Hà Nội có thể giữ lại đã được điều chỉnh từ 42/58 thành 28/72. Còn nếu chỉ tính thay đổi về “tỷ lệ điều tiết”, không kể giá trị thì mức lớn nhất là Ðà Nẵng từ 85/15 thành 68/32 (thay vì được giữ lại 82% nguồn thu loại thứ ba, sắp tới Ðà Nẵng chỉ được giữ lại 68%).
Nhìn chung, không có địa phương nào trong số 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam hài lòng về dự trù thu – chi và điều tiết – phân bổ ngân sách cho giai đoạn sắp tới, bất kể Thủ tướng Việt Nam công khai kêu gọi các địa phương có nguồn thu dồi dào như thành phố Sài Gòn “đồng cam, cộng khổ” trong bối cảnh ngân khố cạn kiệt, bội chi gia tăng, nợ nần càng ngày càng lớn.
Các đại biểu của thành phố Sài Gòn tại Quốc Hội Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh yếu tố bất công trong “phân bổ ngân sách” khi phải đóng góp cho chi tiêu chung càng ngày càng nhiều và vì vậy, không còn nguồn lực để tái đầu tư-phát triển. Ðại biểu của các địa phương khác như Ðà Nẵng, Bắc Ninh, Kiên Giang cũng nêu những ý tương tự.
Ðáp lại, ông Ðinh Tiến Dũng, bộ trưởng Tài Chính, khẳng định, chính phủ Việt Nam đã cân nhắc rất kỹ về dự trù thu-chi, điều tiết-phân bổ ngân sách. Ông Dũng nhấn mạnh, 63 tỉnh, thành phố có điều kiện địa lý, kinh tế rất khác nhau. Chính quyền Việt Nam đang phải dùng đóng góp của 16 tỉnh, thành phố (nguồn thu tương đương 80% tổng nguồn thu) để nuôi 47 tỉnh, thành phố khác vì nơi nào cũng là “máu thịt.” Trong đó có những tỉnh, thành phố như Bắc Kạn, nguồn thu một năm không bằng nguồn thu một ngày của thành phố Sài Gòn.
Trong khi ông Dũng cũng đề cập đến “công bằng” nhưng là công bằng về cơ hội phát triển đồng đều thì đại biểu của các địa phương bị “điều tiết” nhiều đòi minh bạch trong phân bổ, kiểm soát chặt chẽ và xác lập kỷ luật thu chi để những địa phương này đủ tiền thực hiện các dự án.
Suốt quá trình tranh luận về điều tiết-phân bổ ngân sách kéo dài trong nhiều ngày qua ở nhiều nơi, trước khi tiếp tục thảo luận ở diễn đàn Quốc Hội vào hôm qua, không có viên chức chính quyền hay đại biểu nào của Quốc Hội Việt Nam đề cập đến trách nhiệm đối với bộ máy quá cồng kềnh và chi tiêu quá nhiều cho những dự án vô bổ – nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng hiện nay.
Không đại biểu Quốc Hội nào thắc mắc về những trường hợp như lãnh đạo Sở Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội tỉnh Hải Dương. Ông ta mới khẳng định, sở dĩ nơi này có 42/44 người trong biên chế hưởng lương và hưởng những ưu đãi dành cho viên chức từ cấp phó phòng, phó ban trở lên là “vì dân.”
Cũng không có đại biểu nào thắc mắc về những dự án kiểu như xây tượng đài Hồ Chí Minh hay các “trung tâm hành chính.” Dù thủ tướng Việt Nam từng yêu cầu tạm ngưng xây dựng các “trung tâm hành chính” song chính quyền nhiều địa phương không chấp hành vì có thể “tự cân đối.” “Trung tâm hành chính” vẫn là một thứ dịch tại Việt Nam.
Thay vì bận tâm về việc làm sao phát triển địa phương theo đúng nghĩa của hai từ này thì chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam chỉ chú ý đến chuyện làm sao để “trung tâm hành chính” của mình to, đẹp hơn các tỉnh, thành phố khác.
Với lý do gom tất cả cơ quan công quyền về một chỗ sẽ “tạo sự thuận lợi cho dân chúng khi cần giao dịch hành chính,” ngân sách Việt Nam đã mất cả trăm ngàn tỉ cho các “trung tâm hành chính”: Sau khi chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chi 1,000 tỉ xây “trung tâm hành chính” ở thành phố Bà Rịa thì chính quyền tỉnh Bình Dương quyết định chi 1,400 tỉ xây “trung tâm hành chính” ở thành phố mới Bình Dương.
Bởi chính quyền thành phố Ðà Nẵng nâng mức chi tiêu cho “trung tâm hành chính” của thành phố Ðà Nẵng lên 2,000 tỉ nên chính quyền tỉnh Ðồng Nai chi 2,200 tỉ cho việc xây dựng một “trung tâm hành chính” ở thành phố Biên Hòa. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa muốn phá kỷ lục nên nâng mức chi tiêu cho “trung tâm hành chính” ở thành phố Nha Trang lên 3,000 tỉ,…
Ðà Nẵng – nơi vừa kêu như bọng vì bị “điều tiết” cho biết đang dự tính bỏ “trung tâm hành chính” trị giá 2,000 tỉ để xây một “trung tâm hành chính” khác. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment