Tuesday, November 1, 2016

Đương đầu với Trung Quốc, Việt Nam liên tục hiện đại hóa quân đội

Hỏa tiễn hành trình siêu âm BrahMos của Ấn Độ và Nga, mà Trung Quốc muốn ngăn Nga đừng bán cho Việt Nam nhưng không thành. (Hình: Getty Images/Prakash Singh)
HÀ NỘI (NV) – Trong mười năm qua, Việt Nam tiến hành việc hiện đại hóa quân đội, nâng khả năng bằng sự tăng cường thêm quân cụ tối tân.
Theo trang mạng Diplomat, việc hiện đại hóa quân đội được thúc đẩy từ mối đe dọa Trung Quốc muốn chiếm trọn Biển Đông, mà nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam đang tranh chấp.
Việt Nam công khai công bố ngân sách quốc phòng, tăng từ $1.3 tỉ của năm 2006 lên $4.6 tỉ trong năm 2015, tức tăng 258%, tuy rằng ngân sách chính thức vẫn còn là bí mật quốc gia.
Trong năm 2015, theo SIPRI, tổ chức nghiên cứu độc lập về an ninh thế giới có trụ sở đặt tại Thụy Điển, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam đứng hàng thứ tư ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, Indonesia, và Thái Lan, những nền kinh tế có tầm vóc lớn và giàu mạnh hơn.
Đó cũng là năm mà chi tiêu quốc phòng của Việt Nam vượt qua Malaysia.
Ngân sách quốc phòng của Việt Nam ước lượng vào khoảng $5 tỉ trong năm 2016, và dự trù lên đến $6 tỉ trước năm 2020.
Con số này vẫn còn thấp vì chưa tính đến ngân sách dành cho việc nghiên cứu và phát triển và từ lợi nhuận thu được từ các ngành kỹ nghệ thuộc sự quản lý của quân đội, đặc biệt là VietTel, bộ phận cung cấp dịch vụ Internet và điện thoại di động lớn nhất của Việt Nam.
Trong thời gian từ 2011 đến 2015, Việt Nam là nước nhập cảng vũ khí đứng hàng thứ tám của thế giới, tăng 699% so với thời gian từ 2006 đến 2010, khi mà Việt Nam đứng hạng 43 về mua vũ khí.
Việt Nam chiếm một phần ba tổng số vũ khí khối ASEAN nhập cảng trong năm 2015. Trong tất cả binh chủng, Hải Quân được ưu tiên hiện đại hóa nhiều nhất.
Việt Nam mua thêm sáu tàu ngầm lớp Kilô do Nga chế tạo, năm trong số đó đã được chuyển giao, và chiếc thứ sáu sẽ đến tay Việt Nam vào đầu năm 2017, khiến Việt Nam có được một hạm đội tàu ngâm tối tân nhất trong khu vực.
Việt Nam đã hoàn tất việc huấn luyện cho chín trong số 12 đoàn thủy thủ tàu ngầm, và ít nhất một tàu ngầm hiện đang thực hiện công tác tuần tra mà không cần có sự hiện diện của huấn luyện viên hay cố vấn Nga.
Việt Nam cũng gây nhiều ngạc nhiên sau khi thành công trong việc mua được của Nga hỏa tiễn Klub bắn đi từ tàu ngầm. Tuy nhiên cho đến nay tàu ngầm của Việt Nam vẫn còn dành hầu hết thời gian huấn luyện trên mặt biển, thay vì huấn luyện lặn lâu dài dưới biển.
Vào năm 2011, Việt Nam mua hai khu trục hạm lớp Gepard, tàu chiến cùng loại cỡ lớn và hiện đại nhất, có trang thiết bị hỏa tiễn tối tân chống tàu ngầm.
Ngoài ra hai chiếc khác đang đóng và sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.
Thêm hai chiếc nữa đang còn trong giai đoạn mặc cả.
Việt Nam cũng mua của Nga hai tàu cao tốc Molniya có trang bị hỏa tiễn dùng chiến đấu trên mặt biển ở vùng ven bờ lẫn ngoài biển khơi.
Quan trọng hơn nữa, Việt Nam mua được bản quyền tự đóng thêm sáu chiếc mà nay vừa đóng xong, và hiện đang thương lượng để được phép đóng thêm bốn chiếc khác.
Ngoài hỏa tiễn Uran chống tàu thuyền, chiến hạm lớp Molniya còn được trang bị thêm hỏa tiễn Klub tấn công vào đất liền, khiến Việt Nam có khả năng nhắm vào bất kỳ cơ sở nào của Trung Quốc xây dựng trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Trong chuyến thăm Hà Nội hồi Tháng Chín 2016, Thủ Tướng Narenda Modi của Ấn Độ cấp tín dụng $500 triệu cho Việt Nam để mua hệ thống phòng thủ do Ấn chế tạo.
Chưa có thông tin chính xác ngân quỹ này sẽ được dùng vào việc gì, ngoại trừ $99 triệu được dùng vào việc sản xuất một số không được tiết lộ tàu tuần duyên, gồm cả bản quyền cho phép Việt Nam tự đóng lấy.
Nói chung, trong thời gian từ 2011 đến 2015, tàu thuyền của Hải Quân Việt Nam chiếm hết 44% chiến cụ nhập cảng.
Việt Nam hiện đang mắc phải vấn đề chậm chạp trong việc huấn luyện và bảo trì, điển hình trong binh chủng Không Quân.
Riêng trong năm 2016, Việt Nam bị mất bốn máy bay, gồm một chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2, một máy bay tuần tra và chuyển vận loại chong chóng CASA 212, một phản lực cơ huấn luyện L-39, và một trực thăng EC-130, với tổn thất nhân mạng là 13 người.
Trong thời gian từ 1994-1996, Việt Nam mua của Nga một số chiến đấu cơ Su-27 đủ trang bị cho một trung đoàn.
Từ 2003 đến 2016, Việt Nam mua thêm 36 Su-30, đủ cho ba trung đoàn chiến đấu.
Ít nhất mỗi trong ba trung đoàn đều có các loại máy bay Su-27, Su-30 và L-39, nhưng chưa đủ cấp số vì gặp vấn đề về tai nạn lẫn bảo trì.
Việt Nam hiện đang nhắm đến việc thay thế đội máy bay Mig 21 có từ thời thập niên 1960, bằng các máy bay Rafael của Pháp và Gripen của Thụy Điển.
Mặc dù có nguồn tin nói rằng Việt Nam đang xét đến việc mua F-16 của Mỹ nhưng điều này khó thực hiện vì Mỹ ngại chuyển giao kỹ thuật cho quốc gia thuộc thành phần thứ ba.
Với việc Mỹ bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, nhiều đồn đoán nói rằng họ muốn mua loại máy bay tuần duyên tối tân của Mỹ.
Tuy nhiên dù được Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận việc bán vũ khí, Việt Nam vẫn khó lòng mua được loại máy bay tối tân P-3 của Mỹ.
Ngoài phi cơ chiến đấu, Việt Nam cũng mua máy bay tuần duyên DHC-6 của Canada cũng như nhiều máy bay vận tải quân sự Casa C-295 thuộc tập đoàn Airbus EADS, để thay thế đội máy bay già nua An-26 thời Xô Viết.
Trong khi Việt Nam chỉ có được vài ba trung đoàn trực thăng vận tải quân sự nhưng hầu hết những chiếc mới nhất đều nằm trong tay Quân Đoàn 18, nơi được trang bị với các loại trực thăng như Agusta Westland AW-189, Eurocopter Super Puma và EC-225, cùng với Mi-171 của Nga.
Trong thời bình, những máy bay này dùng để chở cán bộ cao cấp hoặc dùng trong công tác nhân đạo và cứu trợ, tuy nhiên khi xảy ra chiến tranh, Việt Nam muốn Quân Đoàn 18 sẽ được cải biến thành hai trung đoàn trực thăng chiến đấu.
Nói chung, mặc dù có tiến triển, việc hiện đại hóa không lực vẫn còn kém so với hải quân.
Trong thời gian từ 2011-2015, việc mua máy bay cho không quân chiếm khoảng 37% tổng số quân cụ nhập cảng, so với 44% của hải quân.
Lục quân Việt Nam tuy chiếm hầu hết nhân lực nhưng vẫn còn tụt hậu trong lãnh vực hiện đại hóa.
Tướng Võ Văn Tuấn, phó tham mưu trưởng quân đội Việt Nam gần đây loan báo, việc hiện đại hóa lực lượng bộ binh nằm trong trọng tâm kế tiếp, mà phần chính tập trung vào lực lượng thiết giáp.
Việt Nam vừa mua của Nga chiến xa hạng nặng KZKT-7428 để chuẩn bị cho trận chiến mới bằng chiến xa.
Công ty chế tạo chiến xa Nga, Uralvagonzavod, gần đây tiết lộ rằng Hà Nội hiện đang thương lượng với họ để mua chiến xa tối tân T-90MS, mà con số bao nhiêu chiếc cũng như giá cả vẫn chưa đạt đến chung cuộc.
Tuy nhiên do giá thành cao, Việt Nam chưa thể thay thế đội T-55 đông đảo và già nua theo tính cách một đổi một trong một sớm một chiều.
Thay vì vậy, Việt Nam nhắm đến việc nâng cấp cho các chiến xa T-55 bằng hệ thống hỏa lực mới và tăng cường thêm bộ giáp để phù hợp với chiến trường hiện đại.
Việt Nam cũng đang nghiên cứu đến hệ thống pháo binh CAESAR 155 ly của Pháp, mà theo Nexter, nhà sản xuất của vũ khí này, Việt Nam vừa đặt mua thêm 18 hệ thống này cho đủ tổng số 108.
Việc đặt mua hệ thống này có nghĩa là Việt Nam muốn thay thế cho hệ thống pháo binh 152 ly thuộc thời Xô Viết.
Bộ binh Việt Nam đồng thời cũng cần đến quân xa chiến đấu và thiết vận xa, trong khi kho quân cụ của họ chỉ có các xe kiểu BRT-60 và BMP-1 thời thập niên 1960.
Trong khi thủy quân lục chiến cũng lệ thuộc hoàn toàn vào các quân xa lỗi thời như BMP-1 và PT-76, họ cũng cần các quân xa và thiết vận xa lội nước tối tân để thay thế.
Việt Nam cũng đầu tư lớn trong việc hiện đại hóa vũ khí cho bộ binh Việt Nam, gồm việc mua súng tấn công Galil của Israel, trong khi trang bị súng trường Tavor, súng máy Negev, và súng bắn sẻ Galatz cho thủy quân lục chiến.
Ngoài ra Việt Nam cũng mua được bản quyền tự sản xuất dòng vũ khí Galil kể cả đạn dược theo qui ước thuộc khối NATO.
Do nhu cầu tình hình Biển Đông, mặc dù bộ binh vẫn được ưa chuộng nhất, việc nâng cấp được tập trung nhiều nhất cho hai binh chủng không quân và hải quân.
Trong khi truyền thông Tây phương chú ý nhiều nhất đến khả năng mới về thủy chiến của Việt Nam, thật ra lực lượng hỏa tiễn của Việt Nam mới làm cho các nhà hoạch định quốc phòng của Trung Quốc lo ngại.
Gần đây, Việt Nam vừa bàn thảo xong việc mua hỏa tiễn hành trình siêu âm BrahMos của Ấn Độ và Nga, cũng như hỏa tiễn Klub bắn từ tàu ngầm để nhắm đến các mục tiêu của Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Rõ ràng là Trung Quốc đã từng vận động hành lang để Nga đừng bán hỏa tiễn BrahMos cho Việt Nam nhưng có vẻ như cuộc bàn luận vẫn đang tiến hành.
Việt Nam hiện cũng đang sở hữu Scud, hỏa tiễn đạn đạo địa đối địa, nhập cảng từ Bắc Hàn hồi thập niên 1990.
Những hỏa tiễn này có tầm hoạt động 500 cây số, đang được đặt tại Biên Hòa, đủ bay đến bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Cambodia cũng như các đảo ở phía cực Tây của Trường Sa.
Một cán bộ cao cấp binh chủng pháo binh Việt Nam cho biết, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có hỏa tiễn đạn đạo loại mới.
Gần đây truyền thông Việt Nam tiết lộ rằng họ vừa mua được các loại hỏa tiễn điều khiển địa đối địa EXTRA và ACCULAR, với tầm chính xác cao, và tầm hoạt động theo thứ tự là 150 cây số và 40 cây số.
Những hỏa tiễn này được cho là đặt chung quanh Cam Ranh nhưng nguồn tin Tây phương vừa tiết lộ rằng những quân cụ này đã được chuyển ra các đảo do Việt Nam kiểm soát ở Trường Sa.
Độ chính xác chưa thể xác nhận vì Việt Nam phủ nhận nguồn tin này.
Hiện nay, Việt Nam đang có các đơn vị phòng không đặt ở vùng duyên hải, một ở Hải Phòng trang bị với hệ thống Redut có tầm hoạt động 460 cây số, để chống lại mọi hành động phong tỏa Vịnh Bắc Bộ của Trung Quốc từ căn cứ ở đảo Hải Nam.
Một đơn vị ở Đà Nẵng, với hệ thống Rubezh có tầm hoạt động 80 cây số, và đơn vị thứ ba tối tân nhất đặt ở Ninh Thuận, nằm về phía Nam Cam Ranh, với hệ thống Bastion-P do Nga chế tạo, có tầm hoạt động 300 cây số.
Đơn vị thứ tư nằm tại Phú Yên, về phía Bắc Cam Ranh, nơi có thể được trang bị với hệ thống Bastion-P hoặc có thể là hệ thống BrahMos. Trung đoàn mới này bao trùm việc phòng thủ vùng duyên hải miền Trung, cũng như che chở thêm cho vịnh Cam Ranh, nơi hầu hết khí cụ tối tân và mắc tiền của quân đội Việt Nam được tồn trữ.
Ngoài ra Việt Nam cũng vừa mua hệ thống pháo phòng không tầm trung mới, SPYDER, từ Israel. Hệ thống này bổ sung cho hệ thống tầm xa hiện có S-300 và tầm ngắn cũ hơn S-125 và Strela-10.
Hệ thống SPYDER được đặt sát nách Hà Nội cung cấp thêm một lớp phòng không khác cho thủ đô.
Hiện Việt Nam chỉ mới có một hệ thống SPYDER, nhưng có nguồn tin nói rằng họ cần ít nhất bốn hệ thống để bố trí trên khắp nước.
Mặc dù đầu tư nhiều mặt nhưng Việt Nam vẫn còn yếu kém về khả năng tình báo, dò tìm và thám sát.
Gần đây Việt Nam mới mua được của Pháp hệ thống radar quan sát duyên hải, có khả năng quan sát chân trời xa đến 170 cây số và có thể trông thấy mọi tàu thuyền đến gần dưới mọi thời tiết.
Hệ thống này được đặt tại Trường Sa nơi cho phép Việt Nam thám sát được khắp quần đảo.
Truyền thông Việt Nam cũng tiết lộ rằng họ vừa mua được vệ tinh quan sát trái đất ASNARO-2 của Nhật, có khả năng chụp được hình độ phân giải cao vào lúc ban đêm và trong tình trạng trời nhiều mây, và có thể dùng trong các mục đích quân sự.
Kết quả lấy được từ vệ tinh này, kết hợp với một vệ tinh của Ấn Độ mua được qua thỏa ước ký kết năm 2016, có thể giúp Việt Nam khả năng chưa từng có là quan sát trọn vẹn vùng Biển Đông.
Vệ tinh ASNARO-2 dự trù sẽ được phóng vào năm 2017.
VietTel, công ty viễn thông thuộc quân đội, hiện có được hệ thống radar cảnh báo để hỗ trợ các pháo đội hỏa tiễn phòng không, và gần đây cũng phát triển thêm hệ thống mới C4ISR.
VietTel cũng vừa phát triển nhiều máy bay không người lái loại nhỏ, đồng thời, với sự hợp tác của Belorussia, VietTel cũng nhắm đến việc chế tạo những chiếc khác có khả năng bay cao và lâu hơn.
Chiếc UAV HS-6L, ra đời vào Tháng Mười Hai 2015, có thể bay lâu 35 giờ và tầm hoạt động đến 4,000 cây số, giúp Việt Nam khả năng quan sát khắp Biển Đông.
Việt Nam cũng đang thuê máy bay không người lái Heron của Israel và đang tìm cách mua lại bản quyền để tự chế lấy.
Không lạ gì Việt Nam đang thực hiện những bước tiến triển trong việc hiện đại hóa quân đội, tuy nhiên vấn đề là họ có thể tiếp thu được các quân cụ tối tân này đến mức độ nào và kết hợp chúng lại với nhau ra sao cho thật hiệu năng mới là điều quan trọng. (TP)

No comments:

Post a Comment